Phó Thủ tướng: Không có chuyện "khai tử" môn lịch sử
(Dân trí) - "Một số ý kiến của cử tri cho rằng môn lịch sử là môn lựa chọn sẽ dẫn đến việc bỏ hoặc khai tử môn lịch sử, điều đó không đúng" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.
Chiều 9/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham gia làm rõ các vấn đề có liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảm ơn các đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước đã cơ bản đồng tình và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, xây dựng về các báo cáo của Chính phủ, nhất là Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2022.
Theo Phó Thủ tướng, hầu hết đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được, trong đó khẳng định dịch bệnh được kiểm soát vững chắc hơn; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được đẩy mạnh; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, cùng với tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, những kết quả đạt được là rất cơ bản và rất đáng trân trọng, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội, cử tri cũng đề cập đến những tồn tại, hạn chế, bất cập trên nhiều lĩnh vực cần khẩn trương khắc phục, xử lý hiệu quả.
"Chính phủ xin trân trọng lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu, các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của đồng bào, cử tri cả nước. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xử lý, giải quyết, nhất là những khó khăn, vướng mắc và các vấn đề thực tiễn đặt ra trên các lĩnh vực, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi nhanh và phát triển bền vững KTXH" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, trong hơn 2 ngày qua, đã có 3 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trực tiếp trả lời chất vấn; 2 Phó Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ tham gia giải trình, trả lời chất vấn bổ sung tại hội trường. Đối với những vấn đề chất vấn bằng văn bản hoặc các vị đại biểu Quốc hội chất vấn trực tiếp nhưng chưa được trả lời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ nghiêm túc trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Sau khi làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về các lĩnh vực, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham gia chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội.
"Đảm bảo chất lượng giáo dục môn lịch sử"
Đặt câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) cho biết, những ngày vừa qua nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, có ý kiến khác nhau về môn lịch sử sẽ là môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo gì về vấn đề này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận thời gian qua. "Chủ trương của Đảng và Nhà nước về chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có môn lịch sử rất cụ thể. Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đã quy định hết sức rõ là đảm bảo cho học sinh có trình độ THCS, có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THPT tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng" - Phó Thủ tướng cho biết.
Nghị quyết 88 của Quốc hội, Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định rất rõ là giáo dục phổ thông 12 năm gồm 2 giai đoạn giáo dục. Trong đó, giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp trung học 5 năm và cấp THCS 4 năm, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp cấp THPT 3 năm. "Giáo dục cơ bản đảm bảo cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng và nêu rất rõ môn lịch sử là môn bắt buộc. THPT là giáo dục định hướng nghề nghiệp, đảm bảo cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp chuẩn bị cho giai đoạn sau phổ thông có chất lượng" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lý giải.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32 năm 2018 về giáo dục phổ thông, trong đó có môn lịch sử. "Môn lịch sử được dạy ở tất cả các trường trung học phổ thông, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có. Một số ý kiến của cử tri cho rằng môn lịch sử là môn lựa chọn dẫn đến việc bỏ hoặc khai tử môn lịch sử, điều đó không đúng" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định và cho rằng môn lịch sử được phân theo hai giai đoạn như vậy vẫn đảm bảo được chất lượng giáo dục.
Theo Phó Thủ tướng, trước các ý kiến của cử tri, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến của cử tri, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam liên quan đến chương trình giáo dục môn lịch sử cấp Trung học phổ thông; tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học tập môn lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc để đảm bảo kiến thức môn lịch sử luôn được tăng cường và chú trọng.
Vì sao cổ phần hóa, thoái vốn không đạt kế hoạch?
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho hay, nhiều đại biểu đã chất vấn về tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chậm, không đạt kế hoạch đề ra, gây lãng phí lớn nguồn lực của Nhà nước. Nhận xét "tồn tại này không mới", đại biểu Cường chất vấn: "Đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ hơn hạn chế này. Chúng ta đã xử lý trách nhiệm ai chưa và nếu chưa thì tại sao lại chưa xử lý?".
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thông tin: Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn của Đảng và Nhà nước đã có kế hoạch triển khai, trong đó giai đoạn 2016-2020 thực hiện cổ phần hóa 128 doanh nghiệp và thoái vốn 348 doanh nghiệp. Kết quả đến năm 2020 đã cổ phần hóa được 39/128 doanh nghiệp, thoái vốn 106/348 doanh nghiệp, đạt 30% kế hoạch.
Giai đoạn từ 2021 đến tháng 4/2022, theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp chưa hoàn thành thuộc danh mục đã đưa ra từ năm 2016-2020.
"Việc cổ phần hóa không đạt được theo đúng kế hoạch do nhiều nguyên nhân, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai cần phải làm thủ tục giải quyết trước khi cổ phần hóa; nhiều quy định cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo tối đa lợi ích của Nhà nước nên quy trình thực hiện dài hơn, các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung trong công đoạn cổ phần hóa, thoái vốn; nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp một số vấn đề, xử lý đất đai theo quy định; việc phối hợp giữa các cơ quan, chủ sở hữu, Bộ, ngành, địa phương trong cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn…" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát sửa đổi các văn bản luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh quá trình này.
Gỡ khó trong giải ngân vốn ODA
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước từ nguồn ODA năm 2021 là rất thấp, chỉ đạt 32,85% dự toán. Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc cắt giảm bội chi ngân sách trung ương chủ yếu do cắt giảm từ nguồn vốn ODA chưa thực hiện giải ngân phải hủy dự toán lên đến hơn 29.000 tỷ đồng. Nữ đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian qua? Chính phủ có những chỉ đạo và giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn ODA trong năm 2002 và những năm tiếp theo?
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trả lời, đây là nguồn vốn hết sức quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, là nguồn lực huy động hết sức cần thiết, không dễ tiếp cận. Việc chúng ta vẫn huy động được nguồn vốn ODA cho thấy việc sử dụng nguồn vốn này của chúng ta đang được đánh giá hiệu quả.
"Việc giải ngân vốn đầu tư ODA còn ở mức thấp so với tình hình giải ngân nói chung, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; thủ tục, quy trình giữa chúng ta và các nhà tài trợ có nhiều khác biệt; vấn đề giải phóng mặt bằng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa hiệu quả; năng lực giải ngân còn hạn chế…" - Phó Thủ tướng nói.
Ông Phạm Bình Minh cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến nguồn vốn này, tăng cường rà soát các thủ tục, hài hòa hóa các thủ tục với các nhà tài trợ, điều chỉnh thủ tục giải ngân vốn ODA, xem xét điều chuyển nguồn vốn để nâng cao hiệu quả trong việc thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA.
Số liệu giải ngân "vênh nhau" 11.500 tỷ đồng?
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) tranh luận: 7 ngày trước (ngày 2/6), phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã nói "Đến hết tháng 5 Chính phủ giải ngân được 22.000 tỷ đồng trên 300.000 tỷ đồng trong gói phục hồi kinh tế". Tuy nhiên, ngày hôm nay, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói đến hết tháng 5 Chính phủ giải ngân được 33.500 tỷ. Như vậy, cùng một thời điểm tính toán, số liệu giải ngân khác nhau là 11.500 tỷ đồng. Vậy đâu là kết quả chính xác mà Chính phủ đạt được?
Nữ đại biểu cũng đặt vấn đề pháp luật được coi là "tội đồ" cho sự chậm trễ trong thực hiện một số gói phục hồi kinh tế và nhiều mục tiêu khác. Là người trực tiếp phụ trách công tác xây dựng thể chế theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết việc chậm trễ có đúng là do rào cản pháp luật hay không? Phải chăng những cơ chế đặc thù là chưa đủ và nếu đúng do pháp luật thì đó là những quy định nào để Quốc hội được biết và cũng có căn cứ để hoàn thiện thể chế?
Trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết chưa đối chiếu số liệu với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Số liệu các cơ quan sẽ phải đối chiếu trực tiếp, đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Theo Phó Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp số liệu cuối cùng về vấn đề giải ngân, vì báo cáo từng thời kỳ có những lúc khác nhau.
"Đây là một vấn đề mà trong các cuộc họp của Chính phủ cũng có nêu về thực tế giải ngân là ta tính của Bộ Tài chính, trên cơ sở các nguồn đã được quyết toán từ Kho bạc Nhà nước. Còn báo cáo của các tỉnh thành cũng như báo cáo của các dự án là thực tế thực hiện. Luôn luôn có sự chênh lệch giữa các số liệu này. Tuy nhiên, ở đây tôi xin kiểm tra lại, đối chiếu lại con số để có số liệu chính thức, chính xác trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công" - Phó Thủ tướng cho hay.
Về vấn đề thể chế, Phó Thủ tướng thông tin, khi giải ngân nguồn vốn đầu tư công với tình hình triển khai chậm thì Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để rà soát lại về vấn đề thể chế xem những vướng mắc gì trong việc làm chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Không chỉ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước, kể cả nguồn vốn ODA. Tổ công tác đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành, các địa phương báo cáo lên.
"Trong báo cáo tổng hợp lên có khoảng 2.000 vấn đề (con số có thể tôi không nhớ chính xác), trong đó khoảng 60-70% là do vấn đề hiểu chưa hết các quy định thủ tục. Sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành để giải thích, hiểu các quy định. Tôi chắc các tỉnh, thành đều nhận được văn bản này, kể cả nguồn vốn đầu tư công trong nước lẫn nguồn vốn ODA, còn lại những vấn đề gì liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, đó là nghị định, thông tư của các bộ thì tập hợp lại để điều chỉnh trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành" - ông Minh nêu rõ.