1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng: Đến Việt Nam du lịch sợ nhất là bị... chặt chém!

(Dân trí) - “Chi phí tổ chức lễ hội bỏ ra nhiều hơn số tiền thu về, trong khi đó di tích cứ không có kinh phí đầu tư là đóng cửa bỏ đó. Nhiều khi các đồng chí cứ coi du lịch như một loại hình vui chơi giải trí chứ không phải ngành làm kinh tế. Đến Việt Nam du lịch sợ nhất là bị chặt chém!”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy khi chủ trì cuộc họp góp ý về “Đề án Định hướng phát triển ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, diễn ra chiều 15/7 tại trụ sở Chính phủ.

Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) báo cáo về nội dung Đề án Định hướng phát triển ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó nhấn mạnh mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020 thu hút 14-15 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng trưởng bình quân 12-14% /năm giai đoạn 2015-2020; đóng góp 9-1-% GDP. Đặt ra mục tiêu 14-15 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch từ 29 - 32,5 tỷ USD, tăng trưởng 14-16%/năm giai đoạn 2015 -2020…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về góp ý Đề án Định hướng phát triển ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về góp ý Đề án Định hướng phát triển ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Sau khi nghe người đứng đầu ngành VHTT&DL nêu ra nội dung Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ sự ái ngại về bản Đề án này. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: Năm 2020 kinh tế du lịch của Việt Nam có cất cánh được không, có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không? Quan điểm và mục tiêu của Đề án lẫn lộn, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Đề án cũng không phân biệt được. Việcxác định Chính phủ làm gì, địa phương làm gì, doanh nghiệp làm gì… đề án cũng chưa có.

Đồng quan điểm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại diện Bộ, ngành, địa phương dự họp cũng cho rằng Đề án Định hướng phát triển ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà Bộ VHTT&DL đưa ra không đạt. Chưa hết, những khó khăn yếu kém của ngành du lịch được đề cập trong Đề án theo lãnh đạo Chính phủ và đại diện các Bộ ngành là “nhẹ nhàng quá”, cần nói rõ ngành du lịch còn nhiều yếu kém so lới tiềm năng và lợi thế cạnh tranh…

“Vấn đề này phải nhìn nhận thật thẳng thắn từ nội tại bên trong của ngành du lịch, chính ngành du lịch chưa nhận thức du lịch là một ngành kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng nhất chứ không thể đổ tội cho ngành nọ ngành kia không phối hợp” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, du lịch là một ngành kinh tế về dịch vụ, có tính chất tổng hợp liên ngành liên vùng và tính xã hội hóa rất cao. Phải có thước đo và tiêu chí cho ngành này. Cả nước làm du lịch, toàn dân làm du lịch chứ không phải chỉ ngành văn hóa du lịch mới làm du lịch.

Khách nước ngoài bị chặt chém ở Bờ Hồ - Hà Nội (ảnh: Hữu Nghị)
Khách nước ngoài bị "chặt chém" ở Bờ Hồ - Hà Nội (ảnh: Hữu Nghị)

“Tôi cho rằng quan trọng là cách thức làm du lịch như thế nào, phải nhìn nhận tiềm năng và lợi thế của du lịch Việt Nam cả động và tĩnh. Hiện nay hoạt động xúc tiến quảng bá và thu hút du lịch của ta rất không ổn. Nhiều khi các đồng chí cứ coi du lịch như một loại hình vui chơi giải trí chứ không phải ngành làm kinh tế. Đến Việt Nam du lịch sợ nhất là bị chặt chém!" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.

Nhiều ngịch lý được ông Huệ chỉ ra như chi phí tổ chức lễ hội bỏ ra nhiều hơn số tiền thu về. Phó Thủ tướng dẫn chứng: "Tôi đến Huế thấy mới chỉ khai thác mỗi cố đô còn lại mười mấy cái di tích đều bỏ không, hỏi thì bảo không có kinh phí đầu tư để khai thác du lịch nên đóng cửa bỏ đó… Đây là vấn đề tư duy làm du lịch, tại sao lại phải đóng cửa, chỉ cần cho tư nhân vào làm rồi Nhà nước thu thuế là được”.

So sánh về cách thức và hiệu quả làm du lịch giữa Việt Nam với các nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn chứng đền thờ Angkor Wat ở Campuchia mỗi năm thu tới 360 triệu USD, trong khi đó khu Đại nội Huế rộng lớn của Việt Nam mỗi năm chỉ khai thác được khoảng 100 triệu USD.

Tương tự, ở đảo Hawaii của Mỹ, chỉ có Trân Châu Cảng với con tàu đắm mà người người lũ lượt xếp hàng, hết ngày này qua ngày khác chỉ để ra chụp cái ảnh rồi đi về mà cũng thu được 20 USD/người trong khi Việt Nam có bao nhiêu di tích như vậy mà không thu hút được khách du lịch.

“Trong khai thác du lịch trên thế giới, không có ở đâu là không có dịch vụ mua sắm, điểm cuối cùng của tour là tới trung tâm thương mại để mua sắm. Họ chia tour ra, cùng một nơi nhưng lần đầu đến họ dẫn đi các điểm này rồi lần sau lại đến điểm khác. Không như Việt Nam, vào Đại nội Huế là cứ đi thoải mái và không biết lối vào chỗ nào lối ra chỗ nào. Vậy là lần sau khách họ chán không đến nữa” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Du lịch Việt Nam xếp hạng 40 thế giới

Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng VHTT&DL - cho biết: Theo đánh giá, 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, các chỉ tiêu định lượng đã đạt được và vượt so với mục tiêu của chiến lược. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,94 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 15,40 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp vào GDP là 6,6%.

Báo cáo tác động kinh tế của ngành du lịch của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTC) cho thấy, năm 2015 ngành du lịch Việt Nam đóng góp trực tiếp 6,6% GDP, tổng đóng góp 13,9% GDP. Về giá trị tuyệt đối, đóng góp của du lịch Việt Nam xếp hạng 40 thế giới, về giá trị tương đối (căn cứ tỷ lệ đóng góp so với GDP) thì du lịch Việt Nam xếp hạng 55 thế giới.

Châu Như Quỳnh