1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng đánh giá dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang quá chậm

Tâm Linh

(Dân trí) - Chiều 13/3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có chuyến thị sát công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bình Chánh, TPHCM) và đặt yêu cầu về tiến độ của dự án.

Đoàn thị sát đến công trường nằm trong gói thầu A2-2 thuộc đoạn phía Tây dự án. Đi cùng với Phó Thủ tướng có lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương TPHCM, Đồng Nai, Long An.

Chủ đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đã báo cáo tiến độ đoạn A2-2 hiện có tổng khối lượng thi công đạt 81,66% và vẫn chờ bố trí vốn để tiếp tục thi công.

Sau báo cáo của VEC, Phó Thủ tướng đánh giá tiến độ của dự án đến nay mất 3 năm 9 tháng là quá chậm, đồng thời trao đổi với lãnh đạo các bộ ngành phải đưa ra phương án đẩy nhanh tốc độ, nhất là khâu giải quyết thủ tục hành chính.

Phó Thủ tướng đánh giá dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang quá chậm - 1

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được hoàn thành gần 80% khối lượng công trình, tuy nhiên bị dừng thi công nhiều đoạn khiến công trình bị bỏ hoang, mất trộm vật liệu... (Ảnh: Hải Long).

Lãnh đạo VEC đã kiến nghị và cam kết nếu được chấp thuận chủ trương được bố trí vốn thì sẽ dự kiến hoàn thành đoạn gói thầu A2-2 vào đầu năm 2024. Chủ đầu tư đang khẩn trương xử lý hợp đồng với các nhà thầu để triển khai thi công toàn bộ công trường cho kịp tiến độ toàn dự án vào cuối tháng 9/2025.

Trong buổi thị sát, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng hỏi về số tiền 5.116 tỷ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi hiện chưa sử dụng đến của VEC (gồm tiền trả nợ các khoản vay, vốn hợp pháp của VEC).

Lãnh đạo VEC trả lời nguồn vốn này đang gửi ở ngân hàng. Với nguồn này, VEC cho biết sẽ dùng để cân đối đủ trả nợ và còn số dư sẽ đảm bảo khả năng bố trí vốn cho dự án.

Phó Thủ tướng cho rằng đây là điều vô lý khi tiền nhàn rỗi của VEC đang gửi tiết kiệm trong khi công trình lại chậm tiến độ nhiều năm do thiếu vốn. "Tiền nào chẳng là tiền của Nhà nước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các bộ ngành rà soát lại việc bố trí nguồn tiền.

Theo VEC, trước đây để tháo gỡ vướng mắc về vốn, Bộ GTVT đã có tờ trình trình Thủ tướng kiến nghị cho phép VEC sử dụng số vốn 5.116 tỷ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay, vốn hợp pháp của VEC để hoàn thành phần việc còn lại.

Các bộ ngành đã thống nhất, tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng nguồn thu phí do VEC quản lý là dòng tiền tạm thời nhàn rỗi khi VEC chưa trả nợ vay cho Nhà nước thuộc sở hữu của Nhà nước, không phải là nguồn vốn chủ sở hữu của VEC. Việc VEC tự bố trí từ nguồn vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để bố trí vốn đối ứng cho dự án khác là không phù hợp.

Lãnh đạo VEC cho biết, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang gặp vướng mắc lớn nhất về thủ tục pháp lý. Nếu không được thông qua, dự án sẽ tiếp tục bị dừng, kéo dài tiến độ, chưa thể xác định thời điểm hoàn thành.

Nguyên nhân là VEC không thể huy động được vốn vay nước ngoài. Trong khi chờ thủ tục bố trí vốn, VEC đang sử dụng nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để yêu cầu các nhà thầu tiếp tục thi công các gói thầu.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được Thủ tướng phê duyệt danh mục tại văn bản số 1795 ngày 5/10/2010 và được Bộ GTVT phê duyệt dự án ngày 31/12/2014.

Dự án có chiều dài khoảng 57,8km với tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, gồm vốn vay ADB hơn 13.600 tỷ đồng, vốn JICA gần 12.000 tỷ đồng và vốn đối ứng hơn 5.689 tỷ đồng.

Trao đổi với Dân trí, đại diện chủ thầu VEC cho biết đơn vị đã xin điều chỉnh thời gian thực hiện toàn tuyến cao tốc đến ngày 30/9/2025, chậm gần 2 năm so với kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Tổng mức đầu tư dự án cũng giảm 1.000 tỷ đồng (còn 30.320 tỷ đồng) so với ban đầu. Đồng thời, điều chỉnh cơ chế tài chính trong nước và phương thức cho vay lại đối với nguồn vốn ADB, JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), vốn đối ứng.