1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Thủ tướng chỉ đạo triển khai các dự án đường cao tốc trọng điểm

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai các dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa - Bãi Vọt và Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, chấp thuận cho thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Phó Thủ tướng chỉ đạo triển khai các dự án đường cao tốc trọng điểm
Bản đồ các chặng đã hoàn thành xây dựng cao tốc và những đoạn dự kiến thực hiện trên trục Bắc - Nam.
 
Cụ thể, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ GTVT thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư; quyết định phương án phân kỳ đầu tư, bảo đảm đáp ứng nhu cầu giao thông và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư theo phương án tài chính của các dự án.

Dự kiến, dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa (Nghi Sơn) dài 106 km, quy hoạch 6 làn xe, nền đường 32,25m, dự kiến sẽ khởi công vào nửa đầu năm 2015; dự án Thanh Hóa - Bãi Vọt dài 98,2 km, quy hoạch 4-6 làn xe, phấn đấu năm 2016 khởi công và hoàn thành vào năm 2020.

Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km, quy hoạch 6 làn xe, dự kiến khởi công trong tháng 1 này; dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 24,5km, quy hoạch 6 làn xe, dự kiến sẽ khởi công vào nửa đầu năm 2015.

Tăng cường vận tải, đưa kim ngạch thương mại Việt – Lào lên mốc 2 tỷ USD

Cũng liên quan đến lĩnh vực giao thông, hôm nay, 8/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có văn bản chấp thuận kiến nghị của Bộ GTVT thông qua về nguyên tắc nội dung cơ bản của Đề án nghiên cứu chung về tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Lào.

Theo Bộ GTVT, hoạt động vận tải nói chung và vận tải hàng hóa nói riêng giữa Việt Nam - Lào đã phát triển nhanh sau khi hai nước ký Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa hai nước (năm 2009) và Nghị định thư thực hiện Hiệp định (năm 2010). Tuy nhiên đến nay vận tải đường bộ và vận tải hàng hóa nói riêng còn nhiệu nội dung cần tiếp tục phối hợp, đổi mới, hiện đại hóa để đạt hiệu quả cao hơn.

Ngoài Hiệp định song phương hai nước, Việt Nam và Lào còn tham gia Hiệp định đa phương về tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông...

Việc xây dựng thực hiện Đề án nghiên cứu chung về tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Lào là cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hàng hóa liên vận, hàng hóa quá cảnh, khai thác tối ưu mạng lưới đường bộ hiện có giữa hai nước, đề ra các giải pháp thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại giữa hai nước.

Bộ GTVT cũng cho biết, mục tiêu của Đề án nhằm hạn chế xe chạy rỗng, tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều, tăng kim ngạch thương mại hai nước lên 2 tỷ USD vào năm 2015 và 5 tỷ USD vào năm 2020, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút hàng quá cảnh từ Lào sang Việt Nam để xuất đi các nước và ngược lại; cơ sở để công tác quản lý nhà nước về vận tải hàng hóa giữa hai nước tổ chức các dịch vụ công phục vụ cho hoạt động vận tải hàng hóa hai nước.

P.Thảo