1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Phó Thủ tướng chỉ đạo thanh tra quá trình cổ phần hoá, sáp nhập Mediplast-Vinamed

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình vừa giao Thanh tra Chính phủ thanh tra, làm rõ quá trình cổ phần hoá Tổng công ty thiết bị y tế Việt Nam (Vinamed), việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Nhựa Y tế (Mediplast) và việc sáp nhập Mediplast và Vinamed ồn ào dư luận thời gian qua.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam - CTCP
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam - CTCP

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thanh tra chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình xung quanh kiến nghị của bà Lê Thị Minh Châu - cổ đông Công ty cổ phần Nhựa Y tế (Mediplast).

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ thanh tra làm rõ quá trình cổ phần hoá Tổng công ty thiết bị y tế Việt Nam (Vinamed), việc thoái vốn Nhà nước tại Mediplast, Tổng công ty cổ phần Y tế (Danameco) và việc sáp nhập Mediplast và Vinamed.

Thanh tra Chính phủ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra sự việc này trong quý II/2018.

Như Dân trí đã liên tục phản ánh, bà Lê Thị Minh Châu và các cổ đông gửi thư kiến nghị tới Chính phủ và cơ quan liên quan phản ánh việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed đã làm cho tỷ lệ vốn nhà nước tại Vinamed bị giảm từ 20% xuống còn 14% chỉ sau 9 tháng cổ phần hóa là trái với quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hơn nữa, quá trình sáp nhập giữa hai công ty có nhiều biểu hiện mập mờ trong định giá doanh nghiệp nên rất cần được làm rõ. Cụ thể, để thay đổi tỷ lệ vốn Nhà nước sở hữu tại Vinamed khác với tỷ lệ 20%, công ty và người đại diện vốn nhà nước tại Vinamed cần phải xin phép và có sự phê duyệt đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý vốn nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện việc thay đổi tỷ lệ. Tuy nhiên ban lãnh đạo công ty đã thực hiện việc sáp nhập khiến cho tỷ lệ vốn nhà nước giảm xuống, thậm chí ngay sau khi Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng được ban hành (?!).

Cuối tháng 11/2017, Bộ Y tế có văn bản số 6533/BYT-KHTC gửi tới Văn phòng Chính phủ báo cáo các nội dung liên quan đến ồn ào trên.

Bộ Y tế cũng cho rằng việc sáp nhập Vinamed vào Mediplast thành một phần pháp nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của hai doanh nghiệp này. Việc sáp nhập dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước nắm giữ tại Vinamed từ 20% xuống còn 14% và làm thay đổi cơ cấu phát hành lần đầu theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2265/QĐ-TTg. Điều này có nguyên nhân là do thông qua việc sáp nhập số vốn Điều lệ Vinamed đã được tăng thêm, nhưng số cổ phần nhà nước trong Vinamed vẫn được giữ nguyên.

Mặt khác, Bộ Y tế cho rằng tỷ lệ này vẫn còn tiếp tục thay đổi bởi theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thì trong năm 2018 toàn bộ số vốn nhà nước tại Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam- CTCP sẽ được chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và thực hiện thoái toàn bộ để tỷ lệ vốn nhà nước tại Vinamed sẽ chỉ còn 0%.

Không đồng ý với những giải thích trên của Bộ Y tế, bà Lê Thị Minh Châu và các cổ đông của Công ty cổ phần Nhựa Y tế (Mediplast) tiếp tục gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng đề nghị thanh tra, làm rõ sự việc lùm xùm này.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm