1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bộ Tài chính đề nghị làm rõ việc sáp nhập Mediplast và Vinamed

(Dân trí) - Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế với vai trò là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam (Vinamed) xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc sáp nhập giữa Công ty cổ phần Nhựa Y tế (Mediplast) và Vinamed.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam - CTCP (VINAMED).
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam - CTCP (VINAMED).

Như Dân trí đã phản ánh, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình mới đây đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra, làm rõ phản ánh, kiến nghị về một số nội dung liên quan đến thoái vốn nhà nước, sáp nhập giữa Công ty cổ phần Nhựa Y tế (Mediplast) vào Tổng công ty Thiết bị Y tế - CTPT (Vinamed).

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra làm rõ phản ánh, kiến nghị của bà Lê Thị Minh Châu (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về việc Hội đồng quản trị Vinamed bán 750.000 cổ phần (tương đương 45,5% vốn điều lệ) của Mediplast và và việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed làm giảm tỷ lệ sở hữu vốn của nhà nước tại Vinamed từ 20% xuống 14%, trái với Quyết định số 2265/QĐ-TTg ngày 15/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án cổ phần hóa Vinamed (Nhà nước nắm giữ 1.760.000 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ), gây dư luận không tốt về công tác cổ phần hóa.

Theo yêu cầu trên, Bộ Y tế phải kiểm tra và báo cáo sự việc trên tới Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2017.

Liên quan đến sự việc này, theo tìm hiểu của chúng tôi, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Y tế nêu ý kiến liên quan đến việc sáp nhập Mediplast vào Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, Quyết định số 2265/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam- công ty cổ phần là Bộ Y tế.

Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/78/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, theo đó thực hiện chuyển giao Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vào năm 2018 và thoái vốn với tỷ lệ vốn nhà nước là 20%.

Bộ Tài chính đã chuyển đơn của các cổ đông Mediplast và đề nghị Bộ Y tế với vai trò là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền và trả lời đơn thư của các cổ đông.

Theo phản ánh của các cổ đông, việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed đã làm cho tỷ lệ vốn nhà nước tại Vinamed bị giảm từ 20% xuống còn 14% chỉ sau 9 tháng cổ phần hóa là trái với quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình sáp nhập giữa hai công ty có nhiều biểu hiện mập mờ trong định giá doanh nghiệp nên rất cần được làm rõ.

Hơn nữa, để thay đổi tỷ lệ vốn Nhà nước sở hữu tại Vinamed khác với tỷ lệ 20%, công ty và người đại diện vốn nhà nước tại Vinamed cần phải xin phép và có sự phê duyệt đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý vốn nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện việc thay đổi tỷ lệ. Tuy nhiên ban lãnh đạo công ty đã thực hiện việc sáp nhập khiến cho tỷ lệ vốn nhà nước giảm xuống, thậm chí ngay sau khi Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng được ban hành (?!).

Bà Lê Thị Minh Châu cho biết, dù đã gửi rất nhiều đơn thư khiếu nại nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ Bộ Y tế.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm