1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Phố núi sắp được “giải thoát” sau 2 năm ngập ngụa rác thải

(Dân trí) - Sau hơn 2 năm Hương Khê ngập trong rác thải, ngày 29/10, cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền về việc thực hiện dự án khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tập trung ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất triển khai trong tháng 11/2019.

Người dân Hương Khê đồng tình với dự án xây dựng khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tập trung sau hơn 2 năm sống chung với rác.

2 năm khốn khổ vì rác

Huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) có bãi rác duy nhất là bãi Trại Lợn đã phải đóng cửa vào năm 2017 vì quá tải. Tuy nhiên, khi các ngành chức năng thực hiện dự án xử lý rác mới lại gặp phải sự phản đối của người dân khiến địa phương này “chìm” trong rác.

Phố núi sắp được “giải thoát” sau 2 năm ngập ngụa rác thải - 1

Rác thải chất đống 2 bên đường mòn Hồ Chí Minh đoạn đi qua thị trấn Hương Khê.

Dự án không thể triển khai, người dân của thị trấn và các xã của huyện Hương Khê phải tự xử lý rác bằng cách... vứt ra đường. Ngoài ra, có nhiều hành động vứt rác “khác thường” khiến dư luận bức xúc như “gửi rác theo tàu” (treo rác vào các toa tàu hỏa để tàu chở đi nơi khác) hay chở cả xe rác đi vứt ra đường…

Ghi nhận tại huyện Hương Khê thời gian qua, 2 bên đường Hồ Chí Minh, hàng nghìn bao tải, túi nilon đựng rác thải sinh hoạt, xác động vật được chất đống, kéo dài hàng cây số. Khi gió thổi mạnh, túi nilon bay tung tóe, ruồi nhặng bu kín, người tham gia giao thông khi đi qua đây phải đeo khẩu trang, bịt mũi vì mùi hôi nồng nặc.

Phố núi sắp được “giải thoát” sau 2 năm ngập ngụa rác thải - 2

Những khu vực công cộng có biển cấm đổ rác vẫn ngập rác.

Rác ngập khắp mọi nẻo đường từ thị trấn đến nông thôn, đặc biệt là tại các khu vực họp chợ, lượng rác ùn ứ chất đống gây mất cảnh quan, ảnh hưởng nặng nề đến vệ sinh môi trường, đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Không những thế, nhiều nơi người dân còn đưa rác thải ra tập kết 2 bên đường tàu làm ảnh hưởng đến an toàn đường sắt.

Để khắc phục tạm thời tình trạng trên, cứ mỗi hai ngày, chính quyền phải cho xe thu gom rác trên địa bàn huyện chở đi tiêu hủy tại các nhà máy, bãi rác trong tỉnh và ở tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, giải pháp trên cũng không mấy ăn thua do lượng rác nhiều và quãng đường vận chuyển xa…

Phố núi sắp được “giải thoát” sau 2 năm ngập ngụa rác thải - 3

Đường tàu cũng không "thoát" khỏi tình trạng rác bủa vây.

Ông Lê Khắc Kính (xã Hương Long) cho biết, trước đây mọi đường làng, ngõ xóm đều sạch sẽ, không khí trong lành; đặc biệt là vùng thị trấn Hương Khê được xem là phố núi ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, gần 3 năm nay, khắp nơi rác ngập tràn khiến người dân vô cùng ngán ngẩm.

“Mỗi sáng mai thức dậy thấy rác ngập tràn chúng tôi rất buồn, người dân chúng tôi tha thiết có dự án xử lý rác trên địa bàn để chấm dứt tình trạng trên. Nhiều lần chính quyền đàm phán với người dân tại khu vực quy hoạch dự án xử lý rác thải không thành khiến chúng tôi vô cùng thất vọng.” – ông Kính nói.

Nút thắt được tháo gỡ

Sau nhiều lần đối thoại không thành, ngày 29/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, PGS. TS - Viện trưởng Viện Hàn lâm KH&CN - Bộ TN&MT Trịnh Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn cùng chủ trì cuộc đối thoại với người dân về thực hiện dự án khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tập trung.

Phố núi sắp được “giải thoát” sau 2 năm ngập ngụa rác thải - 4

PGS. TS - Viện trưởng Viện Hàn lâm KH&CN - Bộ TN&MT Trịnh Văn Tuyên cung cấp các thông tin về dự án xử lý rác thải rắn sinh hoạt tập trung tại cuộc đối thoại với người dân huyện Hương Khê.

Thông tin liên quan đến dự án được PGS. TS - Viện trưởng Viện Hàn lâm KH&CN - Bộ TN&MT Trịnh Văn Tuyên cung cấp, nêu rõ: Theo tính toán, lượng rác thải trung bình năm, giai đoạn 2019 – 2033 của thị trấn Hương Khê và 8 xã (Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Thủy, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Hương Bình) khoảng 7.535 tấn (20,6 tấn/ngày).

Hiện lượng rác thải này chưa có giải pháp xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Do đó, việc đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tập trung tại địa bàn là rất cần thiết và cấp bách.

Phố núi sắp được “giải thoát” sau 2 năm ngập ngụa rác thải - 5

Ông Lê Viết Chương (thị trấn Hương Khê) bày tỏ sự mong muốn cấp thiết của người dân về dự án xử lý rác thải.

Địa điểm xây dựng khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tập trung được duyệt trên diện tích hơn 1,4 ha tại khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy. Xét về khoảng cách đến các đối tượng xã hội; độ cao, đặc điểm địa hình; độ ngập lụt; chế độ gió và hướng gió; chế độ mưa; thủy văn, nguồn nước; tác động khói thải đến khu dân cư xung quanh; kinh phí thực hiện thì tại vị trí trên là phù hợp, đảm bảo tất cả các yếu tố về môi trường, kinh tế - xã hội.

Sau khi nghe các thông tin liên quan đến dự án, có 2 vấn đề của người dân còn thắc mắc là: Dự án triển khai có gây ảnh hưởng đến không khí, nguồn nước tại xã Hương Thủy và các vùng lân cận hay không? Sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng của dự án khi triển khai và quá trình vận hành sau này.

Trả lời ý kiến của người dân, PGS. TS - Viện trưởng Viện Hàn lâm KH&CN - Bộ TN&MT Trịnh Văn Tuyên cho biết, dự án đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung lựa chọn công nghệ lò đốt SANKYO GF 1500, công suất 1.000 kg/h công nghệ Nhật Bản, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (QCVN 61:2016/BTNMT) với các ưu điểm: Không xả nước thải ra môi trường; giảm thiểu mùi hôi; không phát sinh khí độc hại; tro xỉ được thu gom an toàn. Dự án khi đi vào vận hành được giám sát môi trường theo đúng quy định pháp luật.

Phố núi sắp được “giải thoát” sau 2 năm ngập ngụa rác thải - 6

Ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Hương Khê, một trong những đơn vị trúng thầu xây dựng dự án xử lý rác thải cam kết với nhân dân thi công đảm bảo tối đa về thời gian và chất lượng.

Về việc thi công và vận hành lò đốt, ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Hương Khê, thành viên trong các đơn vị trúng thầu dự án cho biết, chính các doanh nghiệp thi công dự án trên đều là người địa phương, họ cũng rất mong mỏi như bà con nhân dân về việc chấm dứt tình trạng rác thải ngập khắp huyện Hương Khê trong thời gian qua.

“Chúng tôi cam kết sẽ thi công đảm bảo chất lượng tiến độ bởi chúng tôi cũng là người dân ở đây cùng chung niềm mong mỏi như bà con. Nếu cần những thứ tốt hơn, chúng tôi có thể sẵn sàng bỏ kinh phí ra để làm thêm mà không đòi hỏi ngân sách nhà nước” – ông Đạt khẳng định với nhân dân huyện Hương Khê.

Phố núi sắp được “giải thoát” sau 2 năm ngập ngụa rác thải - 7

Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cam kết chậm nhất trong tháng 11 sẽ triển khai dự án.

Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho hay, về việc tại sao dự án triển khai 3 năm chưa được thi công vì quá trình nghiên cứu, tìm địa điểm chưa được một số bà con đồng thuận. Theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã mời Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nghiên cứu, đánh giá và báo cáo đề tài. Đến nay, mọi quy trình, thủ tục đã được thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng đã xong và sẽ bàn giao cho đơn vị thi công, chậm nhất trong tháng 11 này triển khai thi công dự án.

Sau khi được giải đáp, người dân bày tỏ sự đồng tình, 100% nhất trí với chủ trương xây dựng khu xử lý rác thải tập trung; thống nhất với địa điểm đặt khu xử lý rác thải mà các nhà nghiên cứu cũng như chính quyền đề ra.

Phố núi sắp được “giải thoát” sau 2 năm ngập ngụa rác thải - 8

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn bày tỏ vui mừng trước sự đồng tình của nhân dân huyện Hương Khê để triển khai dự án thuận lợi nhất.

Kết luận cuộc đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn bày tỏ vui mừng trước sự thống nhất, đồng thuận việc triển khai dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của người dân.

“Chúng tôi nhận khuyết điểm vì để tình trạng trên kéo dài gần 3 năm, nay được sự đồng thuận của bà con nhân dân chúng tôi cam kết sẽ chỉ đạo các ban ngành liên quan triển khai dự án ngay trong tháng 11 này và hoàn thành sớm nhất có thể”- ông Sơn nhấn mạnh.

 Tiến Hiệp - Văn Dũng