1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phố đi bộ Hồ Con Rùa có thành hiện thực sau một năm gián đoạn vì Covid-19?

Q.Huy

(Dân trí) - Lãnh đạo UBND quận 3 cho biết, địa phương đã tính phương án tổ chức lại việc buôn bán, kinh doanh ẩm thực đường phố tại Hồ Con Rùa sau khi phố đi bộ tại đây được hình thành.

Trải qua hơn một năm kể từ khi ý tưởng "cải tạo, xây dựng khu vực xung quanh Hồ Con Rùa thành phố đi bộ" được quận 3 nêu ra, đề án này vẫn chưa trở thành hiện thực bởi nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sau khi đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch, việc chỉnh trang diện mạo khu vực này dự kiến được quận 3 tái khởi động trong năm 2022.

Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 11/1, ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, thông tin, phố đi bộ Hồ Con Rùa là ý tưởng được quận 3 ấp ủ trong thời gian dài. Hiện tại, ý tưởng đó đã được cụ thể hóa bằng thiết kế, vấn đề còn lại là quận đang chờ UBND TPHCM chấp thuận chủ trương cho quận 3 xã hội hóa các hạng mục thuộc quản lý của địa phương này.

Phố đi bộ Hồ Con Rùa có thành hiện thực sau một năm gián đoạn vì Covid-19?  - 1

Hồ Con Rùa là một trong những địa điểm thu hút du khách của TPHCM (Ảnh: P.N.).

Tổ chức lại việc buôn bán quanh hồ

Hồ Con Rùa từ lâu đã trở thành một trong những địa điểm thu hút du lịch của TPHCM. Ngoài không gian, kiến trúc độc đáo, khu vực bờ hồ hiện hữu còn là nơi kinh doanh, buôn bán ẩm thực đường phố với các mặt hàng phong phú.

Ở mặt còn lại, vấn đề lấn chiếm, khai thác vỉa hè không đồng bộ khiến mỹ quan đô thị khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Trần Thanh Bình cho rằng, việc chỉnh sửa lại các hạng mục và sắp xếp lại việc kinh doanh, buôn bán mặt hàng nhỏ lẻ tại Hồ Con Rùa sẽ giúp quận 3 giải quyết được bức xúc này.

"Quận có thể tính tới các phương án như đưa người đang buôn bán, kinh doanh ẩm thực đường phố tại Hồ Con Rùa về khu ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền gần đó. Phương án tiếp theo là việc kinh doanh chỉ được tổ chức ở một trong 4 trục đường chính chạy về Hồ Con Rùa và quy định phạm vi vỉa hè cụ thể được kinh doanh, buôn bán", Phó Chủ tịch UBND quận 3 phân tích.

Phố đi bộ Hồ Con Rùa có thành hiện thực sau một năm gián đoạn vì Covid-19?  - 2

Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3 (TPHCM) trao đổi với phóng viên (Ảnh: Quang Huy).

Lãnh đạo UBND quận 3 cho rằng, không chỉ mang ý nghĩa thuần túy về hạ tầng, kỹ thuật, khu vực Hồ Con Rùa còn đặc biệt bởi yếu tố văn hóa và được nhiều người dân thành phố quan tâm, dành nhiều tình cảm. Do vậy, việc cải tạo khu vực Hồ Con Rùa đã được quận 3 nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của các khu vực phố đi bộ khác trên địa bàn như đường Nguyễn Huệ, đường Bùi Viện.

Cụ thể, khi nhắc đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, người dân sẽ nghĩ tới một không gian văn hóa để người dân tới tham quan. Phố đi bộ Bùi Viện đặc trưng bởi các không gian vui chơi, giải trí đối với thế hệ trẻ. Lãnh đạo UBND quận 3 thông tin, khu vực phố đi bộ Hồ Con Rùa sau khi hình thành sẽ trở thành không gian mở cho người dân tới vui chơi, và có nhiều điểm tương đồng đối với khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện tại.

Cần sự vào cuộc của các sở, ngành

"Chúng ta cần hiểu rằng, khu vực vỉa hè là do quận 3 quản lý, lòng đường là do Sở GTVT chịu trách nhiệm, các hạng mục bên trong hồ do Sở Xây dựng quản lý. Do vậy, ý tưởng về phố đi bộ Hồ Con Rùa cần sự vào cuộc đồng bộ từ các sở, ngành mới có thể giải quyết được vấn đề", Phó Chủ tịch UBND quận 3 bày tỏ.

Hiện tại, Sở GTVT cũng có đề án mở rộng phố đi bộ về phía đường Đồng Khởi (quận 1) và sẽ kết nối với phố đi bộ Hồ Con Rùa trong tương lai. Do vậy, quận 3 cần hỏi ý kiến nhiều sở, ngành để có sự kết nối đồng bộ trong tương lai, tránh việc khi hình thành, Hồ Con Rùa thiếu khả năng đồng bộ, kết nối với các đề án phố đi bộ khác.

Phố đi bộ Hồ Con Rùa có thành hiện thực sau một năm gián đoạn vì Covid-19?  - 3

Bên cạnh không gian, kiến trúc độc đáo, Hồ Con Rùa còn có giá trị văn hóa, được người dân TPHCM quan tâm (Ảnh: P.N.).

Lãnh đạo UBND quận 3 thông tin thêm, trong khi chờ ý kiến các sở, ngành, quận 3 đã lên ý tưởng và hoàn thiện thiết kế. Quận 3 cũng mạnh dạn xin ý kiến UBND TPHCM cho phép huy động nguồn vốn xã hội hóa để cải tạo lại khu vực vỉa hè.

Trước đó, UBND quận 3 đã kiến nghị các sở, ngành về việc sử dụng 50 tỷ đồng vốn xã hội hóa để lát lại vỉa hè khu vực quanh Hồ Con Rùa bằng đá hoa cương (granite). Vỉa hè mới sẽ có hạng mục dẫn hướng cho người khuyết tật tiếp cận, sử dụng; có vạch cho người đi bộ sang đường và hình thành điểm dừng, đỗ xe buýt.

Các bồn cây trên vỉa hè cũng được thay thế bằng chất liệu đá granite. Ngoài ra, đơn vị thi công sẽ nâng cao độ và thay khuôn các nắp hầm ga hiện hữu, bổ sung các hạ tầng kỹ thuật khác như tủ điện, tủ viễn thông, tủ chiếu sáng, tủ camera...

"Quận đang chờ ý kiến các sở, ngành, đặc biệt là Sở GTVT về việc với thiết kế đó, vật tư, chất liệu đó có phù hợp, đảm bảo kết nối đồng bộ với khu vực phố đi bộ mở rộng ở khu vực đường Đồng Khởi trong tương lai hay không", ông Trần Thanh Bình chia sẻ.