Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm việc tại Sóc Trăng và Bạc Liêu

Huỳnh Hải Xuân Lương

(Dân trí) - Ngày 18/11, đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đã có chuyến làm việc tại tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Tại tỉnh Sóc Trăng chiều 18/11, báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ông Trần Văn Lâu cho biết, đến ngày 17/11, toàn tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 10.685 ca mắc Covid-19 (đã điều trị khỏi 7.206 ca, tử vong 67 ca). Sóc Trăng đã tiêm vaccine mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên với tỷ lệ 91,45%, mũi 2 đạt 65,16%.

Bên cạnh công tác phòng chống dịch, Sóc Trăng cũng đang nỗ lực khôi phục phát triển sản xuất. Ước tính, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,03%/năm. Trong năm nay, đã có 16/23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt, 7/23 chỉ tiêu đạt thấp. 

Theo lãnh đạo Sóc Trăng, các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân khó khăn kịp thời, trong đó triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo từ nguồn vận động tài trợ đợt một năm 2021 với số lượng 849 căn, kinh phí là 42,5 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, tích cực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Sóc Trăng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm việc tại Sóc Trăng và Bạc Liêu - 1

Nhân chuyến làm việc tại Sóc Trăng, ông Trần Thanh Mẫn đã trao tặng tỉnh Sóc Trăng phần quà của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 1 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch, không chủ quan, lơ là; quan tâm đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; đẩy mạnh việc thực hiện cắt giảm chi tiêu, dành kinh phí cho phòng chống dịch...

Đẩy mạnh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng, kịp thời tới tay người dân; quan tâm chăm lo người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhóm đối tượng yếu thế; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.

Sáng 18/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã làm việc tại tỉnh Bạc Liêu.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam cho biết, tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV và Nghị quyết 128 của Chính phủ; thực hiện tốt thông điệp "5K + vaccine" của Bộ Y tế; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm việc tại Sóc Trăng và Bạc Liêu - 2

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (trái) trao hỗ trợ 1,5 tỷ đồng từ Ủy ban MTTQ Việt Nam cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: HT).

Theo lãnh đạo Bạc Liêu, năm 2021 ước có 10/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế (tạm ước lần một) tăng 5,92%; các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, nhất là đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Bạc Liêu cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm hỗ trợ cho tỉnh nguồn kinh phí để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch thời gian tới; ủng hộ, thúc đẩy tiến độ dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW (dự án khoảng 4 tỷ USD).

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh Bạc Liêu trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, nhắc nhở tỉnh phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ luôn luôn thực hiện 5K dù đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, bởi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Bạc Liêu quan tâm mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nguồn nhân lực và trang thiết bị; cắt giảm các chi phí khác để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; quan tâm đến đời sống của người lao động về từ các tỉnh, thành phố để tránh dịch.