Phó Chủ tịch Quốc hội: "Càng sắp xếp càng phình ra, có chuyện này không?"
(Dân trí) - Trong giám sát các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý làm rõ vướng mắc trong thực tiễn từ câu chuyện sắp xếp cơ học, không làm đơn vị mạnh lên mà làm cho yếu đi, khó hoạt động hơn.
Ngày 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023".
Tự chủ tài chính làm "bó tay, bó chân"?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết đây là chuyên đề được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, có tính chất rất rộng với phạm vi giám sát lớn.
Theo ông Định, Đoàn giám sát sẽ đến hai nơi, một là những nơi rất nổi tiếng, nơi làm tốt để nhân rộng, và hai là đến những nơi làm kém để tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục.
"Học tập kinh nghiệm của đoàn giám sát về sách giáo khoa, chúng tôi sẽ làm việc với một số đối tượng trực tiếp. Bây giờ đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ thành lập nhưng hoạt động theo doanh nghiệp và có rất nhiều đơn vị bên trong. Viện Hàn lâm cũng là đơn vị sự nghiệp công lập nhưng rất nhiều viện con ở bên trong", theo ông Định, đoàn giám sát sẽ đi khảo sát các đơn vị như vậy.
Chung góc nhìn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói đây là một chuyên đề rất rộng, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Các đơn vị sự nghiệp công lập với một số lượng lớn, có mặt hầu hết ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, kể cả ba nhánh quyền lực như Quốc hội, Chính phủ hay tòa án, viện kiểm sát đều có.
Nhấn mạnh đây là nội dung chưa giám sát bao giờ, ông Phương đề nghị kế hoạch giám sát cần xác định trọng tâm, mà điều vướng nhất trong thực tiễn chính là việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
"Phải đánh giá đúng việc này. Vừa rồi sắp xếp có nhiều chỗ cơ học, không làm mạnh lên mà còn làm cho yếu đi và khó hoạt động hơn, đây là một điểm vướng trong thực tiễn mà chúng ta hay nói là càng sắp xếp lại càng phình ra. Có câu chuyện này không", ông Phương đặt câu hỏi.
Ông cũng góp ý cần giám sát việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tự chủ và tài chính. "Cách đi của chúng ta đã hợp lý chưa? Tôi vẫn có cảm giác từ câu chuyện chọn đột phá là tự chủ tài chính đã gây ra vướng rất nhiều cho các đơn vị sự nghiệp công lập, bó tay, bó chân anh em", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Ông phân tích theo quy định tự chủ tài chính nhưng nhiệm vụ lại không được tự chủ, tổ chức, biên chế chỉ tự chủ một phần, còn lại vẫn do cấp trên quyết.
Cũng chính vì vướng mắc này, ông Phương cho rằng vai trò quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp công lập thế nào đang là nút thắt cần tháo gỡ.
Lúng túng và rối
Được mời phát biểu thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thừa nhận đây là một lĩnh vực đang "rất lúng túng", bởi quy định hiện nay lúc chồng chéo, lúc không cập nhật kịp, lúc thì rất rối. "Nói chung là rất phức tạp, mỗi đơn vị bây giờ làm theo một kiểu riêng, rất khó", Phó Thủ tướng nói.
Hơn nữa, theo ông Quang, nội dung này đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội. Ông kỳ vọng sau cuộc giám sát này sẽ có sự điều chỉnh hợp lý, tốt hơn trước nhằm cải thiện tình hình.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc phải đổi mới công tác giám sát, để nhấn mạnh qua giám sát phải làm rõ những sơ hở, thiếu sót, chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật, của cơ chế, chính sách. Đặc biệt, cần đánh giá có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực từ trong các chính sách đó hay không.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý qua giám sát phải làm rõ tình trạng có hay không và ở đâu, ai chịu trách nhiệm về tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, xử lý công việc chậm, gây khó khăn cho công dân và tổ chức, gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.