"Đô thị hóa quá nhanh sẽ tạo những khu phố ma, thành phố không người ở"
(Dân trí) - Nhấn mạnh phát triển ngành nghề phải đi theo vấn đề đô thị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảnh báo nếu đô thị hóa quá nhanh sẽ có những dãy nhà không ai ở, khu phố ma, những thành phố không người.
Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào dự thảo kế hoạch chi tiết, giám sát và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội năm 2015 đến năm 2023".
Đây là một trong hai chuyên đề được Quốc hội lựa chọn để tiến hành giám sát tối cao, theo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, được thông qua hồi đầu tháng 6.
Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý tình trạng khi triển khai rất khí thế và ào ạt các mũi, nhưng đến khi ngồi viết rất khó vì không biết cái gì là trọng tâm và trọng điểm.
Nhà ở cao cấp, biệt thự nhiều nhưng thiếu nhà giá bình dân
Với nội dung giám sát việc quản lý thị trường bất động sản, Chủ tịch Quốc hội lưu ý 8 hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh bất động sản và yêu cầu giám sát phải căn cứ vào đây để đánh giá rủi ro.
Trước hết, theo ông Huệ, phải làm rõ điều kiện của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Có sai phạm khi đưa những dự án, những doanh nghiệp không đủ điều kiện vào tham gia kinh doanh bất động sản không?
Một hành vi cấm khác được Chủ tịch Quốc hội chỉ ra là quyết định đầu tư dự án bất động sản không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.
Ông nhắc lại một việc có tính chất gần như chu kỳ, đó là cuộc suy thoái bất động sản trước đây rơi vào năm 2011-2013, bây giờ cũng rơi vào 2022-2023, tức là cứ sau 10 năm.
"Một trong những nguyên nhân là không quan tâm đến trục thời gian của công tác quy hoạch. Trong một thời kỳ đưa ra quá nhiều dự án, cung - cầu sẽ hỏng, không tuân theo nguyên tắc đô thị hóa gắn liền với công nghiệp hóa", Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông nhấn mạnh phát triển ngành nghề phải đi theo vấn đề đô thị. Nếu đô thị hóa chạy nhanh quá, sẽ có những dãy nhà không ai ở, có những khu phố ma, thị trấn ma, những thành phố không có người ở.
Ngược lại, nếu đô thị hóa chậm hơn so với công nghiệp hóa, những thiết chế về nhà ở và về xã hội sẽ bất cập, dẫn đến vấn đề bất ổn về xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế có thời kỳ cấp ào ạt, có lúc lại không có, mất cân đối cung - cầu. Cơ cấu nhà ở cao cấp, biệt thự nhiều nhưng lại thiếu nhà giá bình dân hơn hoặc nhà có thu nhập thấp hơn, thiếu nhà ở xã hội. Từ đó, ông đề nghị kế hoạch giám sát phải tập trung vào những nội dung này.
Nhiều người đề xuất xây nhà ở xã hội cho thuê
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật Bất động sản và Luật Nhà ở là tài liệu rất quý cần tham khảo khi tiến hành giám sát. Bởi trách nhiệm của đoàn giám sát là phải trả lời được những vướng mắc liên quan, ví dụ có quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư hay không, sử dụng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội như thế nào...
Ông Huệ cho biết nhiều người đề xuất nhà ở xã hội chỉ nên làm để cho thuê mới thực chất gọi là nhà ở xã hội, không trục lợi được chính sách.
Một số ý kiến khác lại cho rằng sửa luật này là để đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư chứ không phải cho người sử dụng.
"Mục tiêu của chúng ta không phải sở hữu nhà mà là giải quyết có nơi ở và có chỗ ở. Bây giờ phải tập trung vào chỗ đó để xem tới đây quyết sách chuyện này như thế nào", Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo ông, chính sách nhà ở xã hội hiện nay rất phức tạp, nói làm nhà ở xã hội nhưng chỉ để bán như nhà giá thấp, cuối cùng bao nhiêu người mua rồi bán lại, rất khó kiểm soát, dẫn đến trục lợi về chính sách.
"Nhiều người đề xuất với tôi và với Thường vụ, nhà ở xã hội bây giờ xác định làm cho thuê trả dần, hoặc nếu anh nào muốn sở hữu thì mua trả góp, không chuyển nhượng được bởi vì chưa trả góp xong. Còn nếu mua bán đứt đoạn chỉ có thể giao dịch theo kiểu nhà ở thương mại giá rẻ, không phải nhà ở xã hội", ông Huệ thông tin.
Ông đề nghị kế hoạch giám sát phải làm rõ những rủi ro về chính sách. Bởi nếu không xác định sớm từ đầu sẽ bơi trong một rừng số liệu. Trong khi đó, thời gian có hạn nên giám sát cần xác định trọng tâm, trọng điểm và những vấn đề then chốt.
Theo kế hoạch, đoàn giám sát sẽ thực hiện giám sát trực tiếp tại 8 Bộ gồm: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.
12 địa phương gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên... cũng sẽ được giám sát về phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội.