1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Quảng Nam:

Phổ biến cách ứng phó động đất cho vùng "liên tục rung chấn"

(Dân trí) - Sau khi những trận động đất liên tục xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My gây hoang mang dư luận, người dân tỉnh Quảng Nam đã được hướng dẫn một số kiến thức và biện pháp ứng phó với động đất.

Theo đó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Ban chỉ huy PCLB & TKCN các huyện, thành phố của tỉnh để phổ biến một số kiến thức và biện pháp ứng phó với động đất.
Những trận động đất gần đây tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 gây lo lắng cho người dân
Những trận động đất gần đây tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 gây lo lắng cho người dân

Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó trưởng Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Quảng Nam - cho biết, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Trà My, Nam Trà My và một số địa phương lân cận đã xảy ra hơn 40 trận động đất, trong đó đặc biệt vào tối ngày 3/9 vừa qua xuất hiện trận động đất với cường độ khoảng 4,2 độ richter, gây rung chuyển nhiều nhà dân và trụ sở cơ quan ở các địa phương trên.

Nhằm đối phó với động đất có thể còn tiếp tục xảy ra tại các địa phương trên, căn cứ sổ tay hướng dẫn phòng, tránh thiên tai của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương ban hành, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh Quảng Nam phổ biến một số kiến thức và biện pháp ứng phó với động đất cho người dân trên địa bàn.

Theo đó, động đất là sự rung động của mặt đất, được tạo ra bởi các dịch chuyển đột ngột của các khối địa chất trong lòng đất, các vụ nổ núi lửa, các vụ trượt lở đất, sụp đổ hang động…

Về nguyên nhân, có 3 nhóm nguyên nhân gây ra các trận động đất: Do hiện tượng sụt lở các lỗ rỗng trong vỏ quả đất; do núi lửa phun trào; do các vận động bên trong trái đất làm tích tụ năng lượng tại vùng phát sinh động đất và được gọi là động đất kiến tạo. Trên 90% các trận động đất quan trắc được đều thuộc loại động đất kiến tạo.

Cường độ của động đất (M) thường được xác định bằng độ richter. Có thể sơ bộ đánh giá cường độ của động đất qua hiện tượng như sau: Từ 1-2 độ richter không nhận biết được; từ 2-4 độ richter có thể nhận biết nhưng thường không gây thiệt hại; từ 4-5  độ richter mặt đất rung chuyển, nghe tiếng nổ, thiệt hại không đáng kể; từ 5-6 độ richter nhà cửa rung chuyển, một số công trình có hiện tượng nứt; từ 6-7 độ richter nhà cửa bị hư hại nhẹ; từ 7-8 độ richter động đất mạnh phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc lún sụt trên mặt đất; từ 8-9 độ richter nhà cửa đổ nát, nền đất bị lún sâu đến 1m, sụp đổ lớn ở núi kèm theo thay đổi địa hình trên diện rộng; từ 9 độ richter rất hiếm khi xảy ra.

Những trận động đất gần đây tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 gây lo lắng cho người dân
Người dân cho rằng thủy điện Sông Tranh 2 đang tích nước sau sửa chữa sự cố rò rỉ là nguyên nhân gây ra động đất

Để ứng phó với động đất, trước khi xảy ra động đất người dân nên dự trữ nước uống, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, pin, radio, bông băng, thuốc chữa bệnh thông thường, thay đổi khi hết hạn sử dụng; không đặt các vật nặng lên giá đỡ cao; không đặt giường ngủ sát cửa kính; những vật dụng trong nhà dễ ngã đổ, rơi xuống, nên được gắn chặt vào tường nhà để khi lung lay cũng không rơi xuống đất gây thương tích; các đồ đạc nặng như kệ sách, tủ, chén bát…. nên đặt xa khỏi các cửa ra vào, các nơi thường lui tới để khi ngã đổ vẫn không chắn lối ra và nên gắn chặt vào tường nhà; những người sống ở chung cư nắm vững lối thoát hiểm; theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Khi xảy ra động đất, nếu động đất xảy ra khi đang ở trong nhà thì ngay lập tức chui xuống gầm bàn hay gầm giường để tránh các vật rơi xuống đầu và nếu nhà sập vẫn có không khí để thở. Nếu không có gầm bàn thì chạy đến góc phòng đứng, không chạy ra khỏi nhà khi có chấn động do động đất gây ra. Sau khi chấn động ngừng mới rời khỏi phòng, nhà nếu cần.

Khi di chuyển ra khỏi nhà cao tầng không chạy vào thang máy, đề phòng mất điện bất ngờ, đồng thời lấy các vật che lên đầu như gối, cặp sách, cặp tài liệu. Nếu động đất xảy ra khi đang ở ngoài đường, phải lánh nạn ở những bãi đất trống, chạy tránh xa các tòa nhà cao ốc, tường cao, cây to và đường dây điện để tránh sập đổ;

Nếu động đất xảy ra khi đang ở gần bờ biển phải đề phòng sóng thần; sau chấn động đầu tiên thường có thời gian yên tĩnh, sau đó mới có chấn động mới, do đó không nên hoảng sợ. Chấn động mới có thể xảy ra sau vài phút, vài giờ, thậm chí sau vài ngày tùy thuộc động đất mạnh hay yếu.

 Công Bính