1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Bí thư Hà Nội: "Thành phố không thể giãn cách, phong tỏa mãi được!"

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố xác định không nên, không thể giãn cách, phong tỏa mãi được. Đây là kinh nghiệm thực tiễn của thế giới cũng như của thành phố...

Chiều 10/9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã có buổi trao đổi với báo chí về tình hình, kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Phó Bí thư Hà Nội: Thành phố không thể giãn cách, phong tỏa mãi được! - 1

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố xác định không nên, không thể giãn cách, phong tỏa mãi (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo ông Phong, những tín hiệu đáng mừng như số ca mắc Covid-19, đặc biệt là ca mắc trong cộng đồng giảm trong những ngày gần đây và toàn thành phố chỉ còn 96 điểm cách ly, phong tỏa cho thấy công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội đang đi đúng hướng.

Trước đó, ngày 27/4, dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 trên địa bàn thành phố. Do tình hình dịch bệnh có nhiều dấu hiệu phức tạp nên thành phố buộc phải giãn cách xã hội linh hoạt và thực hiện theo Chỉ thị 16 từ ngày 24/7 đến nay, với 4 đợt giãn cách.

Mục tiêu của việc thực hiện giãn cách xã hội là nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh, hạn chế người ra đường. Trên cơ sở đó rà soát, truy vết các trường hợp nhiễm bệnh để đưa cách ly và F2 cách ly tại nhà. Đồng thời, thành phố cũng có điều kiện nâng cao năng lực hệ thống y tế trên địa bàn, như: trang thiết bị, thuốc điều trị, cơ sở bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19; thành lập khu cách ly tập trung F1, bồi dưỡng, tập huấn chuẩn bị lực lượng điều trị F1.

Cũng theo ông Phong, khi giãn cách xã hội, thành phố xác định sẽ ảnh hưởng đời sống của nhân dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, trong quá trình giãn cách, Hà Nội luôn chú trọng đảm bảo được lưu thông hàng hóa và không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, sản xuất; quan tâm đảm bảo trật tự an toàn xã hội…

Ngoài ra, mục tiêu giãn cách là để "người cách người, nhà cách nhà", "ai ở đâu ở yên đó" nhưng lượng người tham gia giao thông và ra ngoài đường còn rất đông. Qua mỗi một đợt thực hiện giãn cách, Hà Nội đều nhận thấy có những mặt đạt được, nhưng cũng có mặt hạn chế.

Phó Bí thư Hà Nội: Thành phố không thể giãn cách, phong tỏa mãi được! - 2

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, việc giãn cách hay nới lỏng trong thời gian tới còn phụ thuộc vào tình hình dịch tễ, về nguy cơ dịch bệnh của từng khu vực, từng địa bàn như thế nào (Ảnh: Hữu Nghị).

Chia sẻ về nhiệm vụ phòng, chống dịch của Hà Nội trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố xác định không nên, không thể giãn cách, phong tỏa mãi được. Đây là kinh nghiệm thực tiễn của thế giới cũng như của thành phố. Việc giãn cách hay nới lỏng phụ thuộc vào tình hình dịch tễ, về nguy cơ dịch bệnh của từng khu vực, từng địa bàn như thế nào.

Chính vì thế, việc chia thành 3 vùng là để tập trung chống dịch. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt Vùng 1 - nơi được coi là "Vùng đỏ" có nguy cơ cao nhất, từng bước mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Vùng 2 và Vùng 3.

Với năng lực hiện có và sự hỗ trợ của 11 tỉnh, thành phố, Hà Nội có thể tiêm được hơn 300.000 mũi tiêm/ngày nên dự kiến số vắc xin được phân bổ hiện tại sẽ được tiêm hết trong 1-2 ngày tới. Nếu được phân bổ đủ vắc xin, thành phố hoàn toàn có thể tiêm cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên như mục tiêu đề ra. Mục tiêu xét nghiệm diện rộng cũng có thể được hoàn thành đúng thời hạn vào ngày 12/9.

Ngoài ra, theo ông Phong, thành phố đã đạt được 5 kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, điều được lớn nhất sau 50 ngày giãn cách xã hội là thành phố đã khống chế cơ bản dịch bệnh. Nâng cao năng lực, chuẩn bị ở mức cao của ngành y tế để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao hơn…