PhotoStory

Phố 8 làn xe, rộng 48m ở Hà Nội bị "cụt" dù đã gắn biển tên được 5 năm

Thực hiện: Mạnh Quân - Nguyễn Hải

(Dân trí) - Phố Mai Chí Thọ (quận Long Biên) rộng 48m, 8 làn xe nhiều năm nay bị "cụt" do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Đường Vạn Hạnh cũng chung cảnh ngộ khi chưa có điểm kết nối.

Phố 8 làn xe, rộng 48m ở Hà Nội bị cụt dù đã gắn biển tên được 5 năm - 1

Quận Long Biên (Hà Nội) thời gian vừa qua hạ tầng giao thông được xây dựng đồng bộ, nhiều tuyến phố to, rộng, khang trang liên tục hoàn thiện. Tuy nhiên hiện quận này vẫn còn một số tuyến đường không có điểm kết nối, chưa thể thông xe toàn tuyến.

Phố 8 làn xe, rộng 48m ở Hà Nội bị cụt dù đã gắn biển tên được 5 năm - 2

Phố Mai Chí Thọ (phường Giang Biên) là một trong những tuyến phố "cụt" điển hình trên địa bàn quận Long Biên. Tuyến phố có 8 làn xe, rộng 48m, dài gần 2km. Tuyến phố được gắn biển tên vào năm 2018 sau nhiều năm xây dựng.

Phố 8 làn xe, rộng 48m ở Hà Nội bị cụt dù đã gắn biển tên được 5 năm - 3

Theo thiết kế, phố Mai Chí Thọ kết nối đến đường Ngô Gia Tự nhưng chưa thông xe toàn tuyến. Kể từ khi được đặt tên biển vào năm 2018 cho đến nay, tuyến phố này bị "cụt" do chưa có điểm kết nối. Theo quan sát ô tô, xe máy theo hướng Phúc Lợi - Đức Giang đến cuối phố Mai Chí Thọ hầu hết phải quay lại để tìm đường khác hoặc buộc phải rẽ vào đường bê tông. Tuy nhiên, đường bê tông hẹp, xuống cấp nên các phương tiện lưu thông khó khăn.

Phố 8 làn xe, rộng 48m ở Hà Nội bị cụt dù đã gắn biển tên được 5 năm - 4

Phố rộng, khang trang nhưng vắng phương tiện, trở thành địa điểm tập thể dục lý tưởng của nhiều người. "Dân chúng tôi cũng mong ngóng tuyến phố sớm hoàn thiện, thông toàn tuyến để đi lại cho thuận tiện", anh Nguyễn Văn Tám - sống tại phường Giang Biên chia sẻ. 

Còn một người dân sống trong khu vực phải giải tỏa, di dời để làm điểm kết nối giữa phố Mai Chí Thọ và Ngô Gia Tự cho biết, năm 2019 các cấp chính quyền họp bàn và đưa ra phương án đền bù cho gần 30 hộ dân trong diện phải di dời, mọi người đều đồng ý. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù và tuyến phố cũng không thể thi công điểm kết nối. Việc phải sống trong khu vực giải tỏa khiến các hộ dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện khi nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa, có gia đình không có nước sạch để sử dụng. 

"Nhà tôi còn không có nước sạch để sử dụng, phải dùng nước giếng khoan, nhà cửa đã xuống cấp nhưng không xây, sửa được", người phụ nữ sống trong khu vực giải tỏa nói và mong muốn các cấp chính quyền sớm có phương án đền bù thỏa đáng, làm tuyến đường hoàn thiện để giao thông được thuận tiện.

Phố 8 làn xe, rộng 48m ở Hà Nội bị cụt dù đã gắn biển tên được 5 năm - 5

Mai Chí Thọ là tuyến đường huyết mạch của phường Giang Biên nối từ Vinhome Riverside đến Vạn Hạnh. Đoạn tuyến hoàn thiện nút giao Vạn Hạnh - Mai Chí Thọ trong tương lại sẽ giúp thông tuyến từ Ngô Gia Tự đến phường này, tạo thuận lợi cho giao thông vùng (Ảnh: Google Map).

Phố 8 làn xe, rộng 48m ở Hà Nội bị cụt dù đã gắn biển tên được 5 năm - 6

Tuyến đường dài gần 1km kết nối giữa phố Đức Giang - Đặng Vũ Hỷ đi qua Trường Tiểu học Đức Giang (phường Đức Giang) hiện một bên đường bị cấm lưu thông và đặt biển cảnh báo "Khu vực công trường không nhiệm vụ miễn vào". Tuyến đường trên rộng khoảng 24m, 4 làn xe, dải phân cách cứng ở giữa rộng khoảng 2m. Mặc dù đã xây dựng nhiều năm nhưng tuyến đường vẫn chưa thể hoàn thiện. 

Phố 8 làn xe, rộng 48m ở Hà Nội bị cụt dù đã gắn biển tên được 5 năm - 7

Hiện phần kết nối với phố Đức Giang đang bị "thắt cổ chai", gây nguy hiểm cho người đi đường, đặc biệt vào ban đêm vì chưa có hệ thống chiếu sáng. Một số tiểu thương tại chợ Thượng Thanh cho biết, người dân bắt đầu lưu thông qua tuyến phố trên cách đây 3 năm. 

Ban đầu, cơ quan chức năng đặt ống cống giữa đường, cấm không cho các phương tiện lưu thông. Sau đó đã có 2 ống cống được dỡ bỏ để người dân đi chợ thuận tiện. Hiện người dân rất mong muốn tuyến phố sớm hoàn thiện để đảm bảo an toàn khi lưu thông nhất là vào ban đêm.

Phố 8 làn xe, rộng 48m ở Hà Nội bị cụt dù đã gắn biển tên được 5 năm - 8

Khu vực đặt ống cống chỉ vừa 2 xe máy tránh nhau, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. 

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên cho biết, các dự án trên chưa thể thông toàn tuyến do gặp phải vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Những năm qua, các cơ quan chức năng đều có kế hoạch để giải phóng mặt bằng nhưng người dân ở những khu di dời vẫn chưa đồng thuận.

Phố 8 làn xe, rộng 48m ở Hà Nội bị cụt dù đã gắn biển tên được 5 năm - 9

Cuối phố Vạn Hạnh tiếp giáp với ngõ 638/1 Ngô Gia Tự (phường Đức Giang) bị "cụt", chưa kết nối với tuyến đường nào trong khu vực. Tuyến phố rộng khoảng 4 làn xe, đã hoàn thiện vỉa hè hai bên, dải phân cách cứng ở giữa.

Phố 8 làn xe, rộng 48m ở Hà Nội bị cụt dù đã gắn biển tên được 5 năm - 10

Hiện nơi đây là bãi đỗ xe và sân tập thể dục cho người dân. Ông Nguyễn Văn Toàn (60 tuổi, sống tại phường Long Biên) mỗi lần đi qua tuyến phố trên khi đến đoạn bị "cụt" lại khiến ông cảm thấy khó chịu. 

"Đang đi đường to, đẹp tự dưng lại bị cụt phải đi vào ngõ bé tý", ông Toàn tỏ vẻ bức xúc. Được biết, việc tuyến phố trên bị cụt do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

"Nếu vận động, thuyết phục mà người dân vẫn không chịu di dời buộc quận phải thực hiện các biện pháp hành chính cứng rắn", Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Long Biên khẳng định và cho biết, người dân chưa đồng thuận với việc di dời do vướng mắc về giá đền bù và chỗ tái định cư.

Phố 8 làn xe, rộng 48m ở Hà Nội bị cụt dù đã gắn biển tên được 5 năm - 11

Cuối phố Vạn Hạnh hiện được nhiều người tận dụng làm điểm tập lái ô tô.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên đưa ra giải pháp là quận Long Biên nên đề nghị thành phố cùng vào cuộc để tháo gỡ vướng mắc đối với những tuyến phố chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.

Ông Liên đánh giá, những năm qua Long Biên đã rất tích cực, khẩn trương trong việc đầu tư hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường ở trung tâm quận này được đầu tư lớn nên khang trang, rộng. Tuy nhiên, việc xuất hiện các tuyến đường bị "cụt" gây mất mỹ quan đô thị, khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn.