1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Đắk Nông: "Đinh tặc" hoành hành trên tuyến đường vào rừng Gia Nghĩa

Đặng Dương

(Dân trí) - Trong thời gian qua, tại Đắk Nông xảy ra tình trạng đốt, hủy hoại rừng. Đáng chú ý, để cản trở lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường, lâm tặc đã rải đinh dọc các tuyến đường vào nơi rừng bị phá.

Thời gian vừa qua, một số diện tích rừng nằm trong lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa (BQLR Gia Nghĩa), thuộc địa phận xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) xảy ra cháy rừng lồ ô.

Theo thống kê của BQLR Gia Nghĩa, riêng trong tháng 3 vừa qua, đã xảy ra 7 vụ cháy rừng, thiệt hại gần 5ha rừng trồng. 

Đắk Nông: Đinh tặc hoành hành trên tuyến đường vào rừng Gia Nghĩa - 1

Tại lâm phần của BQLR Gia Nghĩa, chỉ trong tháng 3 tháng, đã xảy ra 7 vụ cháy rừng, thiệt hại gần 5ha rừng trồng (Ảnh: Đặng Dương).

Đáng chú ý, để thực hiện việc hủy hoại rừng, các đối tượng đã rải một lượng lớn đinh các loại dọc đường tuần tra nhằm ngăn chặn lực lượng bảo vệ rừng tiếp cận hiện trường dập lửa.

Theo anh Phan Văn Lợi, cán bộ thuộc BQLR Gia Nghĩa, khi thấy đám cháy rừng, anh cùng một số nhân viên bảo vệ rừng vào hiện trường để dập lửa ngay.

Tuy nhiên, trên đường đến hiện trường, xe máy của anh Lợi không may dính phải đinh, khiến anh này bị ngã và bị thương ở bàn tay.

Đắk Nông: Đinh tặc hoành hành trên tuyến đường vào rừng Gia Nghĩa - 2

Đinh rải đầy tuyến đường dẫn vào khu vực rừng bị đốt, phá (Ảnh: T.A).

Đắk Nông: Đinh tặc hoành hành trên tuyến đường vào rừng Gia Nghĩa - 3

Cán bộ bảo vệ rừng bị trượt ngã, thương tích do xe bị dính đinh trên đường vào kiểm tra khu vực rừng bị phá (Ảnh: T.A).

Theo anh Lợi, những chiếc đinh được rải dọc đường tuần tra là hành vi có chủ đích, nhằm bẫy các cán bộ của BQLR Gia Nghĩa. Điều này cũng khiến lực lượng chức năng lo lắng và bất an trước thủ đoạn mới của lâm tặc.

Anh Lợi chia sẻ: "Nhiều năm công tác trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp phải tình trạng "đinh tặc". Tình trạng này không chỉ cản trở việc thực hiện nhiệm vụ mà còn đe dọa trực tiếp tới sự an toàn của lực lượng chức năng khi mà nhiều tuyến đường rất khó đi, hai bên đường là vực thẳm".

Đặc biệt, các đối tượng rải đinh xong rồi dùng lá cây đã khô và đất bột phủ lên. Thế nên, khi di chuyển đến khu vực này thì nhiều nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng không thể phát hiện được.

Đắk Nông: Đinh tặc hoành hành trên tuyến đường vào rừng Gia Nghĩa - 4

Các đối tượng rải đinh xong rồi dùng lá cây đã khô, đất bột hoặc thân cây phủ lên (Ảnh: T.A).

Cũng theo nhận định của đơn vị chủ rừng, diện tích rừng cháy nằm giáp ranh với diện tích rừng trồng, diện tích rừng đang tranh chấp. Hành vi đốt rừng nhằm mục đích lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Trước diễn biến phức tạp và thủ đoạn mới của lâm tặc, lực lượng BQLR Gia Nghĩa phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thu lượm đinh trên các tuyến đường. Đơn vị này cũng thành lập 3 chốt kiểm soát quản lý người và phương tiện ra, vào khu vực rừng, phối hợp các đơn vị chức năng tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm ngăn chặn tình trạng đốt rừng.

Đắk Nông: Đinh tặc hoành hành trên tuyến đường vào rừng Gia Nghĩa - 5

Đơn vị quản lý rừng nhận định hành vi đốt rừng nhằm mục đích lấn chiếm đất lâm nghiệp (Ảnh: Đặng Dương).

Ông Trần Văn Hòa, Phó giám đốc BQLR Gia Nghĩa thông tin, hiện đơn vị đang được giao quản lý hơn 11.000 ha rừng, đất rừng tại 17 tiểu khu, thuộc địa giới hành chính TP Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong. Trong số này, diện tích có rừng hơn 3.200ha, số diện tích còn lại là đất lâm nghiệp chưa có rừng, diện tích bị lấn chiếm trước khi BQLR Gia Nghĩa được thành lập từ năm 2016.

Cũng từ năm 2016 đến nay, đơn vị nỗ lực bảo vệ, trồng và tái sinh thêm nhiều diện tích rừng trên đất lâm nghiệp.

Tuy nhiên, việc tái sinh rừng đang gặp phải không ít khó khăn. Bởi theo thống kê, hiện có khoảng 800 hộ dân đang sinh sống, canh tác trong rừng phòng hộ. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, cháy rừng đang diễn biến hết sức phức tạp.

"Chúng tôi không loại trừ khả năng các đối tượng bị cưỡng chế giải tỏa đã đốt, phá hủy rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, lợi dụng thời điểm mùa khô này, một số đối tượng đã vào đốt rừng, sau đó chờ đến mùa mưa thì trồng bắp, trồng mì với mục đích tái lấn chiếm đất rừng", ông Hòa thông tin thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm