Phía sau những hành vi bạo lực

Hiếm có năm nào số người tử vong, nhập viện do đánh nhau tăng đột biến như dịp Tết năm nay. GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội), thể hiện quan điểm riêng về hiện tượng này.

Hai thanh niên đánh nhau tóe máu ở thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ảnh: Kim Khánh.
Hai thanh niên đánh nhau tóe máu ở thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ảnh: Kim Khánh.

Bóng tối thế giới ảo

Xã hội hiện đại tạo ra quá nhiều áp lực trong công việc, cuộc sống, khiến nhiều người bị stress. Trong khi đó, nhiều người trẻ do chưa có đầy đủ kinh nghiệm trong ứng xử nên dễ hành xử cảm tính, bột phát bạo lực.

Việc bùng phát truyền thông công nghệ cao, đặc biệt Internet thiếu kiểm soát khiến nhiều thanh niên thích sống trong thế giới ảo. Càng sống trong thế giới ảo nhiều, họ càng ít giao tiếp xã hội trực tiếp. Càng rơi trong thế giới ảo, họ càng tìm ra nhiều thông tin độc hại, phim truyện, game bạo lực, khiêu dâm… Khi phải đối diện thế giới thực, phải đối mặt cơm áo gạo tiền, va chạm với những cá nhân khác, có cách ứng xử khác, những người bước ra từ thế giới ảo, rất dễ vi phạm chuẩn mực ứng xử. Xích mích xung đột dẫn đến bạo lực, thậm chí phạm trọng tội như giết người. Xu hướng này xảy ra trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước phát triển.

GS.TS Phạm Hồng Tung.
GS.TS Phạm Hồng Tung.

Đứt gãy nhân cách

Giáo dục trong nhà trường hiện tập trung dạy về kiến thức, những môn như giáo dục công dân, lịch sử dạy còn hời hợt, thiếu chiều sâu.

Xã hội thiếu sân chơi, không gian công cộng lành mạnh, ít trò chơi tập thể thu hút thanh thiếu niên. Nhiều gia đình thiếu quan tâm, giáo dục phát triển nhân cách con em mình khiến không ít bạn trẻ bị đứt gãy nhân cách. Vì thế, giáo dục trong nhà trường, gia đình, xã hội phải đổi mới, hướng đến đào tạo, phát triển con người toàn diện.

“Khi các bạn trẻ là thủ phạm hay nạn nhân của bạo lực thì chúng ta cũng đều mất đi con người đang ở tuổi đẹp nhất cuộc đời, lứa tuổi thể hiện mạnh nhất về thể chất, khát vọng, sức mạnh tạo nên xung lực phát triển đất nước”.

GS.TS Phạm Hồng Tung

Nếu vị thành niên không được ai hướng dẫn về mặt ứng xử pháp luật, thiếu nền tảng văn hóa để điều chỉnh hành vi, không có cơ chế xã hội để hướng dẫn, họ dễ hành xử lệch chuẩn, có thể có hành vi bạo lực.

Vì vậy, giáo dục trong xã hội, nhà trường, gia đình cần được đầu tư toàn diện, có hướng dẫn, chiến lược. Hành lang pháp lý được hoàn thiện (có thể bằng cách tham khảo bộ luật của những nước phát triển).

Với tổ chức Đoàn Thanh niên, nên có những cuộc vận động tập trung vào lối sống, gắn với danh dự, lợi ích của thanh niên để người trẻ tự tạo ra cơ chế kiểm soát hành vi của mình.

Đám thanh niên hỗn chiến trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội). Ảnh: VietNamNet.
Đám thanh niên hỗn chiến trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội). Ảnh: VietNamNet.

Nhà nước nên dùng các thiết chế văn hóa, tâm linh khuyến khích sống hướng thiện, làm lành, tránh dữ. Các tổ chức tôn giáo nên tăng cường hỗ trợ xã hội phát huy tính hướng thiện thay vì chỉ chăm chú mở lễ hội cầu may, cầu lợi.

Về công tác tuyên truyền, cần có chiến dịch truyền thông phi bạo lực bao gồm những nhà quản lý, nhà báo có lương tâm, trình độ định hướng giới trẻ hướng thiện, hiểu biết pháp luật, kiểm soát hành vi.

 PGS.TS Xã hội học Nguyễn Xuân Mai:

Có những nguyên nhân sâu xa

Những ngày nghỉ Tết có hơn 6.200 người nhập viện, 15 người tử vong do đánh nhau. Tiến sĩ nhận định như thế nào về vấn đề này?

Dường như số liệu cụ thể về vấn đề này có thể tồn tại sự đánh giá khác biệt của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đây là vấn đề xã hội nên được quan tâm đúng mức. Ngày Tết cổ truyền là những ngày vui sum họp gia đình, tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, trở về làng quê thân thương, gặp gỡ người thân, bạn bè…, nhưng lại diễn ra tình trạng bạo lực ở nhiều nơi, với số lượng lớn khiến cho dư luận quan tâm hơn.

Nguyên nhân trực tiếp của bạo lực có thể do nhậu nhẹt tràn lan, tình trạng giáo dục xuống cấp nghiêm trọng… Nhưng có thể còn có những nguyên nhân sâu xa hơn như bất bình đẳng xã hội, năng lực quản trị xã hội, quản lý kinh tế yếu kém. Khi tình trạng bất bình đẳng xã hội về cơ hội và thành quả ngày càng gia tăng, cuộc sống và thu nhập không ổn định, sức mạnh của quyền lực và tiền tài lấn át…, bạo lực có thể là phương cách lựa chọn của một số người trong nhiều tình huống của cuộc sống. Một số ít người có thể tự xử lý các tình huống mâu thuẫn bằng bạo lực, bằng tiền bạc...

Hà Thanh


Theo Phương Hiếu

Tiền Phong