1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phê bình Chủ tịch huyện không hủy họp để tập trung chống bão

(Dân trí) - Mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu hủy các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo công tác phòng chống bão, nhưng Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương vẫn không thực hiện.

Sáng ngày 18/7, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra công tác phòng tránh bão số 3 tại huyện Quảng Xương. Theo dự báo, vào chiều tối nay ngày 18/7, bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực từ Thái Bình đến Hà Tĩnh.


Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng chống bão tại huyện Quảng Xương.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng chống bão tại huyện Quảng Xương.

Thời điểm này, triều cường dâng cao nhưng tại khu vực bến cá xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương vẫn còn tình trạng tàu thuyền chưa vào nơi tránh trú bão. Nhiều hộ dân vẫn đang ở trong các chòi canh và nhà thu mua hải sản phía ngoài đê.

Tuy nhiên, tại huyện Quảng Xương vẫn tổ chức họp HĐND, không chấp hành yêu cầu của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc hoãn tất cả các cuộc họp để chỉ đạo công tác phòng chống bão.

Nhiều tàu thuyền vẫn chưa vào nơi tránh trú bão an toàn
Nhiều tàu thuyền vẫn chưa vào nơi tránh trú bão an toàn

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Đình Xứng đã phê bình Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương; đồng thời yêu cầu Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quảng Xương rà soát kiểm tra phương án ứng phó tại các tuyến đê xung yếu.

Yêu cầu địa phương này phân công cán bộ đến các xã để chỉ đạo việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão; hướng dẫn người dân chằng, chống tàu thuyền để tránh va đập do sóng to, gió lớn.

Nhiều hộ dân vẫn đang ở trong các chòi canh và nhà thu mua hải sản phía ngoài đê
Nhiều hộ dân vẫn đang ở trong các chòi canh và nhà thu mua hải sản phía ngoài đê

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo địa phương này sẵn sàng phương án di chuyển 700 hộ dân trong phạm vi 200m tính từ mép biển đến nơi an toàn khi có lệnh. Yêu cầu các xã có diện tích nuôi trồng thủy sản hỗ trợ người dân thu hoạch diện tích thủy sản nuôi ở khu vực sát mép nước đã đến kỳ thu hoạch để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Ông Nguyễn Đình Xứng phê bình Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương vì lơ là công tác phòng chống bão
Ông Nguyễn Đình Xứng phê bình Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương vì lơ là công tác phòng chống bão

Ông Xứng cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra lại thiết kế kỹ thuật phần chân kè của công trình âu tránh trú bão sông Lý tại xã Quảng Thạch để điều chỉnh phù hợp, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền neo đậu khi mực nước xuống thấp.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn, yêu cầu các ngành, địa phương của tỉnh này hủy tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 trên địa bàn.

Công điện khẩn ứng phó với lũ quét, sạt lở đất

Bão số 3 được dự báo sẽ gây mưa giông diện rộng tại nhiều tỉnh ở Bắc Trung Bộ và khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ. Chiều nay (18/7), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện khẩn gửi các Bộ, ngành liên quan và các địa phương cần chủ động ứng phó với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực này.

Nội dung Công điện: Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to (lượng mưa 3 ngày từ 14 - 17/7/2018 phổ biến 180-250mm), đặc biệt tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có mưa rất to, có nơi mưa trên 400mm như: Chợ Tràng (Nghệ An): 485mm, Cửa Hội (Nghệ An): 426mm, Hòa Duyệt (Hà Tĩnh): 457mm, Linh Cảm (Hà Tĩnh): 426mm. Theo tin từ Trung tâm dự báo KTTV Quốc Gia, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 18-20/7/2018, khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Bình sẽ tiếp tục xảy ra mưa lớn (lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi từ 200-350mm/đợt). Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại huyện Tĩnh Gia.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại huyện Tĩnh Gia.

Để chủ động đối phó với diễn biến của lũ quét, sạt lở đất, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, các Bộ, ngành khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi; bằng mọi hình thức thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh.

2. Chỉ đạo đến Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã huy động lực lượng xung kích cùng với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt triển khai kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao, các hộ dân sống ven sông, suối, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, báo cáo chính quyền và thông tin đến người dân để chủ động phòng tránh; sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra, đặc biệt lưu ý những khu vực dân cư đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất thời gian vừa qua.

3. Các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

4. Tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.

5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến mưa, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh. Chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến người dân để nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó, tránh chủ quan dẫn đến các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra như đợt mưa lũ cuối tháng 6 tại vùng núi phía Bắc vừa qua.

6. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Duy Tuyên - Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm