1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phát triển gần 6.000 trạm khí tượng thủy văn đến năm 2050

Mẫn Nhi

(Dân trí) - Trước nhiều mục tiêu hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiếp tục quan tâm, tăng cường đầu tư vào các dự án liên quan.

Chiều 17/5, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt đầu tháng 4. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện và kế thừa Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, Quy hoạch đã bám sát theo nhu cầu thực tiễn nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, bất cập của mạng lưới trạm khí tượng thủy văn trong giai đoạn vừa qua. 

Các nội dung quy hoạch được dựa trên cơ sở khoa học, có tính động và mở, có tư duy đổi mới, sáng tạo, tận dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài.

"Quy hoạch cũng được xây dựng gắn liền với yêu cầu nâng cao độ chính xác, tính kịp thời và độ tin cậy của công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Thành cho biết.

Phát triển gần 6.000 trạm khí tượng thủy văn đến năm 2050 - 1

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Hoàng Linh).

Để thực hiện thành công quy hoạch trên, Thứ trưởng Bộ TN&MT mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ cùng bộ ngành liên quan, cũng như các địa phương. 

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khí tượng thủy văn tiếp tục quan tâm, tăng cường đầu tư vào các dự án phát triển, nâng cấp, tự động hóa, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn theo đúng tinh thần chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa công tác này. 

Việc này nhằm đẩy nhanh quá trình tự động hóa, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. 

Phát triển gần 6.000 trạm khí tượng thủy văn đến năm 2050 - 2

Các trạm quan trắc bên trong Trạm Khí tượng Hà Đông (Hà Nội) cung cấp dữ liệu về nhiệt độ, lượng mưa ở khu vực này (Ảnh: Mẫn Nhi).

Theo Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, định hướng đến năm 2050, cả nước phát triển 5.886 trạm khí tượng thủy văn, 4.333 trạm đo mưa độc lập. 

Đồng thời, quy hoạch định hướng có 9 trạm thám không vô tuyến, bao gồm duy trì và hiện đại hóa 6 trạm hiện có, bổ sung mới một trạm đến năm 2025, hai trạm tiếp theo bổ sung lần lượt đến năm 2030 và 2050.

Đến năm 2050, cả nước có 39 trạm radar thời tiết, 26 trạm định vị sét (gồm 3 trạm theo hướng tự động hóa), 526 trạm thủy văn, triển khai 44 trạm khí tượng tham chiếu, giám sát biến đổi khí hậu... 

Cùng với đó là định hướng phát triển nhiều mạng lưới quan trắc môi trường, nước, trạm bức xạ, đo mặn, radar biển, mạng lưới thu ảnh vệ tinh và hiện đại hóa một trạm khí tượng toàn cầu hiện có...

Về giải pháp thực hiện, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên đầu tư xây dựng các trạm quan trắc theo hướng hoàn thiện các trạm khí tượng thủy văn cơ bản đảm bảo trạm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và có đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Đối với trạm khí tượng thủy văn phổ thông, các đơn vị tập trung đầu tư dứt điểm từng trạm (đầu tư 100% thiết bị tự động), đảm bảo sau đầu tư trạm có khả năng tự động hoàn toàn, góp phần tăng cường năng lực quan trắc của trạm, giải phóng nguồn nhân lực quản lý, vận hành và tài nguyên đất đai.

Ngoài nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cần xây dựng cơ chế, cần có thêm chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua hình thức xã hội hóa, phát triển dịch vụ khí tượng thủy văn và giải phóng quỹ đất trong quá trình tự động hóa các trạm quan trắc...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm