Phát triển đội ngũ doanh nhân có đạo đức kinh doanh, làm giàu chính đáng
(Dân trí) - Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh và làm giàu chính đáng.
Sáng 10/5, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 4.322 điểm cầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị ở Trung ương và các địa phương trên toàn quốc, với gần 207.000 người tham gia nghiên cứu học tập, quán triệt nghị quyết.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân có trách nhiệm xã hội
Báo cáo nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 41, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh mục tiêu của Bộ Chính trị khi ban hành nghị quyết này là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.
Bộ Chính trị cũng định hướng xây dựng đội ngũ doanh nhân có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Theo Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, Nghị quyết 41 có nhiều nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
"Đây được coi là kim chỉ nam để đội ngũ doanh nhân Việt Nam tự tin, vững bước, chung lòng, chung sức xây dựng đất nước hùng cường, phát triển trong thời gian tới", ông Hiển nhận định.
Để thực hiện mục tiêu để ra, Nghị quyết 41 nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Theo đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.
Đi cùng với nhiệm vụ này, Bộ Chính trị xác định phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới; xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Bộ Chính trị cũng đề nghị tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò của VCCI, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
Chú trọng giám sát, lan tỏa tấm gương doanh nhân có nhiều đóng góp
Để hiện thực hóa Nghị quyết 41, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết Chính phủ vừa ban hành chương trình hành động, trong đó đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Chính phủ cũng nêu mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỉ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Đến năm 2045, phấn đấu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp, ngành, địa phương chú trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị mỗi doanh nhân cần đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần vì cộng đồng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước.
Theo ông Nghĩa, để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, cần tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, triển khai thực hiện; chú trọng theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra; đồng thời phát hiện, lan tỏa những tấm gương doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho xã hội, đất nước.
"Cần chuẩn bị thật tốt các điều kiện, nguồn lực với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để thực hiện thắng lợi nghị quyết", ông Nghĩa quán triệt.
Đến hết tháng 3, cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Ngoài khu vực doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam còn có sự tham gia của gần 30.000 hợp tác xã và 5,2 triệu cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Đội ngũ doanh nhân phát triển lên đến hàng triệu người.
Tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã có 172 doanh nghiệp và 325 sản phẩm làm thương hiệu Quốc gia, trong đó có một thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và quốc tế.