Phát hiện vết nứt trên núi, Thừa Thiên Huế sơ tán khẩn cấp gần 100 người
(Dân trí) - Nhiều hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao đã được tỉnh Thừa Thiên Huế di dời đến nơi an toàn.
Ngày 5/11, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Lộc đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát tình hình sạt lở tại khu vực núi Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện một vết nứt dài khoảng 50m ở độ cao 20m trên núi Phú Gia, cùng với một điểm sạt lở có nguy cơ đe dọa tính mạng và tài sản của các hộ dân sống dưới chân núi.
Trước tình hình nguy cấp, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Lộc và chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán khẩn cấp 9 hộ với 23 nhân khẩu ở thôn Thổ Sơn và 14 hộ với 65 nhân khẩu ở thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, cùng các vật dụng khác đến nơi an toàn. Đồng thời, biển cảnh báo đã được cắm để ngăn người dân vào khu vực nguy hiểm.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Lộc đã chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi sát sao diễn biến mưa lũ và sạt lở núi để có phương án phòng, chống và khắc phục thiên tai kịp thời.
Trước đó, báo Dân trí đã phản ánh về nguy cơ sạt lở cao tại khu vực chân núi Phú Gia, nơi có 32 hộ dân sinh sống. Từ năm 2008, các cơ quan chức năng đã phát hiện vết gãy, nứt dài khoảng 200m trên núi này.
Người dân sống dưới chân núi không chỉ lo lắng về sạt lở mà còn phải chịu đựng tiếng nổ mìn và bụi bặm từ các mỏ đá bên cạnh.
Ông Trần Văn Minh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, cho biết việc sơ tán khẩn cấp chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, cần di dời và tái định cư người dân đến nơi an toàn để ổn định cuộc sống.
Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với UBND huyện Phú Lộc lập dự án "Trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia", bao gồm hạng mục di dời và tái định cư 32 hộ dân tại khu vực này.
Bà Võ Thị Quế Hương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết dự án có tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, nhằm hoàn thiện cảnh quan Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và di dời các hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm. Dự án đang được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét trình HĐND tỉnh thông qua.
Nếu được thông qua, dự án sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2025 và dự kiến hoàn thành trong vòng 3 năm.