1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

32 hộ dân dưới chân núi Phú Gia khốn khổ vì tiếng nổ mìn và nỗi lo sạt lở

Vi Thảo

(Dân trí) - Không chỉ sống trong khu vực nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở núi mỗi khi có mưa lũ, người dân ở khu vực chân núi Phú Gia (Thừa Thiên Huế) còn thấp thỏm bởi tiếng nổ mìn của mỏ đá bên cạnh.

Nhà của gia đình bà Trần Thị Dung (53 tuổi, trú thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) nằm ngay dưới chân núi Phú Gia, cách cổng vào mỏ đá Toàn Tâm chưa đến 100m. Phía trên núi, nhiều điểm sạt trượt, vết nứt xuất hiện, nguy cơ sạt lở xuống khu dân cư bên dưới.

Theo bà Dung, chân núi Phú Gia trước đây bị đào lấy đất san lấp phục vụ các công trình trong khu vực Chân Mây - Lăng Cô. Khối lượng khoáng sản bị lấy đi rất lớn khiến cả quả núi như bị mất chân, mỗi khi mưa lớn thường xảy ra sạt trượt.

32 hộ dân dưới chân núi Phú Gia khốn khổ vì tiếng nổ mìn và nỗi lo sạt lở - 1

Người dân thôn Phú Gia (Thừa Thiên Huế) sống trong nỗi sợ sạt lở núi, tiếng nổ mìn của mỏ đá bên cạnh (Ảnh: Vi Thảo).

"Cứ đến mùa mưa bão, chính quyền địa phương lại cảnh báo sạt lở, kêu gọi người dân đề phòng. Có lần mấy mẹ con tôi chạy lũ bị ngã, nước cuốn, may thoát được nhưng áo quần mang theo bị trôi hết. Hiện nay gia đình vô cùng bất an vì còn con nhỏ, mẹ già yếu", bà Dung kể.

Được biết, từ năm 2008, các cơ quan chức năng đã phát hiện vết gãy, nứt với chiều dài khoảng 200m trên núi Phú Gia. Những năm qua, địa điểm này được cảnh báo có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở, gây nguy hiểm cho các hộ dân sống dưới chân núi.

Ông Trần Văn Minh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, cho biết mỗi khi có thông tin mưa bão, chính quyền, các cơ quan chức năng tổ chức sơ tán khẩn cấp người dân ở khu vực núi Phú Gia. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời, về lâu dài, cần di dời, tái định cư đến nơi an toàn để người dân ổn định cuộc sống.

Không chỉ ám ảnh cảnh sạt lở, trong khoảng một năm trở lại đây, khi mỏ đá Toàn Tâm đi vào hoạt động, người dân sống dưới chân núi Phú Gia phải chịu thêm nỗi lo tiếng nổ mìn, xe chở đá gây bụi bặm.

"Cứ khoảng 12h là họ nổ mìn để khai thác đá. Tiếng nổ chát chúa ngay bên cạnh khiến chúng tôi lo sợ. Mong các cấp chính quyền quan tâm bố trí tái định cư để người dân yên tâm", một người dân ở cạnh mỏ đá dưới chân núi Phú Gia bày tỏ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, trước đây tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương di dời các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở ở núi Phú Gia, với số tiền khoảng 25 tỷ đồng từ nguồn kinh phí phòng, chống thiên tai.

Phương án ban đầu dự định di dời khẩn cấp 14 hộ dân trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp sạt lở núi Phú Gia. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đánh giá, các chuyên gia kiến nghị cần di dời thêm 18 hộ, tăng nguồn vốn đầu tư.

Sau đó, Ban Quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND huyện Phú Lộc lập dự án "Trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia", trong đó có hạng mục di dời, tái định cư 32 hộ dân tại khu vực này.

32 hộ dân dưới chân núi Phú Gia khốn khổ vì tiếng nổ mìn và nỗi lo sạt lở - 2

Mỏ đá ở quá gần khu dân cư tạo thêm áp lực cho người dân (Ảnh: Vi Thảo).

Bà Võ Thị Quế Hương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết dự án có tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, nhằm hoàn thiện cảnh quan Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, kết hợp việc di dời 32 hộ dân đang sinh sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở ven chân núi Phú Gia. Dự án đang được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, trình HĐND tỉnh thông qua.

Nếu được thông qua, dự án sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2025, tiến độ phân kỳ đầu tư thực hiện trong 3 năm.

Tại huyện Phú Lộc, cơ quan chức năng còn cảnh báo nhiều vị trí khác có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở núi như: các địa điểm thuộc thôn Trung Phước Tượng và thôn Trung An (xã Lộc Trì), với 8 hộ/29 khẩu chịu ảnh hưởng; dọc tuyến Quốc lộ 49B đoạn qua xã Lộc Bình, có 10 hộ/34 khẩu; thôn Bạch Thạch thuộc xã Lộc Điền, với 13 hộ/39 khẩu.

32 hộ dân dưới chân núi Phú Gia khốn khổ vì tiếng nổ mìn và nỗi lo sạt lở - 3

Cảnh sạt lở núi ngay phía sau khu dân cư tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: Vi Thảo).