1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phát hiện mới 489 điểm khoáng sản, đất hiếm "có triển vọng"

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã phát hiện mới 489 điểm khoáng sản các loại; xác định khu vực khoáng sản có triển vọng như đất hiếm ở Bảo Thắng (Lào Cai) và Lai Châu; vàng ở Tuyên Quang...

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay đã hoàn thành 14 đề án lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản phần đất liền trên diện tích 42.550km2 (nâng tổng diện tích đã lập đạt 73,19% diện tích đất liền).

Phát hiện mới 489 điểm khoáng sản, đất hiếm có triển vọng - 1

Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: Phùng Minh).

Đáng chú ý, theo Bộ này, đã phát hiện và ghi nhận nhiều điểm mỏ, trong đó nhiều điểm mỏ đã được làm rõ tiềm năng tài nguyên và được Nhà nước đầu tư thăm dò xác định trữ lượng, như: Than đá bể than Quảng Ninh, apatit Lào Cai; khoáng sản phóng xạ, đất hiếm trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Lai Châu; các mỏ kim loại có quy mô lớn như quặng đồng dải Sin Quyền (Lào Cai), chì - kẽm Chợ Đồn, Chợ Điền (Bắc Kạn), mỏ Niken Bản Phúc (Sơn La), mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam)…

"Kết quả thăm dò, xác định trữ lượng đã được cấp phép khai thác khoáng sản kịp thời, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế đất nước qua các thời kỳ", Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Đến nay đã hoàn thành điều tra địa chất, khoáng sản trên diện tích hơn 244.000km2 vùng biển độ sâu 0-100m nước; 24 đề án đánh giá khoáng sản.

Từ kết quả điều tra, đánh giá đã đăng ký trên bản đồ 841 điểm khoáng sản, khoáng hóa. Trong đó, phát hiện mới 489 điểm khoáng sản các loại như: quặng sắt ở Tân An (Yên Bái); graphit ở Bảo Thắng (Lào Cai); vàng ở Tân Uyên (Lai Châu), Phước Sơn (Quảng Nam); kaolin-felspat ở Bảo Thắng (Lào Cai), Tân Biên (Tây Ninh); quặng đồng ở Kon Rẫy (Kon Rá, Kon Tum).

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, công tác điều tra, đánh giá khoáng sản đã phát hiện và xác định tài nguyên các khu vực có triển vọng, gồm: đất hiếm ở Bảo Thắng (Lào Cai) và Lai Châu; vàng ở Yên Sơn (Tuyên Quang); đồng ở Bát Xát (Lào Cai); felspat ở Bắc Yên (Sơn La); đá cảnh ở Thanh Sơn (Phú Thọ); cát trắng ở ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; đá ốp lát ở Gia Lai, cát biển vùng biển Sóc Trăng....

Một số đề án đã điều tra, đánh giá đến độ sâu 500m như mỏ than Đồng bằng sông Hồng.

Phát hiện mới 489 điểm khoáng sản, đất hiếm có triển vọng - 2

Mỏ đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, Yên Bái (Ảnh: Văn Đức).

Đến nay gần 3.200 giấy phép thăm dò khoáng sản đã được cấp, từ đó góp phần gia tăng trữ lượng gần 40 loại khoáng sản như: đá vôi xi măng gần 1,8 tỷ tấn, than hơn 1,2 tỷ tấn, quặng bauxite gần 900 triệu tấn, đá vật liệu xây dựng thông thường gần 1 tỷ m3...

"Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, nhất là đối với than, vonfram - đa kim, xi măng... giảm tiêu hao điện, năng lượng, giảm tổn thất khoáng sản, sử dụng hiệu quả khoáng sản sau khai thác", Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin.

Trong tài liệu mới gửi tới Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhận định, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản đã bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp và gây khó khăn khi thực hiện.

Cụ thể gồm một số vấn đề liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng - nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công; khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm khi khai thác khoáng sản chính; kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản theo từng giấy phép; vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản,…

Hơn nữa, nhiều luật liên quan đến địa chất, khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhưng Luật Khoáng sản chưa được sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường hi vọng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng mới sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập và quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành này.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí vi phạm sử dụng đất

Từ đề xuất của Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công khai vi phạm đất đai với diện tích 140.900m2 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 (Bà Rịa-Vũng Tàu).

140.900m2 đất này được Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí thuê lại của Công ty đầu tư và khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 nhưng chưa sử dụng.

Áp dụng Nghị định số 43/2014 của Chính phủ, Vụ Đất đai cho rằng cần phải công khai trường hợp vi phạm sử dụng đất nêu trên tại  Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường .