Pháo binh Việt Nam “lên đời” ra sao?
Để ngăn chặn âm mưu tiến hành các cuộc xung đột và chiến tranh chớp nhoáng có quy mô lớn cả về binh lực và phương tiện chiến tranh, lực lượng pháo binh chiến trường đứng trước một thách thức vô cùng to lớn.
“Chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng”
Binh chủng Pháo binh là binh chủng chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1976). Ra đời ngày 29/6/1946 với việc thành lập Đoàn pháo binh Thủ Đô gồm 3 trung đội: Pháo đài Láng (4 pháo phòng không 75 mm), Pháo đài Xuân Tảo (2 pháo phòng không 75 mm), Pháo đài Xuân Canh (1 pháo phòng không 75 mm).
Qua quá trình chiến đấu, lực lượng phát triển nhanh, tổ chức tới cấp tiểu đoàn pháo binh (1948), trung đoàn pháo binh (1950), đại đoàn công binh - pháo binh (1951). Sau kháng chiến chống Pháp, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Pháo binh (07/9/1954), sau đổi thành Bộ Tư lệnh Pháo binh và Binh chủng Pháo binh (28/5/1956)
Ngày 29/6/1946 với việc thành lập Đoàn pháo binh Thủ đô đã trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Pháo binh Anh hùng.
Ngày 13/4/1967, Bác Hồ gửi thư khen ngợi bộ đội pháo binh đã lập công xuất sắc bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ và bắn trả pháo binh địch ở Cồn Tiên - Dốc Miếu…
- Từ ngày 22 đến ngày 25/3/1975 Pháo binh chiến trường đã sử dụng pháo 130 mm và và lựu pháo 122 mm D74 bắn gần 3.000 viên đạn tạo thành lưới lửa khóa cửa Thuận An, cửa Tư Hiền không cho tàu địch tiếp cận đón quân địch, tạo điều kiện cho chiến dịch tiến công giải phóng Thừa Thiên -Huế.
- Từ trưa ngày 28/3/1975, pháo 130 mm và lựu pháo 122mm D74 bắn phá sân bay Đà Nẵng và cảng Đà Nẵng, bãi biển Mỹ Khê, chặn đường rút chạy của toàn bộ quân địch ở khu liên hợp quân sự Đà Nẵng.
- Đại đội 26 pháo 130 mm, thuộc tiểu đoàn 2, đoàn pháo binh Biên Hòa, bắn liên tục 12 ngày đêm với 326 viên đạn đã khóa chặt sân bay Biên Hòa, làm cho Không quân địch không thể sử dụng sân bay này kể từ ngày 26/4/1975.
- Từ ngày 28/4/1975, 4 khẩu pháo 130 mm của Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 164, hành quân theo đội hình của Sư đoàn 325 đã bắn khoảng 1.200 viên đạn, làm sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, lực lượng pháo binh của bộ đội chủ lực và lực lượng pháo binh địa phương được huy động với số lượng lớn pháo, cối các loại tiến hành tác chiến binh chủng, chi viện hỏa lực cho bộ binh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Ngày nay, lực lượng pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy truyền thống “chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng” đang nỗ lực nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền lãnh thố của mọi thế lực thù địch dám liều lĩnh xâm phạm bờ cõi thiêng liêng.
Tình hình thế giới trong những năm gần đây có những biến động vô cùng phức tạp, khó lường. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các nước đều đang tập trung đầu tư vào vũ khí trang bị phương tiện chiến tranh trong tất cả các không gian chiến trường trên không, trên biển và bờ biển – đất liền. Xu hướng phát triển vũ khí có độ chính xác cao không chỉ có ở các lực lượng không quân, hải quân mà đã lan rộng đến các lực lượng bộ binh, hình thành mô hình chiến trang phi tiếp xúc ứng dụng công nghệ điều khiển học và dẫn đường chỉ thị mục tiêu cho các chủng loại pháo binh chiến trường, từ pháo phản lực đến súng cối của lực lượng hỏa khí đi cùng. Hình thành các hệ thống điều hành tác chiến đồng bộ, thống nhất trong một không gian chiến trường quy mô không giới hạn (xung đột khu vực – chiến tranh hạn chế) đến từng không gian chiến trường thứ cấp ( một trận đánh, một phương tiện hỏa lực và một mục tiêu cụ thể). Với tiềm lực khoa học công nghệ lớn, vũ khí trang thiết bị tương đối hiện đại và hiện đại, các cường quốc quân sự thế giới đang có tham vọng sẵn sàng tiến hành các cuộc chiến tranh công nghệ cao, có quy mô rộng lớn cả về không gian tác chiến, số lượng vũ khí trang thiết bị, khí tài tham gia tác chiến và mật độ hỏa lực dày đặc, có độ chính xác trên mỗi km2 chiến trường.
Để ngăn chặn âm mưu tiến hành các cuộc xung đột và chiến tranh chớp nhoáng có quy mô lớn cả về binh lực và phương tiện chiến tranh, lực lượng pháo binh chiến trường đứng trước một thách thức vô cùng to lớn. Với phương tiện và vũ khí trang bị hiện có, với tiềm lực khoa học công nghệ quân sự của đất nước, bằng mọi nỗ lực và ý chí, lực lượng pháo binh chiến trường phải đủ sức mạnh để đạp tan mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền đất nước, bẻ gãy ý đồ, tham vọng của các thế lực thù địch và đánh thắng chiến tranh “công nghệ cao – dồn nén thời gian”.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ sẵn sàng sử dụng hỏa lực bảo vệ biên giới đất liền và biên giới biển, đảo và hải đảo của đất nước đang là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất hiện nay. Lực lượng pháo binh trên cơ sở phương tiện, vũ khí khí tài hiện có và tiềm lực khoa học công nghệ, cần có đủ sức mạnh bẻ gãy mọi mưu đồ xâm phạm biên giới, đổ bộ đánh chiếm hải đảo của địch trong điều kiện tác chiến công nghệ cao, đây là một nội dung vô cùng quan trọng, nhưng đất nước nói chung và lực lượng pháo binh chiến trường nói riêng hội tụ đủ mọi yếu tố về cơ sở vật chất và tiềm lực khoa học công nghệ để thực hiện.
Trong trang bị của lực lượng pháo binh chiến trường Việt Nam, có các loại pháo, lựu pháo của các nước tiên tiến như Lựu pháo 122mm D-30; Lựu pháo nòng dài 130mm M-46; Lựu pháo 122 mm D-74; Lựu pháo hạng nặng 152mm D-20; Pháo phản lực BM – 14 cỡ nòng 140mm, pháo phản lực Grad BM-21 cỡ nòng 122mm; Lựu pháo 105 mm M2; M-144 Lựu pháo hạng nặng 155mm. Thực tế các loại pháo chiến trường này đã có thời gian dài trong khai thác sử dụng, đã chứng minh được hiệu quả tác chiến cao của nó qua nhiều trận đánh như bảo vệ bờ biển, yểm trợ và chi viện hỏa lực, thực hiện những cuộc tập kích hỏa lực quy mô lớn vào các mục tiêu quan trọng của địch trong nhiều cuộc chiến tranh.
Lựu pháo dã chiến nòng dài 130mm D-46.
Lựu pháo 152 mm D-20.
Một xu hướng được đề xuất là thay đổi các ông “vua chiến trường” đã cũ bằng những tổ hợp vũ khí pháo binh hiện đại hơn như các loại pháo tự hành có từ thời Liên Xô 122-mm lựu pháo tự hành 2S1 "Gvozdika" và 152-mm 2S3 "Akatsiya", 152-mm súng 2S5 "Giatsint" hoặc pháo có nguồn gốc từ Mỹ 155 mm M109 , hoặc có nguồn gốc từ Pháp 155 mm F.1). hay các pháo xe kéo cỡ nòng 152-155 mm như phiên bản pháo hạng nhẹ thử nghiệm của Mỹ cỡ nòng 155-mm lựu pháo LW-155 hoặc lựu pháo xe kéo của Nga 152-mm 2A61 "Pat-B" theo thiết kế của trung tâm nghiên cứu thiết kế pháo binh OKB-9 với cỡ nòng 152 mm có thể xoay hướng 360o, vỏ đạn riêng biệt sử dụng cho tất cả các loại đạn.
Pháo binh trong phòng ngự biên giới, hải đảo
Với điều kiện đất nước ngày nay, để đầu tư một thế hệ pháo binh chiến trường mới, hiện đại và có khả năng tự hành, tác chiến độc lập với các cơ số đạn đi cùng sẽ là một gánh nặng cho nền kinh tế quốc dân, hơn thế nữa không tận dụng được thế mạnh và tư duy sáng tạo của khoa học quân sự binh chủng pháo binh Việt Nam. Nếu nhìn từ góc độ khoa học quân sự cấp chiến dịch - chiến thuật của pháo binh chiến trường và khả năng sử dụng trong thế trận phòng ngự, có thể nhận xét như sau:
Trên chiến trường trong mọi thời đại, lực lượng pháo binh có vị trí quan trọng hàng đầu: tiêu diệt binh lực, phá hủy và vô hiệu hóa phương tiện chiến đấu, trang thiết bị, khí tài quân sự địch. Tạo điều kiện tối ưu cho các lực lượng chủ công tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới tấn công tiêu diệt địch, đập tan các cụm binh lực mạnh của đối phương và đánh chiếm các mục tiêu theo nhiệm vụ được giao trong mọi hình thái chiến thuật. Trong phòng ngự, đặc biệt là phòng ngự biên giới, biển đảo. Lực lượng pháo binh là lực lượng chủ công tiêu diệt các lực lượng mạnh xâm phạm các tuyến đường biên giới, tiêu diệt các phương tiện đổ bộ của đối phương, bao gồm tăng thiết giáp lội nước, các phương tiện cơ giới đổ bộ, các tàu xuồng máy đổ bộ, chi viện hỏa lực cho lực lượng phòng thủ bờ biển ngăn chặn và tiêu diệt lực lượng đổ bộ lên bờ biển, chi viện hỏa lực cho lực lượng phòng thủ bờ biển đánh chiếm lại bàn đạp đổ bộ, hất địch xuống biển và bao vây tiêu diệt.
Lực lượng pháo binh được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu sau: Các loại phương tiện, vũ khí trang bị hỏa lực của đối phương, đặc biệt là vũ khí hủy diệt lớn; các thành phần của hệ thống vũ khí chính xác; khí tài, trang bị TCĐT; pháo binh, xe tăng, xe bộ binh cơ giới, vũ khí chống tăng, hỏa khí đi cùng và bộ binh địch; máy bay trực thăng và bãi đổ bộ; các loại vũ khí, trang bị phòng không; các trạm sở chỉ huy, điều hành tác chiến; các công trình công sự quân sự; tổ chức các bãi mìn, trận địa mìn tầm xa; bắn đạn chiếu sáng chiến trường và dựng màn khói ngụy trang. Trong chiến đấu tiến công hay phòng ngự hiện đại, đặc biệt là phòng thủ biên giới, chống đổ bộ đường biển. Lực lượng pháo binh thông thường được sử dụng để bắn cấp tập, dồn dập vào các hướng quan trọng, nhằm mục đích ngăn chặn các hoạt động chiến đấu của đối phương - là một trong những nguyên tắc cơ bản của sử dụng pháo binh.
Khi sử dụng hỏa lực pháo binh trong chiến tranh hiện đại, các lực lượng pháo binh chiến trường phải tiến hành các hình thức cơ động hỏa lực (bắn tập trung tại một khu vực, sau đó chuyển làn bắn tập trung ở khu vực khác theo yêu cầu chiến trường) nhằm mục đích kịp thời tiêu diệt đối tượng (mục tiêu) trên tất cả các hướng. Tính cơ động các khẩu đội pháo binh trên các trận địa khác nhau còn nhằm mục đích tránh bị tiêu diệt bởi hỏa lực phản kích của tên lửa- pháo binh đối phương. Cơ động hỏa lực được thực hiện bằng các phương án chuyển làn hỏa lực tập trung của các dồn dập theo bình diện chiến trường và theo chiều sâu đội hình tác chiến của đối phương.
Trong điều kiện đối phương sử dụng vũ khí công nghệ hiện đại như các phương tiện hỏa lực có độ chính xác cao, các lực lượng hỗn hợp tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới kết hợp với hỏa lực không quân và tên lửa. Phương thức chuyển làn hỏa lực tập trung nhanh có chế chế áp hoặc tiêu diệt các cụm binh lực mạnh của đối phương, phân tán hỏa lực nhanh nhằm tiêu diệt các mục tiêu đơn lẻ, gây nguy hiểm trực tiếp cho hệ thống phòng thủ.
Nhiệm vụ sử dụng hỏa lực trong phòng ngự biên giới, hải đảo của các phân đội, đơn vị pháo binh chiến trường hỗn hợp là: Hỏa lực pháo binh ngăn chặn các đợt tiến công của đối phương; hỏa lực pháo binh yểm trợ các đơn vị trong chiến đấu phòng ngự; hỏa lực dọn chiến trường, mở hành lang cho phản kích tiêu diệt địch và hỏa lực yểm trợ, chi viện theo yêu cầu của lực lượng phản kích.
Sơ đồ bố trí tiểu đoàn pháo binh trong chiến đấu phòng ngự.
Trong chiến đấu phòng ngự của các đơn vị binh chủng hợp thành, các đơn vị chiến đấu sẽ cơ động tác chiến nhanh trên chiến trường theo bình diện tấn công hoặc theo chiều sâu phản kích nhằm mục đích nhanh chóng hình thành các cụm phản kích chủ lực mạnh, đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ cao nhất. Điều đó đòi hỏi phản ứng mau lẹ, chi viện kịp thời hỏa lực pháo binh nhằm chế áp đối phương. Do đó, hỏa lực pháo binh không được dừng cho cơ động tránh phản kích của hỏa lực VKCX của địch và phải liên kết phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đang cơ động chiến đấu trên chiến trường theo nhiệm vụ, theo hướng, theo tuyến chiến đấu và thời gian thực hành nhiệm vụ.
Theo yêu cầu nhiệm vụ, thực tế tác chiến trên chiến trường, các đơn vị pháo binh có thể được phân phối trực thuộc hoặc phối thuộc với các đơn vị chiến đấu. Trong điều kiện cụm pháo binh chiến trường tác chiến trong điều kiện không gian chiến trường rộng, để có thể tạo ra một sức mạnh hỏa lực tập trung vào các hướng quan trọng, lực lượng pháo binh sẽ thực hiện theo nhiệm vụ được giao cấp cao (cấp chiến dịch) và chi viện hỏa lực theo yêu cầu. Để tăng cường sức mạnh phòng ngự hoặc phản kích, chủ động trong chiến đấu tiến công, lực lượng pháo binh chiến trường có thể trực thuộc chỉ huy của trận đánh.
Từ những chức năng nhiệm vụ đã nêu, có thể nhận thấy trong chiến tranh hiện đại, các lực lượng chủ lực như tăng thiết giáp, pháo binh, tên lửa phải tác chiến trong điều kiện sức mạnh công nghệ nghiêng về phía đối phương. Đó là các loại VKCX có khả năng tấn công từ tầm rất xa, hàng chục đến hàng trăm km. Các đòn công kích có thể được tiến hành từ nhiều vùng không gian trên không, trên biển, dưới biển. Hệ thống trinh sát điện tử và TCĐT của đối phương rất mạnh. Điều đó buộc phải có những giải pháp mới nhằm bảo toàn lực lượng, vũ khí trang bị và năng lực tác chiến của pháo binh chiến trường;
Các giải pháp bảo vệ lực lượng có thể là:
- Nghi binh, ngụy trang rất kỹ chống lại các phương tiện trinh sát hiện đại như radars, quang điện tử, hồng ngoại, tia cực tím, siêu âm và sóng điện từ trường.
- Có khả năng thực hiện các hoạt động gây nhiễu thụ động chống chiếu xạ laser, dẫn đường hồng ngoại hoặc radars
- Đội hình tác chiến thực hiện theo phương pháp “quản lý tập trung, trận địa phân tán”.
- Phương thức sử dụng lực lượng “hỏa lực tập trung, hỏa khí phân tán”
- Tính cơ động chiến đấu rất cao, có trận địa chính và nhiều trận địa dự phòng được xây dựng và chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ sức chịu đựng các đòn tấn công bằng vũ khí thông thường như bom tên lửa mang các đầu đạn xuyên phá, nhiệt áp hoặc nổ phá mảnh đương lượng nổ lớn.
- Khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, quân số thuộc quyền được huấn luyện và thục luyện kỹ càng, có khả năng sử dụng các phương tiện công nghệ hiên đại và có kỹ năng tác chiến rất thuần thục, chính xác với tốc độ cao.
Một cuộc chiến tranh dồn nén thời gian bao giờ cũng đi kèm với một sự huy động lực lượng quy mô rất lớn và công nghệ hiện đại của tất cả các loại vũ khí trang bị của đối phương. Trong chiến đấu phòng ngự biên giới, biển và hải đảo, những yêu cầu về hỏa lực ngăn chặn, che chắn, yểm trợ hoặc chi viện cùng rất lớn và thay đổi liên tục theo tình huống chiến trường. Các khẩu đội được bố trí phân tán trên một địa hình rộng nhằm tránh bị sát thương, phá hủy tập trung, vừa phải chiến đấu, vừa phải cơ động. Đồng thời hỏa lực phải chính xác cao độ. Trong các trường hợp chiến đấu, việc bắn chỉnh pháo theo thông báo của trinh sát pháo sẽ khó thực hiện được do khi pháo binh khai hỏa, yếu tố bí mật của lực lượng đã mất, VKCX của đối phương có thể tiêu diệt pháo binh ngay sau một lượng thời gian tính bằng phút. Do đó, một yêu cầu trở lên vô cùng quan trọng là phải trúng mục tiêu ngay từ viên đạn đầu tiên. Đồng thời trong quá trình diễn ra trận đánh, hỏa lực phải chi viện đúng lúc, kịp thời theo đúng yêu cầu của các đơn vị binh chủng hợp thành không phụ thuộc vào các hoạt động cơ động của khẩu đội.
Với các loại vũ khí có trong biên chế, để tăng cường khả năng tác chiến, đáp ứng yêu cầu chống lại các phương tiện, vũ khí chiến tranh công nghệ cao, đòi hỏi bức thiết hàng đầu là thay đổi tư duy tác chiến, đưa công nghệ số và tự động hóa vào quá trình trinh sát mục tiêu, điều hành tác chiến, điều khiển hỏa lực và cơ động. Các giải pháp này được gọi tắt là “reconnaissance-fire – maneuver”(RFM)
Tác chiến công nghệ hiện đại
Thống kê và phân tích các cuộc xung đột những thập kỷ gần đây, được tiến hành cùng với dự kiến sự phát triển hệ thống vũ khí trang bị trong tương lai gần cho thấy. Một đặc tính quan trọng của tác chiến ngày này là chuyển hướng từ chiến đấu “tiếp xúc” mà các đòn tấn công chủ lực là các cụm binh lực quân binh chủng hợp thành tiến hành những trận đánh giải quyết chiến trường sang chiến đấu phi tiếp xúc, hay còn gọi là “trinh sát – hỏa lực ” trong đó, hỏa lực chính xác tiêu diệt mục tiêu trên quy mô lớn và theo chiều sâu chiến trường. Đối phó với mô hình tác chiến mới của kẻ thù, lực lượng pháo binh phải thực hiện mô hình hệ thống tác chiến mới tương đương “Trinh sát – hỏa lực – cơ động”.
Với các phương tiện hiện có, theo các thông số kỹ chiến thuật như tầm bắn, uy lực của đầu đạn đều đáp ứng yêu cầu phòng ngự. Nhưng mô hình tác chiến đòi hỏi sự tập trung chỉ huy cao nhất, đồng bộ hóa mọi hoạt động từ trinh sát tìm kiếm phát hiện mục tiêu bằng các phương tiện trinh sát trên không (UAV) và trên mặt đất (trinh sát pháo binh), xác định mục tiêu và mật độ hỏa lực từ các khẩu đội, cơ động khỏi vị trí trận địa sau khi đã tiêu diệt mục tiêu. Với phương thức tác chiến năng động, tập trung này, pháo binh chiến trường mới có đủ khả năng bảo toàn lực lượng và chống lại các đợt tập kích hủy diệt bằng VKCX.
Thực hiện nhiệm vụ tác chiến chống lại một cuộc tấn công công nghệ hiện đại với vũ khí thông thường đòi hỏi môi trường chỉ huy điều hành tác chiến cao nhất. Một nội dung vô cùng quan trọng của pháo binh chiến trường là đưa hệ thống tự động hóa điều hành tác chiến pháo binh chiến trường “Unified Automated Control System” (UACS) trong các hoạt động chiến đấu và các phương tiện trinh sát, chỉ thị mục tiêu hiện đại. Ngày nay, hầu như các nước đều đã phát triển hệ thống trinh sát radar, trinh sát từ trường, quang điện tử và trinh sát âm thanh. Các hệ thống này đều có khả năng phát hiện, đo đạc tọa độ mục tiêu và tính toán phần tử bắn trên khoảng cách 20 km. Một loại phương tiện trinh sát khác rất hiệu quả, đó là các máy bay không người lái loại nhỏ, khó nhận biết trên trần bay thấp. Sử dụng những máy bay này cho phép mở rộng không gian trinh sát và chỉ thị mục tiêu, tính toán các phần tử bắn nhằm tiêu diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu tiên. Bằng những phương pháp và trang thiết bị trinh sát này, có thể phát huy hết uy lực tác chiến của tất cả các loại pháo binh chiến trường có trong trang bị.
Unified Automated Control System (UACS) Hệ thống điều hành tác chiến các đơn vị binh chủng hợp thành là hệ thống tự động hóa, cho phép nhận được các thông tin chính xác về mục tiêu từ các phương tiện trinh sát như các tổ hợp máy bay không người lái ("Tipchak"), các tổ hợp radar trinh sát mặt đất (radar "Credo-1C", "Aistenok", "Zoopark-1M"), tổ hợp trinh sát âm thanh (ACP-7M), tổ hợp trinh sát quang điện tử (PDP-4A). Hệ thống tự động điều hành tác chiến điện tử tiếp nhận nguồn thông tin thời gian thực từ các phương tiện trinh sát này, có khả năng tiến hành các hoạt động tập trung, cơ động hỏa lực và phân tán hỏa lực theo tình hình thực tế của chiến trường theo nguyên tắc “phát hiện, xác định mục tiêu và hỏa lực tiêu diệt mục tiêu”.
Tổ hợp trinh sát quang điện tử PDP-4A.
Sơ đồ tác chiến của hệ thống tự động điều khiển hỏa lực.
Các xe tổ hợp chỉ huy, điều hành tác chiến và điều khiển hỏa lực trên thân xe cơ giới bánh xích 1V12-3 ("M-Machine"), 1V12M-3 ("Faltsetc-M"), 1V197.
Các xe tổ hợp chỉ huy trên khung gầm của BTR-80 và Ural-4320 - 1V126. Tổ hợp ("Kapustnikc-B").
Tổ hợp chỉ huy tác chiến – điều khiển hỏa lực có chức năng nhiệm vụ tổ chức các bộ phận điều khiển hỏa lực theo yêu cầu tác chiến trong thời gian thực của tất cả các chủng loại pháo binh chiến trường, bao gồm lựu pháo, pháo tầm xa xe kéo, pháo tự hành, pháo phản lực, súng cối pháo binh, các phương tiện, khí tài trinh sát các cấp và chỉ thị mục tiêu, dẫn bắn hỏa lực. Các tổ hợp chỉ huy điều hành tác chiến đa năng cho phép tự động hóa xác định các khẩu đội hỏa lực sẽ dùng để tiêu diệt mục tiêu, tính toán phần tử bắn, truyền tải thông tin trinh sát đến các phân đội hỏa lực, cho phép chỉ huy trưởng lực lượng pháo binh xác định, các khẩu đội nào cần cơ động chuyển trận địa chiến đấu, loại hỏa lực nào phù hợp để tiêu diệt mục tiêu, số lượng đạn và chủng loại. Cơ bản, đó là hoạt động của cả một ban tham mưu tác chiến giúp việc với tốc độ hàng triệu phép tính/giây. Cung cấp cho người chỉ huy những đề xuất giải pháp tức thời và hướng phát triển tiếp theo. Hệ thống này cho phép rút ngắn thời gian ra mệnh lệnh chỉ huy xuống còn từ 3-4 lần. Tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu lên đến 70% trong loạt bắn đầu tiên.
Giai đoạn phát triển tiếp theo là tích hợp các hệ thống điều khiển hỏa lực cấp đơn vị trong một tổng thể phòng ngự cấp quân khu và trên cả nước vào một hệ thống chỉ huy điều hành tác chiến duy nhất. Những thử nghiệm áp dụng hệ thống tự động điều hành tác chiến của quân đội nước ngoài (Liên bang Nga) từ năm 2008 cho thấy trong một không gian điều khiển học thông tin duy nhất, liên kết toàn bộ các đơn vị hỏa lực pháo binh – pháo phản lực – tên lửa chiến trường trong lữ đoàn – sư đoàn pháo binh với các tiểu đoàn là các đơn vị tác chiến đã tăng cường hiệu suất tiêu diệt các cụm quân lực tấn công chủ lực lên đến 3 lần, xác suất bị tiêu diệt bởi VKCX và mất khả năng chiến đấu do các hoạt động TCĐT của đối phương (tên lửa tự dẫn chống radar, gây nhiễu chủ động….) cũng giảm từ 40 – 60% trong điều kiện các đơn vị lần đầu tiên thực hành tác chiến đồng bộ hóa cấp lữ đoàn – sư đoàn về tự động hóa điều hành tác chiến. Những kết quả trên là cơ sở căn bản cho việc hình thành mô hình tác chiến “trinh sát – hỏa lực – cơ động” trong các cụm quân lực binh chủng hợp thành trong đó có lực lượng pháo binh chiến trường. Từ những lý luận và thực hành tác chiến cụ thể với đối tượng tác chiến có tiềm lực vũ khí trang bị hiện đại, công nghệ cao sẽ hình thành các nhu cầu thực tế của đơn vị về vũ khí trang bị và khí tài chiến đấu.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Nga, nhu cầu thực tế cần bổ sung trang bị nhằm hiện thực hóa mô hình tác chiến “trinh sát – hỏa lực- cơ động” của pháo binh chiến trường đòi hỏi theo nhu cầu tổng thể trang bị trong một lữ đoàn pháo binh chiến trường là: các hệ thống trinh sát điện tử thứ cấp (trinh sát mặt đất và trinh sát trên không 40%, các hệ thống điều hành tác chiến thứ cấp (cấp tiểu đoàn) 35%, các hệ thống hỏa lực tiêu diệt mục tiêu (đạn có điều khiển, hệ thống định vị tọa độ mục tiêu thứ cấp chiếm 25%) Thống kê tác chiến trên chiến trường Nam Ossetia cho thấy, 90% các mục tiêu là do pháo binh chiến trường giải quyết và bằng các đầu đạn thông thường, không phải VKCX.
Một xu hướng phát triển quan trọng nữa đặt ra là đưa các loại đầu đạn có độ chính xác cao (đạn có điều khiển ) nhăm tăng cường hiệu quả tác chiến của loạt bắn, phát bắn. Các loại đạn độ chính xác cao là các loại đạn được điều chỉnh đường bay bán chủ động bằng hệ thống định vị vệ tính GPS, Glonass, bán dẫn chủ động bằng chiếu xạ laser, tự điều chỉnh đường bay bằng hệ thống định vị mặt đất và dẫn đường quán tính theo góc phương vị và tầm bắn. Hiện nay, các loại đạn có điều khiển đã được chế tạo cho các loại pháo chiến trường chủ lực như đạn pháo cỡ nòng 122 mm. đạn pháo cỡ nòng 152 mm của Nga, đạn pháo cỡ nòng 155 mm của Mỹ, đạn tên lửa cho tổ hợp pháo phản lực Grad BM-21, riêng đối với pháo phản lực Grad, đạn tên lửa 122 mm còn được trang bị các đầu đạn nhiệt áp và các đầu đạn thứ cấp casset, làm tăng hiệu quả sát thương, phá hủy mục tiêu.
Trong giai đoạn ngày nay, các phương tiện trang thiết bị cấu thành hệ thống “trinh sát – hỏa lực – cơ động” (RFM) trong chiến đấu phòng ngự biên giới, bờ biển và hải đảo liên tục bị tấn công, xâm nhập bằng các phương tiện TCĐT, các hình thức có thể bắt đầu từ trinh sát các thông số kỹ chiến thuật, đặc biệt là của các phương tiện trinh sát và điều hành tác chiến điện tử (bước sóng, tần số, các loại đài thông tin liên lạc, khoảng cách hoạt động hiệu quả…) Do điều kiện cơ động chiến đấu của chiến tranh hiện đại, các hệ thống liên lạc hữu tuyến không được sử dụng như những năm 1970-x của thế kỷ trước.
Do đó, yêu cầu bảo mật phần cứng và bảo mật kỹ thuật phần mềm chống TCĐT đóng vai trò sống còn trong hoạt động tác chiến. Chính vì vậy, trước nhưng nhu cầu hiện đại hóa hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến của pháo binh chiến trường, nền công nghiệp điện tử quốc phòng cần phải phát triển vượt bậc, trực tiếp sản xuất và cung cấp các thiết bị trinh sát (hồng ngoại, quang điện tử, radar, thiết bị điều khiển vô tuyến) các trang thiết bị và khí tài chỉ huy, điều hành tác chiến ( hệ thống phần cứng của mạng điều hành tác chiến, hệ thống phần cứng và trang thiết bị hạ tầng của thông tin liên lạc ). Chỉ trong những điều kiện đó, mới có khả năng đưa hệ thống tự động hóa điều hành tác chiến của pháo binh chiến trường (UACS) vào thực tế chiến đấu bảo vệ biên cương tổ quốc.
Tương lai của pháo binh chiến trường
Trong tương lai, theo tiến trình hiện đại hóa của lực lượng pháo binh chiến trường, cần có những đột phá quan trọng về tư duy chiến dịch - chiến thuật trong tác chiến hiện đại. Những nguy cơ về xung đột không chủ ý, chiến tranh chớp nhoáng như một phương tiện đối ngoại là yêu cầu cấp thiết đòi hỏi lực lượng pháo binh chiến trường, mà đầu tiên là pháo binh phòng thủ bờ biển, hải đảo, lực lượng pháo binh tuyến phòng thủ biên giới, bắt đầu từ những tiểu đoàn pháo nòng dài đến các đơn vị binh chủng hợp thành và toàn quân binh chủng.
Mục tiêu quan trọng của mô hình tác chiến RFM được đặt ra là hỏa lực tập trung chính xác tiêu diệt địch, phá hủy các ý đồ chiến dịch – chiến thuật đối phương. Tổ chức mô hình tác chiến “Trinh sát, Hỏa lực, Cơ động (RFM)” lấy hệ thống trinh sát hiện đại làm nòng cốt, trong đó cần chú trọng đưa vào thực tế huấn luyện chiến đấu có sử dụng hỏa lực các phương tiện trinh sát như trinh sát âm thanh, trinh sát laser hồng ngoại, trinh sát radar trên mặt đất và các máy bay trinh sát UAV loại nhỏ, có tầm bay xa và được trang bị các trang thiết bị trinh sát đa năng (radio, âm thanh, từ trường, quang điện tử, hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống định vị dựa trên các chốt định vị mục tiêu trên mặt đất và trên vũ trụ (GPS, Glonass) trong đó các chốt định vị trên mặt đất đóng vai trò quan trọng, khi chiến tranh xảy ra, chắc chắn toàn bộ hệ thống định vị vệ tinh sẽ bị gây nhiễu nặng nề.
Thiết bị trinh sát pháo binh 1D18-2.
Đưa mô hình hệ thống tác chiến “Trinh sát, hỏa lực, cơ động” nhằm thực hiện nguyên tắc sử dụng hỏa lực “Một phát bắn, loạt bắn – tiêu diệt mục tiêu” và đưa đến việc xem xét lại các quan điểm sử dụng hỏa lực trước đây như “hỏa lực tiêu hao sinh lực địch” “bắn chỉnh pháo” hoặc “bắn chế áp” trong các nội dung sử dụng hỏa lực pháo binh chiến trường. Do điều kiện thực tế của các lực lượng xâm lược có số lượng và chất lượng VKCX cao hơn nhiều số lượng vũ khí trang bị của pháo binh chiến trường hiện nay cộng với khả năng trinh sát, tìm kiếm phát hiện mục tiêu của đối phương rất mạnh, hiệu quả trong mọi môi trường TCĐT (ánh sáng mờ, thời gian ban đêm, nhiễu xạ địa hình, vụ nổ, khói bụi hoặc nhiễu thụ động). Xác suất đánh trúng mục tiêu của đối phương sau khi lộ bí mật (khai hỏa) là 0,9% trong thời gian được tính bằng phút.
Một trận địa pháo kiểu dàn “đại phong cầm” bắn chế áp và ngăn chặn của thế kỷ trước có thể trong một vài mươi phút bị hủy diệt hoàn toàn bởi đạn casset của tên lửa hành trình Tomahawk hoặc hoặc một loạt đạn pháo phản lực tầm xa đến hàng trăm km, các đầu đạn phản lực có điều khiển và mang vũ khí nhiệt áp. Điều đó dẫn đến khái niệm tác chiến RFM là: xác định chính xác tọa độ mục tiêu, một loạt đạn hỏa lực tập trung cao độ, quy mô lớn và chính xác hủy diệt mục tiêu hoặc cụm mục tiêu, các khẩu đội nhanh chóng cơ động sang trận địa dự bị nhằm tránh đòn phản kích hủy diệt.
Nguyên tắc cơ bản của mô hình hệ thống hỏa lực pháo binh chiến trường RFM là sự kết hợp năng động, sáng tạo và tính độc lập, quyết đoán của các chỉ huy trưởng các đơn vị binh chủng hợp thành (các sư đoàn, lữ đoàn pháo binh chiến trường) trong các trường hợp hoạt động độc lập là các trung đoàn trưởng trung đoàn pháo binh chiến trường. Dựa vào các thông số dữ liệu mục tiêu của hệ thống trinh sát trong khu vực tác chiến, có thể tập trung được tối đa hỏa lực thuộc quyền vào tiêu diệt một mục tiêu hoặc một cụm mục tiêu, tạo điều kiện tối ưu cho chiến dịch hoặc trận đánh.
Theo nguyên tắc “hỏa lực tập trung, hỏa khí phân tán” “ cơ động hỏa lực” có thể trong mọi thời điểm chiến đấu tập trung toàn bộ hoặc phần lớn các khẩu đội trong một loạt bắn tiêu diệt toàn bộ một cụm mục tiêu (một tiểu đoàn tăng) sau đó nhanh chóng chuyển làn đạn sang mục tiêu thứ 2 , đồng thời các khẩu đội pháo không sử dụng có thể được cơ động sang trận địa khác, tại trận địa cũ là trang bị nghi binh và hỏa lực phòng không tự động tầm gần, bảo toàn lực lượng. Nói cách khác, hệ thống tác chiến RFM là hệ thống tác chiến hỏa lực mềm, cho phép tập trung tối đa hỏa lực và giảm thiểu tối đa tổn thất.
Xu hướng tập trung hình thành và phát triển hệ thống tác chiến “Trinh sát, hỏa lực, cơ động” RFM là mô hình hệ thống tác chiến hiện đại của một lực lượng pháo binh chưa có được các loại vũ khí hiện đại nhưng cũng là nền tảng để phát triển các loại vũ khí trang thiết bị hiện đại, đồng thời có được khả năng chiến đấu thành công và giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh công nghệ cao trên mọi không gian chiến trường và trong mọi điều kiện tác chiến.
Lực lượng pháo binh chiến trường Việt Nam với truyền thống “chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng” đang đứng trước những nhiệm vụ mới, phức tạp hơn trong môi trường chiến tranh công nghệ cao. Chiến đấu và chiến thắng trên mặt trận khoa học nghệ thuật quân sự với những phương tiện hiện có và tiềm lực khoa học kỹ thuật quân sự nước nhà cũng là chiến công của “Đánh thắng chiến tranh công nghệ cao, giành thắng lợi trong chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc”.
Theo Trịnh Thái Bằng
Tiền phong