1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam:

Pháo binh hiện đại từ Lào Cai theo bè mảng xuôi sông Hồng trong kháng chiến chống Pháp

(Dân trí) - Nhân kỷ niệm 73 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (22/12/1944 - 22/12/2017) xin giới thiệu cùng bạn đọc tư liệu lịch sử rất quý đăng trong cuốn "Lịch sử pháo binh QĐND VIệt Nam" (Nhà xuất bản QĐND - 1991) về sự sáng tạo tuyệt vời của bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp.


Sông Hồng ở khu vực xã Bảo Hà , huyện Bảo Yên (Lào Cai) là nơi xưa kia đoàn bè mảng chở trung đoàn pháo binh hiện đại từ biên giới Lào Cai về bến phà Âu Lâu (Yên Bái). (Ảnh: Phạm Ngọc Triển)

Sông Hồng ở khu vực xã Bảo Hà , huyện Bảo Yên (Lào Cai) là nơi xưa kia đoàn bè mảng chở trung đoàn pháo binh hiện đại từ biên giới Lào Cai về bến phà Âu Lâu (Yên Bái). (Ảnh: Phạm Ngọc Triển)

Đó là sáng kiến dùng bè mảng tre nứa di chuyển toàn bộ số pháo binh hiện đại nhất của ta thời bấy giờ theo dòng sông Hồng từ tỉnh biên giới Lào Cai về bến phà Âu Lâu (Yên Bái), để năm sau góp phần dội bão lửa xuống đầu địch làm nên chiến công Điện Biên Phủ vang dội toàn cầu...


Pháo binh hiện đại tham gia chiến dịch Điện Biên lịch sử đầu năm 1954 (Ảnh: Bảo tàng pháo binh Việt Nam)

Pháo binh hiện đại tham gia chiến dịch Điện Biên lịch sử đầu năm 1954 (Ảnh: Bảo tàng pháo binh Việt Nam)

"... Ngày 17/1/1953, Trung đoàn 45 (lựu pháo 105) sau gần 2 năm xây dựng trên đất nước Trung Quốc đã lên đường trở về Tổ quốc.

Trung đoàn được trang bị 20 khẩu pháo lựu pháo 105, 40 xe ba cầu GMC, hai xe Jeép, 20 xe mô tô và xe đạp, 33 máy quan trắc, 66 tổng đài và điện thoại, 100 kg dây điện thoại, 3.500 viên đạn pháo và một số khẩu súng máy, súng trường, lựu đạn, dụng cụ cuốc , xẻng, vồ....

Ngày 25/1/1953, trung đoàn rời Mông Tự (Trung Quốc). Từ Phú Lu về Yên Bái, trung đoàn được lệnh tháo rời xe, pháo chất lên bè mảng để xuôi dòng sông Hồng.

Sáng 30 Tết sau khi tập trung xe, pháo về Lang Thíp, cán bộ, chiến sỹ trung đoàn vào rừng chặt vầu ghép bè mảng. Đại đội 119 được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tháo xe, pháo. Đại đội 126 công binh mở bốn bến hạ thủy bè, mảng chở xe pháo và đón 30 thuyền đinh của tỉnh Yên Bái đến chở đạn. Để tìm hiểu luồng lạch, đại đội 119 dùng một bè chở nặng đá đi trước, chiếc bè đã vượt qua hơn 100 km, 25 thác ghềnh, trong đó có nhiều thác dữ nổi tiếng như thác Cối Xay, Điên Khùng, Rãnh Cầy, Ba Hồn, Thác Cạn... an toàn.

Ủy ban kháng chiến tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái huy động thêm 30 thanh niên khỏe mạnh giúp trung đoàn vượt các thác ghềnh sông Hồng.

Đầu tháng 4 năm 1953, sau gần hai tháng vất vả, đoàn bè mảng chở xe, pháo của trung đoàn 45 về tới bến Âu Lâu (Yên Bái). Tại đây xe được lắp lại, "cõng" pháo phủ bạt kín chạy thẳng xuống Đoan Hùng, sau đó ngược Tuyên Quang về tập kết ở khu rừng già xã Cẩm Nhân (huyện Yên Bình) tiếp giáp huyện Bắc Mục (Hà Giang).

Ngày 24/4/1953 toàn trung đoàn về tới căn cứ đầy đủ, bí mật, an toàn.

Việc trung đoàn lựu pháo 45 hoàn thành hành quân trở về Tổ quốc là một sự kiện quan trọng. Có thêm một trung đoàn, trang bị lựu pháo 105, được huấn luyện cơ bản, pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam trưởng thành lên một bước mới về tổ chức, trang bị và sức mạnh chiến đấu". (*)

Phạm Ngọc Triển

(*): Trích cuốn "Lịch sử pháo binh QĐND VIệt Nam" (Nhà xuất bản QĐND - 1991)