"Phần lớn mạng xã hội nước ngoài né tránh khi được yêu cầu gỡ tin giả"
(Dân trí) - Trong phần trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM chia sẻ, khi các cơ quan của Việt Nam yêu cầu gỡ tin giả, tin xấu độc, phần lớn các mạng xã hội xuyên biên giới sẽ né tránh.
Sáng 16/7, kỳ họp thứ 17, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, bước vào ngày làm việc thứ hai. Trong buổi sáng, các đại biểu HĐND thành phố thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn đối với ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM, và ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân.
Là người bước lên bục chất vấn đầu tiên, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến công tác chuyển đổi số, vấn đề tin giả, tin xấu độc tràn lan trên mạng, lĩnh vực chuyển đổi số. Các đại biểu HĐND TPHCM mong muốn lãnh đạo sở đưa ra giải pháp cho hàng loạt vấn đề nóng nói trên thời gian tới.
"Chuyển đổi số là quá trình chứ không phải mục tiêu. Thời gian qua, TPHCM đã đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, công tác quản lý báo chí đã ổn định, đi vào nền nếp, các cơ quan báo chí trên địa bàn cũng thể hiện rõ sự năng động, sáng tạo", ông Lâm Đình Thắng phát biểu trước khi các đại biểu đặt câu hỏi.
Ai bảo vệ người dân trên không gian mạng?
Đặt câu hỏi đầu tiên tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Minh Đức mong muốn lãnh đạo Sở TT&TT làm rõ hơn về các giải pháp chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đây là một trong những nội dung nằm trong chủ đề năm 2024 của TPHCM.
"Sở TT&TT cùng các cấp lãnh đạo thành phố có giải pháp gì để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận lợi, dễ dàng hơn, đặc biệt là những người lớn tuổi, người khuyết tật", ông Lê Minh Đức bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Thị Nga cho biết, thời gian qua, các thông tin giả, tin xấu độc, xuất hiện tràn lan trên mạng. Ngoài ra, nhiều thông tin khác còn tạo hiệu ứng đám đông, gây tiêu cực cho xã hội. Vị đại biểu đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở TT&TT về giải pháp để người dân nhận biết đâu là thông tin chính thống.
"Hiện nay, thương mại điện tử ngày càng phát triển, đi kèm với đó là các quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật. Cơ quan quản lý có biện pháp gì để bảo vệ người tiêu dùng?", đại biểu Nguyễn Thị Nga thắc mắc.
Vấn đề liên quan đến tin giả, tin xấu, độc cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu khác tại phiên chất vấn. Thượng tọa Thích Minh Thành đặt vấn đề, hiện tại Sở TT&TT có tham gia hay trực tiếp thực hiện công trình nghiên cứu mang tính xã hội, dài hạn nào để nắm bắt thông tin sai lệch, tin giả để xử lý.
"Nếu có, xin Sở TT&TT cho biết nội dung và chủ đề nào gây nhiễu loạn niềm tin của công chúng cao nhất. Sở có chương trình hay dự án nào nhằm nâng cao năng lực nhận diện thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện truyền thông", vị đại biểu Phật giáo đặt câu hỏi.
Có sự né tránh khi yêu cầu gỡ bỏ tin giả
Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, cho biết, hiện tại, địa phương rất quan tâm đến phát triển dữ liệu chuyên ngành, hồ sơ điện tử của người dân. Điều thành phố hướng tới là các dữ liệu của người dân được tái sử dụng, chỉ cần khai báo một lần.
Đối với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, TPHCM cũng dùng nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ người dân khi có khó khăn, vướng mắc. Các đơn vị đều có lực lượng hỗ trợ người dân, đặc biệt tại bộ phận một cửa, các tổ công nghệ số cộng đồng cũng hoạt động để hỗ trợ người yếu thế, người lớn tuổi, đến từng nhà, từng khu vực.
Đối với vấn đề tin giả, tin sai lệch trên mạng, ông Lâm Đình Thắng cho biết, các thông tin trên mạng Internet hiện nay đến từ 2 nguồn. Đầu tiên là các tổ chức, cá nhân trong nước, có nguồn gốc rõ ràng và được cấp phép; nguồn còn lại là các trang mạng không rõ nguồn gốc, mạng xã hội xuyên biên giới, đặt máy chủ ở nước ngoài.
"Các mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok được người Việt Nam sử dụng nhiều. Đây cũng là các kênh lan truyền tin giả, tin sai lệch chủ yếu trên mạng xã hội", ông Lâm Đình Thắng nhận định.
Giám đốc Sở TT&TT TPHCM cũng chỉ rõ, các nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tin giả, tin xấu độc trên mạng là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Mặc dù người dân đọc tin tức hàng ngày bằng tiếng Việt nhưng máy chủ của họ cũng không đặt trong nước ta.
"Khi các cơ quan của Việt Nam yêu cầu gỡ tin giả, tin xấu, độc thì phần lớn những doanh nghiệp này tìm cách né tránh vì quy định nội bộ của họ. Do đó, tin giả, tin sai lệch vẫn còn nhiều trên mạng", Giám đốc Sở TT&TT chia sẻ.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị, địa phương trong xác định tin giả còn tốn nhiều thời gian và chưa chặt chẽ. Thời gian qua, Sở TT&TT TPHCM đã làm nhiều giải pháp để xử lý nghiêm các vi phạm trên mạng, không chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, TPHCM đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang để xử lý trường hợp phát ngôn không đúng về thành phố. Sở TT&TT cũng phối hợp với Công an thành phố thực hiện giám định tư pháp đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để xử lý.
"Sở TT&TT TPHCM đã đầu tư cho giải pháp ứng dụng công nghệ, trong đó có hệ thống lắng nghe mạng xã hội, tổng hợp thông tin dư luận, phát hiện vi phạm trên không gian mạng. TPHCM cũng đang nghiên cứu thành lập bộ phận xử lý tin giả trên toàn địa bàn, dự kiến đặt tại Trung tâm Báo chí thành phố", ông Lâm Đình Thắng cho hay.
Vừa qua Sở TT&TT TPHCM cũng kiến nghị Bộ TT&TT về giải pháp xử lý các mạng xã hội xuyên biên giới. Trong đó, Bộ TT&TT cần thay đổi thể chế, điều chỉnh các quy định liên quan quản lý thông tin trên mạng.
Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ thay đổi cách thức quản lý theo hướng tất cả tài khoản mạng xã hội phải định danh và chỉ tài khoản đã định danh mới được bình luận. Các mạng xã hội xuyên biên giới phải chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng trong vòng 24h.