1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Phản biện” sôi nổi với dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân

(Dân trí) - Buổi thảo luận tại tổ của đoàn đại biểu TPHCM về dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân sáng nay 24/10, đã thu về rất nhiều ý kiến có “nhiệt”. Các ý kiến đưa ra chủ yếu “xoáy” vào mức khởi đầu phải nộp, cách thức xây dựng mức này và tính công bằng của luật khi đi vào thực hiện...

Không nên có số “chết” trong luật

Là người “nổ pháo” đầu tiên, đại biểu Huỳnh Thành Lập cho rằng, các chi phí cho cuộc sống hiện đang rất cao. Chẳng hạn, người dân mổ xoang, mổ tuyến tiền liệt phải chi trả từ 4-6 triệu đồng. Trẻ em đi học ngoài công lập (ngoài công lập ngày càng mở rộng) từ lớp 1- lớp 8 phải đóng góp 7 trăm ngàn đồng/tháng...

Từ đó, ông đề nghị mức giảm trừ đối với người nộp thuế nên là 6 triệu, chứ không phải 4 triệu như dự thảo, còn mức giảm trừ với người phụ thuộc không nên là 1,6 triệu mà cần phải nâng lên thành 2 triệu.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng đồng tình với quan điểm của đại biểu Lập nêu lên, nhưng theo ông Tùng không nên qui định số “chết” trong luật: Cứ cho là chúng ta tìm ra một mức khởi đầu phải nộp thuế cũng như mức giảm trừ với người phụ thuộc hợp lí, nhưng hai năm nữa, lương tối thiểu tiếp tục tăng, mức đó sẽ không hợp lí. Lúc đó muốn sửa luật sẽ rất khó, cần phải một thời gian mới thực hiện được.

Ông Tùng đề nghị, có thể tính mức phải nộp thuế, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc bằng cách nhân hệ số lương. Chẳng hạn gấp 12 lần và gấp 4 lần lương tối thiểu.

Đại biểu Giao Nhiễu Linh ủng hộ cách tính này của đại biểu Tùng. Tuy nhiên, bà Linh đề nghị mức khởi điểm nộp thuế phải cao hơn dự thảo Luật. Bà Linh đưa ra các tính toán cụ thể để tính tổng số tiền một người sống bình thường phải chi phí trong một tháng là 6 triệu, trong khi người phụ thuộc cũng phải tiêu hết 3 triệu. Từ đó bà Linh đề nghị nên đặt mức phải chịu thuế khoảng từ 8-10 triệu để “khoan sức dân”.

Đại biểu Trần Du Lịch lại “phản biện” đại biểu Tùng: Nếu lấy lương tối thiểu là căn cứ để tính sẽ không ổn vì chúng ta đang thực hiện tăng lương và mỗi năm tăng khoảng 20%. Với mức tăng lương như vậy, những năm tới sẽ có độ vênh nhất định giữa lương và mức khởi đầu phải nộp thuế.

“Không sợ nộp, chỉ sợ không công bằng”

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng ủng hộ việc miễn nộp thuế với chủ doanh nghiệp tư nhân do đối tượng này đã nộp thuế thu nhập như dự thảo luật. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, mức cao nhất của thuế thu nhập cá nhân là 35%, trong khi mức cao nhất của thuế thu nhập doanh nghiệp là 28% - như vậy là không công bằng. Ông đề nghị hoặc phải nâng cái này lên hoặc hạ cái kia xuống.

Một vấn đề được ông Tùng rất bận tâm là áp dụng thuế như thế nào với các hộ kinh doanh cá thể. Chúng ta không thể kiểm soát được thu nhập của các hộ này và lâu nay, một số loại thuế của đối tượng này được thu theo kiểu “thoả thuận”. Tháng này thu 5 triệu, tháng sau người thu “quát” lên 10 triệu, không theo căn cứ nào cả... Ông Tùng cho rằng, nhiều người dân không sợ nộp thuế, chỉ sợ không công bằng.

Ông Nguyễn Huy Cẩn cũng bày tỏ mối lo ngại “không công bằng” mà theo ông nếu luật sớm được ban hành, người chịu thiệt thòi nhất lại là công nhân viên. Theo ông 80% nguồn ủng hộ bão lụt, ủng hộ vùng khó khăn là từ đối tượng này.

Đây cũng là đối tượng mà thu nhập dễ bị kiểm soát, dễ trừ nhất, trong khi rất nhiều đối tượng khác dễ thoát khỏi sự điều chỉnh của luật... Ông kết lại, luật này là để tiếp cận đến sự công bằng, nhưng nếu không cẩn thận khi thực hiện sẽ lại không như vậy.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Trần Đông A vấn đề: Những người nhà nước làm việc bên ngoài chúng ta không thu được thuế. Theo ông, phải làm sao để thu nhập của mỗi người đều phải thể hiện trên giấy, số tiền thu nhập bên ngoài, không thể hiện trên giấy sẽ không tiêu được. Nếu thực hiện được như vậy việc đánh thuế mới có ý nghĩa.

Cần phải thể hiện quan điểm trước khi xây dựng luật là ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch. Cụ thể là có nên xây dựng Việt Nam thành một vùng trũng, với mức thuế thấp hay không? Nếu thực hiện điều này, sẽ tạo ra một môi trường hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp, thu hút chất xám. Số thuế thu được có thể thấp, nhưng không có nghĩa là chúng ta “thất thu”.

Cấn Cường