1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phải xử lý xong sự cố thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa mưa

(Dân trí) - Đó là đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Phước Thanh - trong buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với BQL dự án thủy điện 3 - chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2.

Sáng 18/4, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam gồm Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Sở ban ngành và các chuyên gia đã có chuyến thị sát để kiểm tra công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 sau sự cố rò rỉ nước qua thân đập khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
 
Phải xử lý xong sự cố thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa mưa
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Lê Phước Thanh đi kiểm tra đập thủy điện Sông Tranh 2

Sau khi khảo sát thân đập và đường hầm bên trong thân đập, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã nghe BQL dự án thủy điện 3 báo cáo về quá trình xử lý sự cố gây rò rỉ nước. Ông Trần Văn Hải - Trưởng BQL cho biết, toàn thân đập có 30 khe nhiệt chống giãn nở bê tông nhưng trong đó có 10 khe nhiệt bị sự cố rò rỉ nước khiến nước thấm và tuôn qua thân đập về phía hạ lưu khiến dự luận rất lo lắng.

Theo ông Hải, hiện cao trình nước đang ở mức 155m, lượng nước rò rỉ qua các khe nhiệt đạt mức 75l/s. So với những ngày đầu thì đến nay lượng nước rò rỉ qua thân đập vẫn không hề giảm nhưng đã được xử lý bằng cách thu nước đưa về các đường ống và cho về hạ lưu nên hiện tượng thấm qua thân đập đã giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi tại thân đập còn nhiều dòng nước vẫn đang rò rỉ chảy về hạ lưu, mức độ chảy không còn “phun như mưa” nữa nhưng cũng tạo thành dòng, có thể quan sát rõ bằng mắt thường.
Phải xử lý xong sự cố thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa mưa
Nhiều vị trí trên thân đập nước còn vẫn tuôn ra

Báo cáo với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ông Trần Văn Hải đưa ra phương án xử lý các khe nhiệt bằng cách dán khe nhiệt ở mặt thượng lưu đập bằng tấm “SR” kết hợp với bơm keo Polyurethan để trám kín các khe hở.

“Chúng tôi sẽ xử lý chống thấm trước mùa mưa lũ năm nay. Tuy nhiên, phương án chống thấm này chưa làm ở Việt Nam mà chủ yếu là ở nước ngoài”, ông Hải trình bày.

Sau phần trình bày của ông Hải về phương án xử lý chống rò rỉ và thấm nước qua thân đập, đại diện các Sở ban ngành của Quảng Nam đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh sự cố này. Ông Nguyễn Văn Sỹ - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam hỏi: “Có đối chứng nào không với công nghệ thi công đầm lăn để so sánh với mức rò rỉ của thủy điện Sông Tranh 2?”.

Ông Hải cho biết: Hiện tại ở Việt Nam có một số công trình thủy điện được thi công bằng phương pháp đầm lăn như Sơn La, Bản Vẽ, A Vương…nhưng chưa có tiêu chuẩn quy phạm nào về việc thấm ướt đập đầm lăn để so sánh, chưa có cơ quan nào đưa ra chỉ tiêu này. Việc thấm bao nhiêu còn phụ thuộc vào nhiều thứ như chiều dài, độ cao của đập…

Ông Hải cũng cho rằng độ ổn định của thân đập thì không có vấn đề gì, vấn đề là việc rò rỉ và thấm qua thân đập sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.
 
Phải xử lý xong sự cố thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa mưa
Dưới chân đập, nước rò rỉ chảy thành dòng

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Chánh văn phòng Ban phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi: “Lúc mới bị sự cố, con số nước rò rỉ qua thân đập được BQL công bố là 30l/s, nay cũng BQL công bố lượng nước thấm qua thân đập là 75l/s, vậy mức nào là cho phép đối với đập Sông Tranh 2”.

Ông Tuấn cũng cho biết ở đập thủy điện A Vương (có cùng công nghệ thi công với Sông Tranh 2), mặc dù đập dài bằng khoảng 1/3 so với đập Sông Tranh nhưng lượng nước thấp qua chỉ khoảng 1,3l/s.

Đồng tình với câu hỏi của ông Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My – ông Đặng Phong băn khoăn: Trước đây nước chảy ào ào mà nói là 30l/s, nay nếu nhìn bằng mắt thì thấy nước ít thấm hơn nhưng BQL lại công bố 75l/s thì dân không tin. Vậy theo thiết kế công trình, lượng nước cho phép thấm qua là bao nhiêu để nói cho dân biết.

Sau khi cùng đoàn khảo sát thân đập và trong đường hầm về, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam – ông Nguyễn Thanh Quang lo lắng: "Thu gom nước về một chỗ tôi thật sự chưa yên tâm. Khi xử lý xong có khô bề mặt không, nước còn thấm trên thân đập và trong đường hầm không? Tôi đề nghị nếu sự cố không được khắc phục trước 30/7 thì không cho tích nước".

Còn ông Lê Trí Tập, nguyên là kỹ sư xây dựng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cho rằng trong các loại đập, không được để nước thấm xuống hạ lưu. “Hiện mức nước trong đập đang ở mức 155m mà chảy như thế thì khi tích nước lên cao trình 175m thì sẽ tạo ra áp lực nước thấm và chảy mạnh hơn. Hiện nay không nên tìm ai có lỗi trong việc này mà tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Phương án xử lý đã có, giờ thì nên khẩn trương làm”, ông Tập phát biểu. Ông Tập cũng băn khoăn: Lúc nói nước thấm qua thân là 30l/s, lúc nói 75l/s thì dân biết nghe ai, mà đây là con số do BQL dự án thủy điện 3 cung cấp.

Trả lời các câu hỏi của lãnh đạo các Sở ban ngành tỉnh Quảng Nam, ông Hải khẳng định hiện công tác sửa chữa các sự cố đang được tiến hành. Đối với sự cố trên mặt nước thì thuê chuyên gia trong nước, còn dưới nước thì thuê chuyên gia của nước ngoài vì hiện nay công nghệ xử lý dưới nước ở Việt Nam không ai làm được.

Ông Hải cũng công bố cón số 75l nước rò rỉ trong một giây thì trong đó chỉ có 7% là thấm qua bê tông, còn lại là qua các khe nhiệt. Khi xử lý xong, bề mặt sẽ không còn ẩm ướt, nếu còn ẩm ướt là không đạt. Thời hạn mà BQL đưa ra để xử lý là trước ngày 31/8.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Lê Phước Thanh cho rằng nếu không xử lý sự cố thì không thể an dân. Ông cũng đề nghị xác định nước thấm qua đập ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng và tuổi thọ công trình để thông báo cho dân biết…

“Từ nay đến cuối mùa mưa bão năm nay, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan không khắc phục xong sự cố thì tỉnh sẽ để nghị Chính phủ và Quốc hội không cho tích nước nhằm đảm bảo an toàn”, ông Thanh cho biết.

Công Bính