1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phải thi hành án 600 tỷ nhưng ông Đinh La Thăng chỉ có... 1 nhà chung cư

(Dân trí) - Tại hội nghị triển khai công tác năm 2019 sáng 15/11, ông Lê Xuân Hồng- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội “than thở” việc gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản các đại án lớn. Điển hình như vụ ông Đinh La Thăng và đồng phạm thi hành án 831 tỷ đồng, trong đó riêng ông Thăng là trên 600 tỷ đồng, nhưng tài sản hiện nay chỉ có 1 nhà chung cư.


Tài sản của ông Đinh La Thăng chỉ có 1 nhà chung cư, trong khi phải thi hành án số tiền lên tới hơn 600 tỷ đồng.

Tài sản của ông Đinh La Thăng chỉ có 1 nhà chung cư, trong khi phải thi hành án số tiền lên tới hơn 600 tỷ đồng.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội Lê Xuân Hồng khẳng định, đối với những vụ đại án về kinh tế, tham nhũng, công tác thi hành án đang gặp rất nhiều khó khăn do trước đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử chưa kịp thời kê biên, ngăn chặn tài sản do phạm tội mà có. Đặc biệt, trong bối cảnh đấu tranh phòng chống tham nhũng nên các vụ án ngày càng nhiều.

Lấy ví dụ trong năm 2018, cơ quan chức năng tiếp tục đưa ra xét xử, thi hành án một số vụ án lớn như vụ án Đinh La Thăng, vụ án Hà Văn Thắm, Hứa Thị Phấn… đều có số lượng tiền phải thi hành án, thu hồi từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.

“Đối với những vụ đại án về kinh tế, tham nhũng, công tác thi hành án gặp rất nhiều khó khăn do trước đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử chưa kịp thời kê biên, ngăn chặn tài sản do phạm tội mà có. Ví dụ như vụ ông Đinh La Thăng thi hành án 831 tỉ đồng, trong đó riêng bị cáo Thăng thi hành án trên 600 tỉ đồng nhưng tài sản hiện nay chỉ có 1 nhà chung cư

Hay như vụ Hà Văn Thắm đã kê biên khoảng hơn 300 triệu cổ phiếu nhưng kê biên rồi lại đến lượt thi hành án bán đấu giá. Tuy nhiên bán cổ phiếu thì bán theo kênh thế nào, bán theo thỏa thuận hay khớp lệnh nên lại phải đề nghị hướng dẫn dẫn đến mất thời gian thi hành. Vậy chúng ta chỉ sơ xuất là thất thoát tài sản ngay”-ông Hồng dẫn chứng.

Ông Hồng đề nghị, trong các vụ đại án hình sự về kinh tế, tham nhũng thì các quy định cần chặt chẽ hơn nữa bởi các đối tượng là người có chức vụ khiến vụ việc có tính chất phức tạp hơn các vụ án dân sự thông thường. “Các hành vi tẩu tán tài sản phức tạp hơn, trong khi pháp luật hiện tại ở đâu đó còn chưa hoàn thiện” - ông Hồng phân tích.

Hơn nữa, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu làm tốt công tác ngăn chặn, kê biên, phong tỏa thì cơ hội thu hồi lại tài sản thất thoát sẽ lớn hơn. Thời gian vừa qua, một số vụ việc chưa được xử lý kịp thời nên khả năng thu hồi gặp nhiều khó khăn, số lượng tài sản thu hồi được rất ít.

Cục trưởng Thi hành án dân sự Hà Nội đề nghị Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo phối hợp giữa các ban ngành vì các vụ đại án thường liên quan đến nhiều địa phương, tạo cơ hội tốt hơn khi thu hồi tài sản. Các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ trong việc ngăn chặn tẩu tán tài sản ngay từ thời điểm ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi khi thi hành án, tránh mất thời gian.

Thế Kha - Nguyễn Trường