"Phải nhớ rõ các bài học từ sự thiếu gương mẫu, buông lỏng quản lý"
(Dân trí) - Rà soát án tín dụng, ngân hàng, khắc phục tình trạng chậm bán đấu giá tài sản. Nếu xảy ra tiêu cực, vi phạm, Cục trưởng, Chi cục trưởng thi hành án phải chịu trách nhiệm.
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng qua, ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, số lượng việc phải thi hành có giảm không đáng kể nhưng lượng tiền phải thi hành vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 10,9%).
Tuy nhiên các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để duy trì kết quả tổ chức thi hành án tương đương cùng kỳ năm 2020. Số việc thi hành án hành chính xong tăng so với cùng kỳ năm 2020; kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống ngày càng được tăng cường.
Ông Lê Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, chỉ ra một số giải pháp thực hiện các chỉ tiêu tại cơ quan này như: tăng cường đôn đốc, tổ chức thi hành án; thành lập tổ rà soát vụ án tín dụng, vụ án kinh tế tham nhũng; phân chỉ tiêu cho các chấp hành viên cụ thể theo từng tháng; tập trung, quyết liệt, phối hợp với Tòa án trong xử lý đối với những vụ việc có giá trị lớn.
Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý sai phạm, sai sót trong thi hành án, chấn chỉnh công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo và kiện toàn công tác tổ chức cán bộ…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc đặc thù trong công tác thi hành án dân sự nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: Sự phối hợp, điều hành trong hệ thống có lúc còn thiếu nhịp nhàng; chất lượng, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ vẫn còn chưa đạt yêu cầu; công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ còn chậm…
Ông Khôi dự báo từ nay đến hết năm 2021, công tác thi hành án dân sự sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức với nhiều vụ việc phải thi hành giá trị lớn, tính chất pháp lý ngày càng phức tạp; phát sinh nhiều vấn đề mới như xử lý tài sản là cổ phần, cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai. Nhiều vụ việc giá trị thi hành lên đến hàng trăm tỷ đồng, phát sinh tranh chấp giữa các doanh nghiệp…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu toàn hệ thống bám sát phương châm hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 là "đoàn kết, thống nhất, liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, hành động thiết thực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm"…
Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục và thủ trưởng cơ quan thi hành án các cấp phải phát huy hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu đơn vị trong công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án.
"Tổng cục phải làm gương và chỗ dựa cho các Cục Thi hành án dân sự, các Cục Thi hành án phải làm gương cho các Chi cục Thi hành án. Đồng thời chúng ta phải nhớ rõ các bài học rút ra từ sự thiếu gương mẫu, buông lỏng trong quản lý"- Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh.
Ông Khôi cũng yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cần tập trung rà soát các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác, thi hành hiệu quả án kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát; nhất là thực hiện các kết luận, kiến nghị của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Tiến hành rà soát án tín dụng, ngân hàng, khắc phục tình trạng chậm bán đấu giá tài sản, tài sản bán nhiều lần không thành, bán thành nhưng không giao được, ảnh hưởng tới kết quả thi hành án. Nếu để xảy ra tiêu cực, vi phạm trong công tác này, các Cục trưởng, Chi cục trưởng phải chịu trách nhiệm.