1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Phá trại lợn, đánh công nhân để... phản đối ô nhiễm

(Dân trí) - Hàng chục hộ dân đã kéo đến trại lợn của Công ty CPSXDV&TM Đô Thành (Công ty Đô Thành) ở xóm 6B, Tiến Thành, Yên Thành, Nghệ An để đập phá, hành hung công nhân. Nguyên nhân là do trại lợn gây ô nhiễm môi trường quá nghiêm trọng.

Phá trại lợn, đánh công nhân để... phản đối ô nhiễm - 1
Đập Bàn Vàng nằm ngay dưới trại lợn của Công ty Đô Thành
 
Trong báo cáo kết luận quan trắc môi trường nói rõ: Chất lượng môi trường không khí và nước tại trại lợn của Công ty Đô Thành đều gây ô nhiễm môi trường; trong đó nước thải được lấy tại hồ xử lý có các thông số đều vượt ngưỡng quy định.
 
Đột nhập trại lợn lúc nửa đêm

Khoảng 22-23h đêm 5/11/2011, hàng chục người dân thuộc xóm 6B, xã Tiến Thành đã kéo lên trang trại nuôi lợn của Công ty Đô Thành (do anh Nguyễn Văn Thành làm giám đốc) yêu cầu bảo vệ của đơn vị này mở van xả nước thải xuống đập Bàn Vàng.

Sau khi đột nhập vào trong khuôn viên trang trại, nhóm người này yêu cầu ông bảo vệ tên Chiến mở van xả thải nhưng ông này không làm nên đã bị một số thanh niên dùng gậy đánh vào lưng. Thấy ông Chiến bị đánh, ông Hiền là cán bộ kỹ thuật chạy lại can ngăn liền bị người dân bê ném xuống hố phân lợn 2 lần.
 
Phá trại lợn, đánh công nhân để... phản đối ô nhiễm - 2
Một cống nước thải từ công ty Đô Thành thải ra ngoài.

Sau khi sự việc xảy ra, chủ trang trại nhanh chóng báo cáo lên các cơ quan chức năng để xin can thiệp. Tuy nhiên, theo một cán bộ của CA huyện Yên Thành thì mặc dù họ cố gắng liên lạc với xóm trưởng, bí thư chi bộ xóm 6B; lãnh đạo xã Tiến Thành nhưng đều không có ai nghe máy hoặc không liên lạc được.

Còn ông Trần Đình Cẩm, Trưởng Công an xã Tiến Thành cho biết, nhận được thông tin người dân kéo vào đập phá trại lợn vào lúc 0 giờ ngày 6/11, công an và chính quyền địa phương có mặt tại hiện trường để can ngăn và tiến hành lập biên bản hiện trường, giải tán đám đông. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ bị tấn công, trại lợn bị thiệt hại một số cơ sở vật chất như quạt gió, kính cửa, tường rào và 1 số con lợn con bị đánh chết... Ước tính thiệt hại gần 200 triệu đồng.

Phá trại lợn, đánh công nhân để... phản đối ô nhiễm - 3
Biên bản làm việc của Phòng tài nguyên môi trường huyện Yên Thành với xã Tiến Thành về việc trại lợn Đô Thành gây ô nhiễm
 
Cảnh sát điều CA huyện Yên Thành cũng đã triệu tập một số đối tượng quá khích để lấy lời khai. Trong số 6-7 người bị triệu tập đều thừa nhận có vào trại lợn của Công ty Đô Thành hành hung người, đập phá tài sản. Họ  lý giải nguyên nhân là do trại lợn này gây ô nhiễm kinh hoàng. CQĐT CA huyện Yên Thành đã yêu cầu các đối tượng viết bản tường trình và bản tự kiểm điểm về hành vi gây rối nêu trên.

Lỗi tại trại lợn?

Trong hai ngày 17-18/11, chúng tôi có mặt tại xóm 6B, lúc này trại lợn Công ty Đô Thành khá yên ắng. Tuy nhiên người dân ở đây vẫn tỏ ra hết sức bức xúc vì họ cho rằng trại lợn ở ngay thượng nguồn đập Bàn Vàng, xả phân lợn, nước thải trực tiếp xuống đập mà không xử lý nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Theo quan sát của PV, đúng là trại lợn nằm ngay phía trên con đập này, ngay sát với mặt đập là một hố chứa chất thải của trại lợn rộng hàng trăm m3 nước có màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Phía dưới hồ chứa có một rãnh nước được trại lợn này hay xả tràn xuống đập Bàn Vàng, xung quanh vẫn còn đọng lại màu đen đặc quánh.
Phá trại lợn, đánh công nhân để... phản đối ô nhiễm - 4
Người dân xóm 6A và 6B họp để bày tỏ sự bức xúc vì phải sống trong ô nhiễm

Gia đình anh Nguyễn Văn Thành sát trại lợn thường xuyên được ngửi mùi hôi thối tỏ ra bức xúc: “Trước chúng tôi sống ở đây không khí trong lành lắm, nước đập Bàn Vàng trong vắt, giếng nước dùng bao đời vẫn nước vẫn ngọt... Tuy nhiên, kể từ khi có trại lợn Đô Thành về đây làm cho bà con chúng tôi sống trong cảnh ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối bao vây khu dân cư, nhất là vào buổi sáng sớm và buổi chiều tối. Ô nhiễm đến thế này người lớn như chúng tôi cũng không chịu nổi, nói chi đến trẻ con”.

Phá trại lợn, đánh công nhân để... phản đối ô nhiễm - 5
Hố nước thải và đập Bàn Vàng chỉ cách nhau 1 bờ đất được đắp sơ sài, thi thoảng vẫn bị chủ trại lợn xả xuống đập

Bà Phạm Thị Thôn, Chi hội Phụ nữ xóm 6B bảo: “Chuyện trại lợn của anh Thành xả nước thải, gây ô nhiễm môi trường chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên 7-8 lần rồi nhưng đều không có kết quả. Vừa rồi dân bức xúc kéo lên gây sức ép là do các cơ quan chức năng không có biện pháp can thiệp kịp thời. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng phải kiên quyết yêu cầu đơn vị này hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường, khắc phục hậu quả ô nhiễm và trả lại môi trường trong lành cho người dân chúng tôi. Các anh có ở, có sống chung với chúng tôi thì mới biết được tình trạng ô nhiễm do trại lợn này gây ra là vô cùng nghiêm trọng”.

Ông Trần Đình Cẩm, trưởng CA xã Tiến Thành cho biết, trại lợn của anh Thành được cấp phép từ năm 2009 nhưng họ chỉ mới tiến hành sản xuất vào khoảng tháng 4/2011 với khoảng trên dưới 1.000 con lợn. Từ khi đơn vị này đi vào hoạt động thì đập Bàn Vàng từ nước sạch, trong vắt đã chuyển thành màu đục, mùi hôi thối... Việc trại lợn gây ô nhiễm xã cũng đã kiểm tra nhắc nhở nhiều lần và đã bị phạt 2 triệu đồng do gây ô nhiễm, tuy nhiên tình hình vẫn không được cải thiện.
Phá trại lợn, đánh công nhân để... phản đối ô nhiễm - 6
Hồ chứa nước thải bốc mùi hôi thối...

Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: “Việc công ty Đô Thành gây ô nhiễm chúng tôi đã nhiều lần giải quyết. Trước đây yêu cầu họ hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải phải trước ngày 15/9/2011 nhưng do thời gian qua mưa bão nên họ chưa kịp làm. Chúng tôi đang yêu cầu công ty đầu tư hệ thống đường ống dẫn chảy qua đập Bàn Vàng và làm hố bioga để tránh ô nhiễm hồ đập này”.

Còn ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Công ty Đô Thành lại thừa nhận: “Việc xử lý chất thải lợn bằng công nghệ bioga là không hiệu quả vì nước thải ra lúc đầu rất trong nhưng sau đó lại chuyển thành màu đen, như thế vẫn có mùi hôi, vẫn ô nhiễm”.

Nói về hướng khắc phục, ông Thành trả lời nửa vời: “Phải làm chứ, không làm thì chuyển trại đi chỗ khác à? Nhưng cũng phải mất hơn 1 tháng nữa nếu dân cho tháo hố chứa chất thải hiện tại có thể tích khoảng 10.000m3 xuống đập Bàn Vàng thì mới có mặt bằng để xây”(?!).

Cách trả lời lửng lơ của doanh nghiệp chắc chắn sẽ khiến người dân càng bức xúc, từ đây dẫn đến những hành vi quá khích đáng tiếc, gây hậu quả không đáng có.

Nguyễn Duy - Vi Lang