Phá cảnh “chạy”… hộ nghèo bằng cách cắt những hỗ trợ cho không
(Dân trí) - Xác nhận có tình trạng “chạy” tiêu chuẩn hộ nghèo, quyết tâm bám trụ ở diện hộ nghèo để tiếp tục được nhận ưu đãi của nhà nước, Bộ trưởng LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nêu giải pháp cắt những chính sách hỗ trợ kiểu cho không, xây dựng chuẩn nghèo đa chiều để bình xét…
Nữ Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH giải đáp những thắc mắc của dân.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền là thành viên Chính phủ tham gia chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 12/10 – đúng dịp tháng 10 được chọn là “tháng vì người nghèo”.
Nữ Bộ trưởng nhận được nhiều thắc mắc, phản ánh bức xúc của người dân về việc bình xét hộ nghèo theo cách xoay vòng (tức là nhà này được thì năm sau nhường nhà khác không kể gia đình có điều kiện thế nào).
“Làm sao lại luân phiên, cào bằng như vậy trong khi một số hộ có của ăn của để lại được đưa vào diện hộ nghèo, trong khi những hộ nghèo như chúng tôi lại không được xét” – một người dân nghèo đặt câu hỏi với Bộ trưởng LĐ,TB&XH.
Bà Chuyền giải thích, quy định 21 của Bộ LĐ,TB&XH về rà soát hộ nghèo nêu rõ từng cơ sở, thôn, bản phải xác lập danh sách hộ nghèo, trên cơ sở đó có bình xét với sự tham gia của, cấp ủy, các tổ chức đoàn thể sau đó công khai. Làm xoay vòng hộ nghèo, bà Chuyền khẳng định, là hoàn toàn trái quy định của nhà nước, dứt khoát phải xem xét, rà soát lại cho phù hợp.
Một biểu hiện khác ở địa phương là áp tiêu chỉ tiêu hộ nghèo dẫn đến tình trạng xóm hơn 100 hộ, gần 40% thuộc diện nghèo nhưng xã chỉ cho chỉ tiêu 11-13% vì nếu nhiều dân nghèo quá lại ảnh hưởng đến thành tích.
Nghiêm giọng, Bộ trưởng LĐ,TB&XH nhấn mạnh: “Làm như vậy là trái với chính sách tốt đẹp vì người nghèo của nhà nước. Nguyên tắc là việc bình xét không vì thành tích, tỉ lệ mà phải thực chất trên thực tế số hộ nghèo đến đâu, nếu địa phương ấn định tỉ lệ và áp xuống dưới là trái với hướng dẫn, dứt khoát không được công nhận”.
Bà Chuyền đề nghị các cấp chính quyền tăng cường kiểm tra cấp dưới, cần thiết thì huỷ kết quả bình xét xét để đảm bảo đối tượng người nghèo được hưởng đúng chế độ, dẫu có tỉ lệ lên 16-17%. Thực tế, nữ Bộ trưởng cho biết, có những nơi, tỷ lệ hộ nghèo lên đến 30-40% thì vẫn nằm trong diện nghèo theo của Nhà nước quy định.
Bộ LĐ,TB&XH thời gian qua cũng có nhiều cuộc thanh tra, ra văn bản yêu cầu địa phương phải làm đúng quy định, rà soát, bình xét lại.
Đề cập đến một “biến thể” khác trong thực hiện chính sách giảm nghèo là phong trào “chạy đua” bình xét hộ nghèo, không ít hộ dân có từ tưởng không muốn thoát nghèo, quyết tâm “bám trụ” ở diện hộ nghèo để tiếp tục nhận ưu đãi của nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền xác nhận đã nhận nhiều phản ánh ở các địa phương về việc “chạy”… hộ nghèo này.
Giải pháp chặn việc “chạy” tiêu chuẩn được xác định là cắt giảm dần các chính sách cho không trực tiếp trong tương lai, hướng đến việc hỗ trợ giúp người dân vay vốn, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay cho con em đi học…
Ngoài ra, bắt đầu từ 2016, tiêu chí về hộ nghèo chỉ tính trên phần thu nhập cũng sẽ không phù hợp. Bộ LĐ,TB&XH đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu chuẩn nghèo đa chiều và đang xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân, địa phương để làm cơ sở xác định chuẩn nghèo đa chiều và áp dụng trong giai đoạn 2016-2020.
Chuẩn nghèo đa chiều gồm có nghèo về thu nhập, nghèo về thụ hưởng an sinh xã hội (y tế, giáo dục, nhà ở)… thay vì chỉ dựa trên yếu tố thu nhập. Trên cơ sở đó, có đối tượng sẽ được hỗ trợ để tăng thu nhập ngay nhưng có đối tượng hỗ trợ để cải thiện về y tế hay nhà ở.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ,TB&XH cũng chủ trương thiết kế tăng chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo để tránh cảnh nỗ lực vươn lên, vừa thoát nghèo là mọi trợ giúp gần như không còn vì chuẩn nghèo và cận nghèo không chênh lệch đáng kể, người dân ra khỏi diện nghèo vẫn chưa phải là ổn định và có thể quay trở về diện nghèo bất cứ khi nào.
Bộ trưởng Hải Chuyền cũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo các phương phải nghiêm túc trong việc xem xét, đánh giá triển khai các chính sách giảm nghèo và đảm bảo thực chất. Những trường hợp làm không đúng phải xem xét trách nhiệm cụ thể.
Về bất cập trong việc không phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho các bà mẹ có chồng và 1 con trai hy sinh trong kháng chiến mà tái giá, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thông tin, ngày 10/10 vừa qua, LĐ,TB&XH Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ đã có thông tư liên tịch hướng dẫn triển khai thực hiện. “Trên cơ sở thông tư này các trường hợp nêu trên sẽ được xem xét giải quyết. Việc này dẫu có muộn nhưng rất thiết thực, là việc làm đầy trách nhiệm đối với những người đã cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước” – bà Chuyền nói. |
P.Thảo