Ông Trương Vĩnh Trọng và câu chuyện "cấm cán bộ chơi tennis"
(Dân trí) - Giữa đỉnh lũ, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Trương Vĩnh Trọng thấy một số cán bộ đi đánh tennis. Đến cuộc họp, ông chỉ đạo cán bộ không đánh tennis để chia sẻ với người dân và cùng nhân dân chống lũ.
Lũ đến, cấm cán bộ chơi tennis…
Nén lại niềm tiếc thương khi hay tin ông Trương Vĩnh Trọng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban nội chính Trung ương từ trần vào sáng 19/2, ông Huỳnh Minh Đoàn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (6/2001 - 10/2010) chia sẻ với PV Dân trí về những kỷ niệm khó quên khi ông Trọng làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp từ 8/2000 đến tháng 6/2001.
Theo ông Đoàn, tháng 8/2000, ông Trương Vĩnh Trọng được Trung ương điều vào làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (ông Đoàn giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy). Vừa đến Đồng Tháp nhận nhiệm vụ, ông bắt tay ngay vào công tác chỉnh đốn cán bộ, lề lối làm việc và xốc lại tinh thần của cán bộ sau những vụ lùm xùm về án kinh tế.
Ông Đoàn kể, tại một cuộc họp với UBND tỉnh, lịch họp là 7h30 nhưng đến 8h, 9h vẫn còn vài giám đốc Sở đến họp. Khi đó, ông Trương Vĩnh Trọng chỉnh đốn ngay việc đi muộn của các giám đốc sở, đồng thời ông chỉ đạo dừng họp, ngày mai họp tiếp. Buổi họp sáng hôm sau và những buổi họp tiếp theo không còn cán bộ nào đi muộn.
"Bản thân anh Bí thư Trương Vĩnh Trọng luôn gương mẫu trong việc tiếp dân và đi cơ sở. Anh không phân công cán bộ khác mà ngồi đó nghe dân nói. Anh làm việc quên mình, một ngày anh bắt đầu làm việc từ sáng sớm và kết thúc tầm 19h - 20h; không kể thứ bảy, chủ nhật. Miễn cán bộ, người dân có việc thì đăng ký, anh sẵn sàng tiếp đón" - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Huỳnh Minh Đoàn kể lại.
Theo ông Đoàn, một "sự cố" mà đến bây giờ nhiều cán bộ, lãnh đạo Đồng Tháp còn nhớ mãi là việc ông Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo cấm cán bộ chơi tennis. Việc này rất hợp lòng dân và được nhiều cán bộ, đảng viên tán thành.
"Sau những cuộc họp Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cán bộ tập trung cùng dân ứng phó với trận lũ lịch sử năm 2000. Tuy nhiên, một số cán bộ có thói quen chơi tennis vào ban đêm. Sau khi Bí thư Tỉnh ủy Trương Vĩnh Trọng đi thực tế việc này, sáng hôm sau anh triệu tập cuộc họp và nói: "Người dân đang căng mình chống lũ, nhiều gia đình gặp khó khăn về nơi ở, cái ăn, thậm chí nguy hiểm tính mạng mà cán bộ ta còn chơi tennis được sao?". Sau đó, anh Trương Vĩnh Trọng cấm cán bộ trong tỉnh chơi tennis cho đến khi nào lũ rút" - ông Huỳnh Minh Đoàn kể.
Một nhân cách lớn trọng nghĩa tình!
Ông Trương Vĩnh Trọng có hơn 10 tháng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhưng hơn 130 xã, phường, thị trấn ở Đồng Tháp hầu như đều có dấu chân ông. Đặc biệt, những địa phương có nhiều người dân khiếu nại hay chưa thông chủ trương chính sách của Đảng là ông dành nhiều thời gian xuống cơ sở để lắng nghe ý kiến nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Dương - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, vào năm 2000, ông giữ chức Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh. Khi đó, bản thân ông cũng như nhiều lãnh đạo huyện thị khác rất "ngán ngại" ông Bí thư Tỉnh ủy vì ông đi cơ sở nhiều; luôn sâu sát với anh em cán bộ và nhân dân. Mặc dù anh em cán bộ hơi "sợ" nhưng trong lòng rất kính nể và trân quý nhân cách của Bí thư Tỉnh ủy Trương Vĩnh Trọng.
Riêng ông Huỳnh Minh Đoàn rất nể phục tâm đức của ông Trương Vĩnh Trọng. Trong ký ức của ông Đoàn, ông Trọng với sai phạm rất nghiêm khắc, với cán bộ luôn hòa nhã, với dân thì hết lòng phục vụ.
"Sau khi kết thúc Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ 6 (năm 2001), có một lãnh đạo rớt Ban chấp hành. Dù lũ lụt, đường xá khó đi nhưng Bí thư Trọng vẫn xắn quần đến thăm hỏi, động viên cán bộ này. Còn khi anh Trương Vĩnh Trọng về Trung ương, tôi mang quà biếu ra thăm, anh vui vẻ nhận nhưng sau đó về Đồng Tháp anh mang phần quà tôi biếu lì xì hết cho cán bộ văn phòng. Anh còn nói: "Của dân hãy trả lại cho dân" - ông Đoàn kể.
Theo ông Đoàn, những ngày tháng ở Đồng Tháp, cuộc sống ông Trương Vĩnh Trọng rất giản dị và luôn quan tâm đến đời sống cán bộ. Khi có quà biếu của dân như: cá, tôm, vịt, gà… ông Trọng đều phân đều cho tổ lái xe và bảo vệ, thỉnh thoảng ông Vĩnh Trọng còn ăn cơm chung với anh em lái xe, bảo vệ.
Một dấu ấn khó phai trong lòng người dân, cán bộ Đồng Tháp đối với cố Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Trương Vĩnh Trọng là sự quan tâm đặc biệt đối với những lão thành cách mạng và lãnh đạo về hưu. Nghĩa tình ấy được ông Trương Vĩnh Trọng giữ mãi khi về Trung ương. Bởi thế, mỗi lần có chuyển công tác về Đồng Tháp là ông Trương Vĩnh Trọng đến thăm các cụ hoặc gửi quà biếu, có khi chỉ là trái bưởi, cái khăn choàng cho các cụ khi gió lạnh trở mùa.
"Anh Trương Vĩnh Trọng làm Bí thư Tỉnh ủy trong thời gian rất ngắn, nhưng anh đã xông pha hầu hết các xã phường trong tỉnh. Anh gặp mặt, giải quyết cơ bản mọi bức xúc của cán bộ và người dân, trực diện đột phá những yếu kém, lập lại trật tự kỷ luật, kỷ cương trong Đảng bộ; thiết lập và đổi mới lề lối làm việc khoa học, phát huy tốt dân chủ nhưng ràng buộc trách nhiệm từng thành viên lãnh đạo… Tôi thấy anh Trương Vĩnh Trọng đậm tố chất của một nhà lãnh đạo trong sạch, giản dị, kiên trung với Đảng và đầy ấp tinh thần yêu nước, thương dân" - ông Huỳnh Minh Đoàn.