Ông Phan Văn Mãi: Quyết liệt xin chủ trương cao tốc TPHCM - Mộc Bài
(Dân trí) - Cao tốc TPHCM - Mộc Bài với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng bằng hình thức BOT dự kiến được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 5.
TPHCM đã hoàn tất hồ sơ và trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Dự kiến, trong tuần sau, dự án được thông qua chủ trương thực hiện theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Nội dung được ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông), báo cáo tại phiên họp về tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và bàn về nhiệm vụ trọng tâm cho tháng 5, diễn ra vào chiều 3/5.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM cũng lưu ý đây là một trong những dự án trọng điểm của TPHCM, có ý nghĩa liên kết vùng để phát triển kinh tế, xã hội. Ông đề nghị các đơn vị tiếp tục đeo bám, quyết liệt xin chủ trương dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài trong tháng này.
"Theo thông tin TP đang nắm, Thủ tướng sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong tuần tới. Đúng ra, dự án đã phải được phê duyệt chủ trương từ tháng 4/2023. Nhưng sau một năm chúng ta vẫn chưa hoàn thành, đây là sự chậm trễ đáng tiếc", Chủ tịch Phan Văn Mãi nói và lưu ý TPHCM phải bám sát cột mốc này để kịp khởi công dự án vào tháng 4/2025.
Dự kiến, sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong tháng 5, dự án tiếp tục được phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Từ tháng 10/2024 đến tháng 10/2025, các địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến, tháng 5/2025 khởi công dự án, hoàn thành, thông xe vào tháng 12/2027.
Vừa qua, TPHCM và Tây Ninh phối hợp hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hiện trình hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định trước khi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Bước tiếp theo, Ban Giao thông và các sở ngành của TPHCM sẽ phối hợp với tỉnh Tây Ninh làm các bước tiếp theo cho dự án thành phần giải phóng mặt bằng và xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc, cầu trong nút giao.
Cao tốc TPHCM - Mộc Bài dài khoảng 50km, trong đó đoạn qua địa bàn TPHCM dài 23,7km, đoạn qua Tây Ninh dài 26,3km. Điểm đầu dự án bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TPHCM, đi song song và cách quốc lộ 22 hiện hữu khoảng 3km đến 5km; điểm cuối đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Tổng mức đầu tư dự án (bao gồm lãi vay) là 19.886 tỷ đồng. Cơ cấu vốn bao gồm các chi phí như xây dựng và thiết bị 9.387 tỷ đồng; 6.900 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm dự phòng). Chi phí dự phòng khối lượng xây lắp, thiết bị, trượt giá 1.614 tỷ đồng; lãi vay trong quá trình xây dựng 1.281 tỷ đồng...
Về cơ cấu tài chính, vốn Nhà nước tham gia 9.943 tỷ đồng, tương đương 50% tổng mức đầu tư. Vốn ngân sách sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng... Vốn nhà đầu tư 9.943 tỷ đồng, tương đương 50% tổng mức đầu tư dự án.
Dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư - hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Thời gian hoàn vốn 14 năm 10 tháng.
Hiện tại, tuyến đường xuyên Á (quốc lộ 22) là tuyến quốc lộ duy nhất nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Vì vậy, cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ giúp rút ngắn thời gian đến và đi TPHCM, đồng thời sẽ phát huy lợi thế liên kết với các quốc lộ 1, 22, 22B, đường Hồ Chí Minh. Từ đó hình thành hành lang phát triển kinh tế, kết nối trung tâm kinh tế khu vực phía Nam, cửa khẩu với khu vực ASEAN gồm Bangkok - PhnomPenh - TPHCM.
Giai đoạn 1: Cao tốc TPHCM - Mộc Bài đầu tư đoạn TPHCM đến Trảng Bàng (đường tỉnh 787B) với 4 làn xe cao tốc hạn chế, rộng 17-20m; đoạn qua tỉnh Tây Ninh (từ Trảng Bàng đến cuối tuyến) có 4 làn xe cao tốc hạn chế, rộng 17,5m.
Giai đoạn hoàn thiện: Mở rộng đoạn qua TPHCM lên 8 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, rộng 42m; đoạn qua tỉnh Tây Ninh mở rộng thành 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, rộng 34,5m.
Với các đoạn cao tốc đi qua các khu dân cư hiện hữu sẽ bố trí đường gom dân sinh một bên hoặc hai bên, quy mô 1 làn xe rộng 3,5m.