1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ông Nam Sơn lại lên làm phó giám đốc Bến xe Miền Đông

Vừa <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/6/122457.vip">bị cách chức giám đốc </a>tuần trước, tuần này, ông Nguyễn Nam Sơn lại được cất nhắc làm Phó giám đốc phụ trách tổ chức, tài vụ của Bến xe Miền Đông.

Chuyện có một không hai này được công bố tại cuộc họp đột xuất giữa lãnh đạo cơ quan chủ quản - Tổng Công ty Samco - với Đảng ủy Bến xe Miền Đông hôm 12/6.

 

Tại cuộc họp, ông Phạm Quốc Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Samco, đã công bố các quyết định của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Samco về việc phân công lãnh đạo mới cho Bến xe Miền Đông. Theo đó, ông Phạm Quốc Tài được giao kiêm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Bến xe Miền Đông. Các phó giám đốc gồm: Nguyễn Nam Sơn phụ trách tổ chức - tài vụ; Nguyễn Tấn Vũ, phụ trách bảo vệ; Nguyễn Duy Long, phụ trách dịch vụ - duy tu và Bùi Văn Nhiên - nguyên là Đội phó đội xe… về giữ chức Phó Giám đốc phụ trách Phòng vé và Phòng điều độ.

 

Như vậy, sau hàng loạt sai phạm trong 2 năm 2005 - 2006, ông Nguyễn Nam Sơn đã bị cả thảy 3 lần cảnh cáo (cả về Đảng và chính quyền), một lần bị cách chức giám đốc. Sau những hình thức kỷ luật đó, “ông trời con” này lại được đưa trở lại vị trí quan trọng phụ trách tổ chức và tài vụ của bến xe.

 

Vào đầu năm 2005, trước hàng loạt bê bối, tệ tham nhũng lộng hành ở Bến xe Miền Đông, khi kiểm tra những sai phạm, tiêu cực ở bến xe mà báo nêu là có cơ sở, Tổng Công ty Samco đã tiến hành kiểm điểm lãnh đạo bến xe. Lúc này, ông Nguyễn Nam Sơn (đang đương chức Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Bến xe Miền Đông) bị kỷ luật “cảnh cáo” cả về Đảng và chính quyền. Nhận liền một lúc 2 án kỷ luật nhưng với ông Sơn, đó chỉ là “chuyện nhỏ”.

 

Ông Nam Sơn đã tự cho mình một thứ quyền lực lớn hơn tất cả. Ông ta đã thẳng tay “nghiêm trị” những ai không chung phe cánh với mình. Vào thời điểm giữa năm 2005 đến đầu năm 2006, hàng loạt đơn thư tố cáo những hành vi tham nhũng của ông Nam Sơn và một số cán bộ chủ chốt ở Bến xe Miền Đông lại được gửi đi khắp nơi. Không phải Samco không biết chuyện này, nhưng quan điểm của cơ quan chủ quản là “xử lý nội bộ” nên cái “u nhọt” ở Bến xe Miền Đông ngày càng lan rộng.

 

Để mở rộng địa bàn “tận thu” và tạo thêm thanh thế, ông Nam Sơn vừa lấy uy Bí thư Đảng ủy vừa lấy quyền là Giám đốc Bến xe, ra tay chỉ huy quyết tất cả mọi việc của bến xe. Nguồn thu nhập từ các dịch vụ phía trong, ngoài bến xe đều chảy vào túi riêng của gia đình Giám đốc cũng như vài đệ tử thân tín…

 

Về những chuyện này, chính ông Chủ tịch HĐQT Samco cũng phải thừa nhận: “Biết vậy nhưng để có bằng chứng xử lý anh ta là khó lắm… Nhất là việc điều anh ta ra khỏi bến xe lại càng khó khăn hơn…”

 

Việc HĐQT Tổng Công ty Samco ra các quyết định xử lý ông Nam Sơn vừa qua có thể chỉ là một chiêu lừa dư luận. Tuy nhiên vì sao lãnh đạo Tổng Công ty Samco không thể đưa ông Nam Sơn khỏi Bến xe Miền Đông, câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ.

 

Những sai phạm nghiêm trọng của

ông Nguyễn Nam Sơn

 

Ngay sau khi được điều về nhận chức Giám đốc Bến xe Miền Đông (tháng 5/2003), ông Nam Sơn đã cho tất cả những người thân quen trong gia đình và cả “chiến hữu” từng bị kỷ luật ở đơn vị cũ (gần 30 người) ngồi vào những vị trí “màu mỡ” nhất ở Bến xe Miền Đông.

 

Khi đã có đủ lực lượng chiếm giữ các vị trí quan trọng trong bến xe, ông Nam Sơn cho “đấu thầu” nội bộ tất cả những dịch vụ béo bở trong bến xe, thu về cho cá nhân, gia đình ông mỗi tháng vài trăm triệu đồng.

 

Liên kết với doanh nghiệp Đông Hưng, tuyển con trai chủ doanh nghiệp này từ anh lơ xe, không hộ khẩu ở TPHCM về Phòng điều độ để độc quyền tuyến xe khách Sài Gòn - Phan Rí, gây bất bình cho rất nhiều chủ xe.

 

Bỏ qua tất cả những nguyên tắc về công tác cán bộ, tự ý đề bạt những người không đủ tiêu chuẩn vào các phòng, ban, gây chia rẽ nội bộ, và có thái độ trù dập những người không cùng phe cánh với mình.

 

Trong hơn 3 năm qua, ông Nam Sơn đã chỉ đạo cho Phòng dịch vụ tận thu từ các nguồn dịch vụ nhiều tỷ đồng, lập quỹ đen, chi tiêu sai nguyên tắc, tự in phiếu thu với nhiều mệnh giá khác nhau để thu phí không thông qua hệ thống tài chính kế toán của bến xe.

 

Không chấp hành quy định của luật Trật tự giao thông, tự ý lập chốt chặn bắt xe dọc đường. Hậu quả là anh Huỳnh Văn Liêm đã bị xe cán chết trên đường đuổi bắt xe.

 

Theo Nhóm PV Kinh tế

Công An Nhân Dân