Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nêu cách thu hút kiều bào về Việt Nam làm ăn

Hà Mỹ

(Dân trí) - Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa để các bạn trẻ kiều bào được thuận lợi trong việc xin quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước…

Sáng 22/8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ tư và Diễn đàn trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.

Diễn đàn thu hút nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu là trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài. 

Trao đổi tại hội nghị, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cho biết ngay từ những năm tháng đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, ông đã trở về quê hương với sứ mệnh là mở đường bay TPHCM - Manila, góp phần vào việc phá vỡ thế bao vây cấm vận đối với Việt Nam.

Sau đó, ông đã gom góp tài sản cũng như kêu gọi bạn bè trở về đầu tư tại quê hương, từ đó tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong suốt hành trình phát triển và hội nhập quốc tế. 

"Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, tôi nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói. 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nêu cách thu hút kiều bào về Việt Nam làm ăn - 1

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, phát biểu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ tư, sáng 22/8 (Ảnh: TTXVN).

Theo ông, một điều rất đáng mừng là thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả những người sinh ra ở nước ngoài.

Điều này chứng tỏ có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ và kinh tế phát triển.

Ở TPHCM, hiện có gần 100 công ty khởi nghiệp và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các bạn kiều bào trẻ, trong đó đa số về từ Mỹ. 

Để có thể phát huy khả năng, tranh thủ những công nghệ mới, ông Hạnh Nguyễn nêu giải pháp Chính phủ có thể áp dụng cơ chế sandbox, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, những mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép.

Bên cạnh đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa để các bạn trẻ kiều bào được thuận lợi trong việc xin quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước… để có thể ổn định cuộc sống lâu dài ở Việt Nam.

Cùng với đó, mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết vẫn cần tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục.

Ông cho rằng cần xem xét cơ chế một cửa dành riêng cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết nhanh chóng các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nêu cách thu hút kiều bào về Việt Nam làm ăn - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo bộ ngành chụp ảnh cùng hàng trăm kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ về dự Hội nghị (Ảnh: Tuấn Anh).

Đáng lưu ý, ông cho rằng cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Điều này không chỉ giúp tăng cường năng lực công nghệ của quốc gia mà còn mang đến nguồn vốn và tri thức quốc tế cho quá trình chuyển đổi số.

"Chúng ta nên có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ, đầu tư mạo hiểm vì đó là những thành tố chính trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giúp cho những người sáng tạo thuận lợi trong việc tạo ra các công nghệ mới và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ đó", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nêu kiến nghị. 

Đề xuất Việt Nam xây dựng trường đại học về trí tuệ nhân tạo

Cùng quan tâm và là chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, TS Lê Viết Quốc, Nhà nghiên cứu AI tại tập đoàn Google, nhấn mạnh cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra như một cơn sóng ngầm. Một ngày nào đó, "nó sẽ bùng nổ thành một cơn sóng thần cuốn trôi tất cả".

"Trong thập kỷ tới, đây sẽ là một thách thức lớn khi nhiều công việc truyền thống bị tự động hóa. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vô cùng lớn cho Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục bị ràng buộc bởi các công việc hiện tại, Việt Nam có thể tiến thẳng lên và phát triển cùng với trí tuệ nhân tạo", TS Lê Viết Quốc nói. 

Với kinh nghiệm của mình, ông Quốc nêu các khuyến nghị để Việt Nam có thể biến thách thức này thành cơ hội.

Trong đó, ông nhấn mạnh tài sản lớn nhất của Việt Nam chính là con người. Dựa trên nền tảng này, giáo dục trí tuệ nhân tạo đặc biệt ở bậc đại học cần được đầu tư mạnh mẽ.

Theo ông Quốc, Việt Nam nên xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về trí tuệ nhân tạo, với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu. 

Sau khi đã đầu tư vào con người, ông Quốc khuyến nghị cần phải tìm cách tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là đầu tư vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

"Kinh nghiệm cho thấy, trong mỗi cuộc cách mạng đều có kẻ thắng, người thua, và cách hiệu quả nhất để tìm ra người thắng cuộc là tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng và mạnh mẽ", TS Lê Viết Quốc nói. 

Cùng với đó, Việt Nam nên tập trung phát triển mạnh mẽ các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. Trong thế kỷ 21, trí tuệ nhân tạo sẽ là công cụ quan trọng, và ai đi sau sẽ bị bỏ lại phía sau.

Để làm được, Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu quốc gia đầy tham vọng, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như y tế công cộng, giao thông, và nhiều lĩnh vực khác.

Cuối cùng, Nhà nghiên cứu AI tại tập đoàn Google đề xuất Việt Nam nên thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về chip và trí tuệ nhân tạo. Đây là những lĩnh vực đang phát triển với tốc độ chóng mặt và hội đồng này sẽ giúp đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác trong các lĩnh vực mũi nhọn này.