1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hướng dẫn viên “lão thành” 76 tuổi

(Dân trí) - Đã từ lâu, ở ngôi nhà truyền thống của xã Thủy Thanh (Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) có một bà lão 76 tuổi chuyên làm nhiệm vụ đón tiếp khách tham quan. Với khách nước ngoài, bà không thể diễn tả bằng lời nên phải phụ hoạ bằng động tác, nhưng du khách rất thích thú...

Người tình nguyện già

 

Để phục vụ Festival 2006, xã Thuỷ Thanh xây dựng nhà truyền thống, trưng bày hơn 200 dụng cụ phục vụ nông-ngư nghiệp. Hiện vật đều là những gì gần gũi nhất với đời sống sản xuất nông nghiệp như cái cày, cái bừa, cái nơm, cái đó, cối xay gạo... Sau Festival, ngôi nhà truyền thống này vẫn rất thu hút khách tham quan.

 

Do xã Thuỷ Thanh hạn chế về nhân lực, bà Ngảnh vốn bán nước trước sảnh ngôi nhà này, tình nguyện làm hướng dẫn viên cho khách. Bà tâm sự: “Vốn nhiều đời làm nông, mệ rất tự hào khi nhìn thấy khách du lịch thích tìm hiểu về cái cày, cái bừa của mình nên vui lắm. Làm được đến đâu thì làm thôi, không nói hết thì làm bằng động tác”.

 

Nhiều du khách nước ngoài tỏ ra vô cùng thán phục và thích thú khi thấy bà lão gần 80 tuổi làm những động tác rất sinh động, mô tả quá trình làm ra hạt lúa với những dụng cụ nhà nông trong tay. Ông Jonh, một vị khách người Anh sau khi nghe mệ Ngảnh giới thiệu đã không nén được lời tán thưởng: “Oh! Tobe superexellent” (Ồ, trên cả tuyệt vời!).

 

Từ nhỏ gắn bó với nghề nông, bà Ngảnh rất am hiểu và yêu quý các dụng cụ sản xuất nông nghiệp. Bà cũng là một trong số ít người còn am hiểu về sản xuất lúa nước ở Huế. Những lời giới thiệu, những động tác của bà vì thế có sức truyền cảm rất lớn. Một hướng dẫn viên du lịch lâu năm, thường đưa khách về địa điểm này, cho biết nhờ có mệ Ngảnh mà anh đã được cứu nguy nhiều bàn thua trông thấy.

 

Những hiện vật biết nói

 

Đã hơn một năm nay, mệ Ngảnh trở thành người hướng dẫn viên du lịch tình nguyện, không lương. Những dụng cụ nông nghiệp đơn sơ, hàng ngày lấm lem bùn đất, giờ được mệ thổi hồn nước, hồn đất, hồn dân tộc. Dù là những bài nói say sưa hay chỉ là những màn động tác “câm” trước du khách nước ngoài, mệ Ngảnh cũng khiến những hiện vật câm lặng phải cất lời.

 

Mệ say sưa với những màn phụ hoạ vạt tôm, vạt tép, mò cua, gặt lúa, giã gạo,... “Cũng không thiếu những vị khách hiếu kỳ thấy tui làm họ cũng làm theo khiến cho cả đoàn khách cười xiêu vẹo”, mệ Ngảnh vui vẻ kể.

 

Sau những màn giới thiệu... toát mồ hôi, mệ Ngảnh lại trở lại với hàng nước nhỏ của mình trước ngôi nhà truyền thống. Hàng nước là nơi nuôi sống mệ, để mệ có thể tiếp tục giới thiệu hồn Việt Nam với bạn bè quốc tế...

 

Viết Lam