1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ông đồ trẻ “đa đi năng” của làng thư pháp Việt

(Dân trí) - Tốt nghiệp ngành cơ khí nhưng do nặng duyên nợ với nghệ thuật thư pháp nên Dương Minh Hoàng quyết tâm theo nghiệp bút nghiên của “những người muôn năm cũ”.

Tuổi đời chưa đến 30 nhưng Minh Hoàng đã bén duyên với nghệ thuật thư pháp 15 năm

Tuổi đời chưa đến 30 nhưng Minh Hoàng đã bén duyên với nghệ thuật thư pháp 15 năm
 
Bức thư pháp viết bài Hịch tướng sĩ vừa được xác lập Kỷ lục Việt Nam ngày 12/1 vừa qua tại cuộc Hội ngộ ông đồ lần 2 ở Vũng Tàu nhận được nhiều lời trầm trồ tán thưởng của khán giả. Chủ nhân của công trình đồ sộ này là anh Dương Minh Hoàng, một thư pháp gia tuổi đời chưa đến 30.
 
Không nhận hết công lao thuộc về mình, Minh Hoàng kể: “Đây là công trình tôi ấp ủ từ lâu giờ mới thực hiện. Cả nhóm đã chuẩn bị trong 2 tháng, bao gồm lựa vải rồi may, mày mò cách pha mực viết trên gấm… Khi tôi viết thì có bạn cầm máy sấy tóc sấy cho mau khô, còn cô học trò là thợ may thì kẻ dòng giúp. Và bởi vì đã hạ bút là không sửa được nên tôi vừa viết vừa ngắm nghía, suy ngẫm cách ngắt câu… hoàn tất bức thư pháp phải mất gần 1 năm”.
 
Du khách trầm trồ trước “Bức thư pháp viết bài Hịch tướng sĩ dài nhất” (dài gần 40m, rộng gần 1,5m)
Du khách trầm trồ trước “Bức thư pháp viết bài Hịch tướng sĩ dài nhất” (dài gần 40m, rộng gần 1,5m)

Lựa chọn Hịch tướng sĩ để viết thư pháp cũng là quyết định được cân nhắc kỹ, bởi anh cảm thấy câu chữ trong tác phẩm rất lay động lòng người, lại là áng văn bất hủ của vị anh hùng dân tộc: Đức thánh Trần Hưng Đạo.

Trước khi thực hiện, Minh Hoàng đã có lời khấn nguyện nên anh cũng mong muốn sẽ đưa tác phẩm của mình ra Nam Định để được xin dấu ấn đền Trần. Và nữa, anh cũng muốn xin con dấu của các vị tiền bối, các bạn đồng nghiệp: “Có những vị tiền bối xứng đáng viết tác phẩm này hơn mình. Việc xin dấu cũng như xin sự đồng thuận của các vị cho tác phẩm của một người trẻ như Hoàng”.
 
Du khách trầm trồ trước “Bức thư pháp viết bài Hịch tướng sĩ dài nhất” (dài gần 40m, rộng gần 1,5m)

Người qua lại đường Phùng Văn Cung thường thấy một chàng thanh niên mặc áo bà ba nâu sòng ngồi múa bút trước thư quán

- Tên đầy đủ: Dương Minh Hoàng
- Sinh năm 1985 tại Đồng Nai, sống và làm việc tại TPHCM
- Phó chủ nhiệm CLB Unesco Văn học điện ảnh Việt Nam chi nhánh Nam Phố
- Cựu phó chủ nhiệm CLB Thư pháp Việt, Cung văn hóa Lao động TPHCM
- Ủy viên CLB Thư pháp Nét Việt, Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM
- Thực hiện và tham gia hơn 20 cuộc triển lãm thư pháp
- Kỷ lục gia Việt Nam với tác phẩm “Bức thư pháp viết bài Hịch tướng sĩ dài nhất”: dài gần 40m, rộng gần 1,5m.
Ông đồ trẻ Dương Minh Hoàng cũng đã hướng dẫn thư pháp cho nhiều lớp học trò. Người theo học có những cô chú đã 50-60 nhưng cũng có em nhỏ mới học lớp 7. Ban đầu, ai cũng băn khoăn: “Môn này khó lắm không? Liệu mình có học được không?”. Có lần Hoàng bật cười hỏi lại: “Em có biết tiếng Việt không?” - “Dạ biết” - Hoàng trả lời: “Em biết tiếng Việt là em học được” .

Đứng trước lớp học có những người lớn hơn Hoàng rất nhiều về tuổi đời và kinh nghiệm sống, điều trở ngại là làm sao thuyết phục họ tin vào một người trẻ như mình. Vì vậy, Hoàng luôn chú ý trau chuốt lời nói dựa theo tư duy của người xưa: “Tôi luôn tâm niệm mình phải nâng cao tay nghề, tìm hiểu thêm tri thức văn hóa. Như vậy, người nghe có thể tiếp nhận một cách thoải mái hơn những thông điệp không chỉ từ một người trẻ mà từ một nền văn hóa được ông bà ta lưu giữ”.
 
Không chỉ viết thư pháp, Minh Hoàng còn vẽ tranh, khắc tranh lên gỗ và nhiều chất liệu khác
Không chỉ viết thư pháp, Minh Hoàng còn vẽ tranh, khắc tranh lên gỗ và nhiều chất liệu khác
 
Tết Nguyên đán là thời điểm bận rộn nhất của các ông đồ nên Minh Hoàng vừa trò chuyện với khách, vừa viết vẽ không ngơi tay. Trong bộ bà ba nâu đậm chất Nam Bộ và bên ấm trà xưa cũ, Minh Hoàng khiến người ta lầm tưởng anh là “ông cụ non” hoài cổ, nhưng trong anh vẫn là một người trẻ yêu thích âm nhạc, thể thao, du lịch… Hoàng bật mí là mình đang “âm mưu” lập đội bóng ông đồ để giao lưu với các nhóm mỹ thuật khác.
 
Cũng ít người biết ông đồ Minh Hoàng trước kia từng theo học ngành cơ khí. Nhưng đó là chọn lựa của gia đình: “Ở nhà lo sợ tôi theo công việc này sẽ mãi lông bông, nhưng tôi đã tâm niệm thư pháp là nghề của mình. Sau khi tốt nghiệp, tôi gửi lại tấm bằng kỹ sư cho gia đình và thưa chuyện muốn theo nghề này. Cho đến khi tôi có thu nhập thì ba mẹ mới yên tâm”.
 
Một số tác phẩm của thư pháp Minh Hoàng

Một số tác phẩm của thư pháp Minh Hoàng
 
Hiện là ông chủ của thư quán Hoa Chữ Việt trên đường Phùng Văn Cung (quận Phú Nhuận, TPHCM), ngoài viết và dạy thư pháp, Minh Hoàng còn mở các lớp “Trà thư giãn cuối tuần”, hướng dẫn học viên tìm hiểu về văn hóa trà Việt Nam và cả cách trò chuyện bên một bàn trà.
 
Minh Hoàng còn tham gia dàn dựng các chương trình, sự kiện văn hóa. Những người làm kiến trúc nội thất cũng hay nhờ anh thiết kế. Không còn đóng khung trong hình ảnh ông đồ với chiếc áo dài khăn đóng, mực tàu giấy đỏ, với những quyển thơ văn xưa… Minh Hoàng là đại diện cho thế hệ những ông đồ trẻ của thế kỷ 21 luôn năng động, dấn thân vào cuộc sống.  

 
Hồng Nhung