1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ông chủ tra tấn nữ nhân viên bằng kìm và phân lợn

Ngoài việc thường xuyên bị bỏ đói, đánh đập tàn nhẫn, nhân viên này còn bị tra tấn bằng kìm, chọc que sắt nóng vào vùng kín đến ngất xỉu... Đó là thông tin tố cáo liên quan đến chủ nhà hàng đặc sản thịt thú rừng Thanh Loan (thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình).

Buồng số 2, khoa Ngoại (Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn) - nơi Bùi Thị Thương (sinh năm 1979, tại thôn Đạo - xã Lương Ngoại, Bá Thước,  Thanh Hóa), nạn nhân trong vụ hành hạ dã man trên, mấy ngày qua luôn đông nghẹt người thăm hỏi. Nhiều người còn quyên góp tiền, quà giúp đỡ.

 

Hồ sơ bệnh án tại Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn ghi: Bệnh nhân Bùi Thị Thương bị đa chấn thương phần mềm do bị đánh. Khắp người bệnh nhân đau nhừ, có nhiều vết bầm tím, đụng giật, sung nề, có chỗ rớm máu.  Chiều 8/5, bác sỹ Phùng Chí Hiếu - Phó khoa Ngoại cho biết thêm: Sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhân Thương vẫn hoảng loạn tinh thần. Khám bệnh ban đầu còn cho thấy, vùng kín bệnh nhân cũng bầm tím do bị đánh và chọc que sắt nóng.

 

Giọng nói vẫn còn run, ánh mắt vẫn hiện rõ sự kinh hoàng, Bùi Thị Thương kể lại: “Sự việc xảy ra ngày 24/4/2006. Ban đầu, dưới sự chỉ đạo của chủ (ông Trịnh Tiến Hải và bà Nguyễn Thanh Loan), ba nhân viên khác (tên là Thắng, Đức và Tiên) đã thay nhau đấm đá túi bụi khắp người em. Chúng xô em vào chuồng lợn, rồi lôi ra cho chó cắn rách hết quần áo, sau đó tiếp tục bắt em làm việc…”.

 

“Mặc dù rất đau và mệt nhưng em vẫn phải rửa bát. Lúc này, ông Hải từ nhà trên đi xuống, cầm dây, kéo em rồi trói vào cột nhà. Sau đó, ông ta lấy kìm sửa xe, kẹp khắp người em. Máu chảy be bét, em đau quá, ngất đi một lúc. Tiếp đó, ông ta lấy dao, hai lần xúc phân lợn đổ vào miệng, bắt em ăn rồi bắt đầu trận đòn kinh hoàng… ”.

 

Quá sợ hãi, Thương tìm cách bỏ trốn. Thương buộc phải trèo qua bức tường cao hơn 2m. Sau nhiều lần trượt ngã, em đã vượt qua bức tường và chạy sang nhà bên cạnh. Lúc này, nhà hàng xóm không có ai. Vì quá mệt, Thương ngất xỉu…

 

Lúc tỉnh dậy (khoảng 8 giờ tối), thấy một người đàn ông đang ngồi bên cạnh, tưởng người của nhà hàng, Thương hét toáng, toan chạy. Người đàn ông tự giới thiệu là công an viên của xóm, rồi lấy nước cho Thương uống. Sau khi được lấy lời khai, 23 giờ 40 phút ngày 24/4 Thương được anh công an và một số người dân đưa lên Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn.

 

 

Ông chủ tra tấn nữ nhân viên bằng kìm và phân lợn - 1
 

Nhà hàng đặc sản Thanh Loan
(Hòa Bình)

Khoảng 1 giờ ngày 25/4, ông Hải và bà Loan cho người lẻn vào bệnh viện đưa Thương về nhà hàng. Về đây, vợ chồng chủ nhà hàng Thanh Loan lại nhốt Thương vào buồng kín. Được tin báo, công an lại phải “đột nhập” nhà hàng đưa Thương trở lại bệnh viện… Điều này phù hợp với hồ sơ quản lý bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn.

 

Lấy chồng từ năm 1995, Bùi Thị Thương đã có 2 đứa con (một trai, một gái). Do hoàn cảnh gia đình quá túng quẫn, nghe lời dụ dỗ của một người quen, Thương được đưa đến nhà hàng Thanh Loan làm việc từ tháng 9/2005 với mức lương hứa hẹn là 400.000 đồng/tháng. Thế nhưng, từ đó đến nay đã 8 tháng ròng, Thương vẫn chưa được trả đồng nào, cũng chưa một lần được bước chân ra khỏi nhà hàng này, bị bỏ đói là chuyện thường ngày.

 

“Rất nhiều đợt, 2-3 ngày liền, em không được ăn gì, đói và mệt lả, lê bước còn khó. Thế nhưng em vẫn phải quần quật làm việc cả ngày, với đủ các công việc: lau dọn sàn nhà, nấu cám và cho lợn ăn, rửa bát, tắm cho chó, tưới cây, gánh nước, giặt giũ quần áo…  và bưng bê, dọn bàn. Em không có quyền thắc mắc, nói chuyện với bất cứ ai. Đây là nhà tù, là nơi giam lỏng chứ chẳng phải nơi em làm thuê kiếm chút tiền nuôi con…”. Thương đã ba lần bỏ trốn nhưng không thành.

 

Tháng 2/2006, ông Bùi Hồng Hiệp (bố đẻ của Thương) lặn lội mấy trăm cây số từ Bá Thước, Thanh Hóa ra tìm con nhưng ông Hải không cho gặp. Biết chuyện, ông Hải còn nhốt Thương vào chuồng nuôi chó phía sau nhà để bố con Thương không được gặp nhau.

 

Khi chúng tôi có mặt tại thị trấn Lương Sơn tìm hiểu sự việc, Thương vẫn còn sợ hãi; nhất là mỗi khi nhắc tên nhà hàng Thanh Loan.

 

Theo Đức Kế - Hồng Sơn
Tiền Phong

Dòng sự kiện: tra tấn nữ nhân viên