1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ông chủ tịch xã nằm dưới đáy hồ: Lời nói dối của cán bộ và nước mắt của bà con bản Dạ

Trước khi lên Tuyên Quang tìm hiểu vụ việc, tôi có nghe thông tin về việc người dân bản Dạ và xã Sơn Phú đã “gian dối” trong khi làm một lá đơn tập thể để “trục lợi” và “chạy tội cho Nông Văn Lý” và hiện công an huyện đã tiến hành điều tra, tôi đã rất choáng, tưởng như sự việc đi vào ngõ cụt.

Tuy nhiên, khi đến bản Dạ, đến xã Sơn Phú rồi, thì mới hiểu mọi chuyện không phải như vậy…
Nông Văn Lý trỏ lên những cánh rừng bị tàn phá thê thảm, kể từ sau khi anh ta bị mất chức.
Nông Văn Lý trỏ lên những cánh rừng bị tàn phá thê thảm, kể từ sau khi anh ta bị mất chức.
 
“Xin xem xét để Nông Văn Lý tiếp tục lãnh đạo…”
 

Cả bản Dạ làm chứng cho các cống hiến của Lý. Thậm chí việc Nông Văn Lý còn bỏ tiền bán 2 đàn bò đi mua gỗ tốt về làm cả một cái nhà công vụ cho ủy ban dùng trong suốt 2 năm, với giá 21 triệu đồng ở thời điểm năm 2006 giờ vẫn còn. Số việc phát sinh kiểu như dựng thêm cả một tòa nhà gỗ, làm thêm cái bếp, cái bể nước hay ít cửa rả cho trường học, trạm y tế... là có thật và cũng là dễ hiểu. Đó cũng là nguyên nhân đã khiến cán bộ cấp trên lập cả một danh sách bổ sung các hạng mục trị giá (đã được duyệt, đã thanh toán, có văn bản kèm theo) lên tới hơn 30 triệu đồng nhằm thanh toán cho êkíp của Lý và người bản Dạ. 

Tuy nhiên, loanh quanh, khúc mắc vẫn cứ là chuyện tiền: Lúc đầu dự án tiền to, 2 năm sau “quyết toán” nâng lên đặt xuống, người ta trừ đầu trừ đuôi thế nào đó, các hiệp thợ vất vả được lĩnh có chưa đầy 20.000 đồng/ngày công, thử hỏi tiền đó chảy đi đâu? Đi đâu thì nhắm mắt ai cũng biết rõ, vấn đề là cơ quan thanh tra có truy xét chuyện này hay không, hay là họ chỉ coi việc kỷ luật, cách chức Nông Văn Lý với cách bắt lỗi nực cười kia là hết chuyện(?!)

Trước tình hình phức tạp ở Sơn Phú, trước đơn thư khiếu nại kéo dài, gửi từ cấp cao đến cấp thấp, PV Lao Động đã về địa phương làm việc với huyện, về tận bản để tìm nhân chứng xác minh vụ việc. Việc bức xúc về chuyện cơ quan huyện chuyển tiền về “trả công” quá ít so với dự kiến, so với kế hoạch và lời hứa... là có thật. Và, trong hàng loạt đơn thư kiến nghị, có bức “huyết thư” nhiều người ký, đề nghị phục hồi chức vụ Chủ tịch UBND xã cho Nông Văn Lý vì anh ta bị kỷ luật “oan” - đang gây nhiều tranh cãi. 

Lãnh đạo huyện bảo đó là đơn thư và các chữ ký có nhiều lấp liếm, gian dối, ý rằng đưa đơn 2 trang, một trang có nội dung A, bà con xem rồi ký vào, họ về họ ghép nội dung B thay cho nội dung A để gửi đi kiến nghị nhằm “trục lợi”, “chạy tội cho Nông Văn Lý”. Vị lãnh đạo huyện Na Hang còn “phủ đầu” thêm: Công an huyện đã tiến hành điều tra, với những giấy mời ra huyện “để hỏi một việc” (từ ngữ nguyên văn trong giấy mời khiến bà con rất cảm thấy bị xúc phạm, bởi nó hống hách và coi thường dân; người viết bài này thì chụp ảnh “giấy triệu tập” ấy coi như một nỗi xót xa) và mọi việc đã ngã ngũ. 

Bà con bản Dạ và xã Sơn Phú vô cùng bức xúc trước thông tin này, PV Lao Động đã đến nhiều gia đình, gặp đích danh “chủ nhân” của nhiều chữ ký trong đơn, để chứng kiến một sự thật đau lòng hoàn toàn khác. Lá đơn kể trên như sau, xin trích:

“Xã Sơn Phú, ngày 12.8.2012

Kính gửi: Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang; Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang

Cử tri nhân dân xã Sơn Phú, huyện Na Hang chúng tôi xin viết đơn này tha thiết đề nghị (...) một việc sau đây: “Cử tri nhân dân xã chúng tôi được tin ban lãnh đạo huyện không hiểu vì lý do gì, đột nhiên vào cách chức chủ tịch của ông Nông Văn Lý rồi họp HĐND xã để bãi miễn ông Lý. Nhân dân chúng tôi nhận thấy, ông Lý vẫn còn rất uy tín trong công tác lãnh đạo, quan hệ với quần chúng nhân dân rất tốt, không thấy có biểu hiện gì vi phạm, sai sót. Các vụ kiện cáo, đơn từ chỉ do mâu thuẫn trong lãnh đạo xã thôi. Còn nhân dân chúng tôi vẫn thấy ông Lý còn đủ tư cách làm người lãnh đạo nhân dân chúng tôi. Việc cấp trên đột nhiên cách chức ông Lý, nhân dân chúng tôi nhận thấy không xác đáng. Vậy nhân dân xã chúng tôi viết đơn này tha thiết đề nghị ban lãnh đạo huyện nghiên cứu, xem xét để ông Nông Văn Lý được tiếp tục lãnh đạo nhân dân chúng tôi”.

(Từng người ký tên)

 

“Xách” thịt lợn để trừ nợ dần…

Một số người có chữ ký, có tên trong lá đơn kể trên đã trả lời phỏng vấn PV Lao Động tại nhà của họ. Tất cả đều xác nhận là đơn chúng tôi mang theo với nội dung đúng như lá đơn họ đã ký trước đây; chữ ký dưới đơn đúng là chữ ký của họ, ý chí nguyện vọng của họ trong đơn vẫn chính là nỗi bức xúc của họ hiện nay. Vì không có máy photo ở bản, nên họ đã làm 2 lá đơn gửi tỉnh và gửi huyện..., với nội dung cơ bản là giống nhau để bà con cùng ký. Có người ký vào cả hai đơn. 

Ông Bàn Kim Sơn, 45 năm tuổi Đảng rồi, 79 tuổi đời là một người rất có uy tín trong cộng đồng bản Dạ cũng như cả khu vực Na Hang. Ông nguyên là Phó chánh án TAND huyện Na Hang, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tuyên (cũ), ông nói: “Nông Văn Lý không có gì sai trái trầm trọng, không tơ hào gì cả. Tôi làm việc nhiều năm với bố nó tôi biết. Cháu Lý bây giờ chỉ nhầm nhỡ, chỉ là cháu hơi chủ quan không chặt chẽ về giấy tờ văn bản thôi. Họ kỷ luật Lý thế là oan chứ không phải kỷ luật đúng. Ông nghiên cứu rồi mà”.

Lá đơn này (đã trích ở trên) hồi đó ông có ký và đây là chữ ký của ông đúng không ạ? Có chứ. Chữ ký của ông đây. Chữ ký của ông là không ai ký thay được. Nội dung đơn photo này với nội dung đơn gốc mà ông ký có khác nhau không ạ? Không khác nhau đâu. Ông ký thì ông phải xem chứ, trước ông là lãnh đạo cơ mà, ông phải cẩn thận chứ. Hồi chú Lý kỷ luật cách chức ông có biết không? Không biết đâu. Sau mới biết, thì ông mới bảo, sao đang làm việc tốt thế mà lại bị kỷ luật, cách chức. Mình phải giúp nó chứ, nó làm sơ suất, mình giáo dục nó đến lần thứ 3 mà nó không sửa được thì mới kỷ luật, trước ông làm việc là thế đấy. 

Ông và mọi người làm đơn này anh Lý có biết không? Có khi không biết đâu. Dân thấy thế, dân thương nó thì dân làm đơn kiến nghị thôi. Công an có đến nhà ông hỏi về việc vì sao lại ký đơn không? Có. Người ta có đến hỏi đấy, tôi bảo tôi ký. Tôi ký, vì Lý nó làm không sai.

Còn bà Đào Thị Tân - một người ký đơn khác ở Bản Dạ nói với PV Lao Động: “Bà con cứ bảo tại sao ông Lý ấy làm việc tốt thế, giúp đỡ dân như thế mà lại bị kỷ luật cách chức chủ tịch thế. Ông ấy tốt, nhiệt tình với dân làng lắm, mình không thể để ông ấy thua thiệt quá. 21 tuổi bà đã về đây làm dâu thì bà cũng đã biết ông ấy rồi mà. Ông ấy tốt, thật thà, dân ai cũng tín nhiệm. Ông ấy nhiệt tình đến mức có đàn bò cũng mang bán cho người ta để lấy tiền lo việc chung...”. 

Anh Nông Văn Thuyết - người xã Sơn Phú - sau khi ký đơn đã bị công an huyện triệu tập hỏi lý do tại sao “bảo vệ” Nông Văn Lý, anh đã thẳng thắn: “Tôi thấy ông này làm việc uy tín mà tự dưng lại mất việc, chúng tôi tín nhiệm anh ấy thì làm đơn, ký đơn đề nghị cho anh ấy tiếp tục được công tác thôi”.

Đau nhất và cũng bức xúc nhất vẫn là gã batoa Nông Văn Thưởng, nguyên Phó trưởng bản, đương kim Chủ nhiệm Hợp tác xã, một người hăng hái cùng Nông Văn Lý di dời các công trình chạy nước, giờ đang tiếp tục hành nghề giết lợn bán thịt để tìm cách “trả nợ đạy” các khoản mà Nhà nước còn thiếu với... bà con. 

Tôi hỏi anh Thưởng: “Anh Lý bị nghỉ chức chủ tịch như thế thì anh Thưởng có bị ảnh hưởng gì không?”. Buông con dao hàng thịt lợn, anh Thưởng nói: “Anh Lý thôi chủ tịch làm tôi càng khổ hơn. Anh Lý đang làm thì còn kiến nghị được, hy vọng người ta trả tiền công xá để chúng tôi giả cho dân đầy đủ. Bây giờ người ta cứ đòi tiền của tôi thôi, bởi Lý tay trắng, còn tôi thì có cả một phản thịt lợn mỗi ngày. Họ cứ “cắm” (mua chịu) thịt của chú mà có trả đâu, họ bảo bao giờ lĩnh được các khoản tiền “Nhà nước” còn nợ kia thì mới trả tôi. Nhiều người lắm, nhiều nợ nần lắm, họ làm ngày làm đêm, làm cho chúng tôi suốt 3 tháng hè cơ mà”.

Trước khi tôi rời bản Dạ, trời mưa to. Bà con thi nhau kể, Nông Văn Lý ngồi ngẩn tò te xác nhận: Hôm nghe tin Lý bị cách chức, cụ Triệu Tiến Vinh ở bản Nà Mu của Dao phía trong kia giận lắm. Cụ tức tối phăm phăm vượt đèo ra ngoài xã, cụ già vào phòng Bí thư Đảng ủy Sơn Phú, nói oang oang “sao chúng mày lại làm oan cho nó thế”, rồi cụ vung tay mất kiểm soát làm vỡ một viên gạch men sứ lát trên bàn ông cán bộ. Nói hết cơn, cụ lại đội chậu thau về bản, mặt buồn lặng như một pho tượng cổ...

 

Theo Đỗ Doãn Hoàng

Lao Động

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm