1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông chủ tịch xã nằm dưới đáy hồ

Gần hai thập niên làm báo, tôi chưa gặp ai tìm mình để kêu oan một cách quyết liệt như Nông Văn Lý. Anh đem theo Quyết định 426 của Huyện ủy Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) kỷ luật mình, rồi muốn “trung ương và cả nước” biết rõ chuyện mình bị cách chức chủ tịch UBND xã ra sao…

…“Tôi bị cấp trên lừa. Tôi là Nông Văn Lý, chứ không phải chủ tịch xã nữa, ông chủ tịch Lý ấy giờ nằm dưới đáy hồ rồi... Dù chết, tôi cũng phải đi tìm chân lý, đi đòi lại danh dự của một đảng viên, một người lính đã không tiếc máu xương trên biên giới phía bắc...”.

Ông chủ tịch xã nằm dưới đáy hồ
Lý bảo, tôi là Nông Văn Lý thôi, ông Lý - chủ tịch xã - đã nằm lại dưới đáy hồ thủy điện kia rồi. Ảnh: Đ.D.H

Kỳ 1: Làm thì bãi nhiệm, không làm thì “có mà bóc lịch”

Nông Văn Lý luôn làm tôi cáu bẳn, anh ta nói gì đó rất mệt mỏi và vụn vặt, rồi tôi quên cũng rất nhanh. Đến một hôm, khi người đàn ông ấy nghèn nghẹn khóc, tự dưng tôi thấy trách nhiệm đè nặng lên vai mình. Có lẽ phải vượt chừng 300km lên nhà anh ta (bản Dạ, xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) một lần... Đêm, tôi rúc xe vào gầm nhà sàn của bản ngủ nhờ. Còn đang rửa mặt thì cán bộ, đảng viên, bà con đã kéo đến, ai cũng một mực “thằng Lý bị oan, nó có công với bản làng, với xã nhiều lắm, sao lại kỷ luật nó”. “Cán bộ kỷ luật vì nó đi đòi quyền lợi cho dân tôi nhiều quá, họ kỷ luật nó để lấp liếm cái sai của người khác mà thôi”.

“Nước đến chân... mới chạy”

Năm 2006, người ta tiến hành tích nước cho lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang với 2,2 tỉ mét khối nước, có tới 5 xã bị biến mất hoàn toàn và 8 xã phải di dời khẩn cấp. Trong 13 xã bị ảnh hưởng kia, đã có 1 ông chủ tịch nằm lại dưới đáy hồ - nói theo cách của Nông Văn Lý. Ngày 31.5.2006, UBND huyện Na Hang có văn bản số 467 (do ông Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Chuyền ký), gửi UBND xã Sơn Phú mà Lý làm chủ tịch, gửi phòng Tài chính kế hoạch và phòng Hạ tầng kinh tế huyện phải tiến hành, phối hợp di dời các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, trụ sở ủy ban khẩn cấp. Nước đang dần dâng lên từng ngày. Công văn “lệnh” rõ: Phòng Hạ tầng kinh tế của huyện phải lập dự toán kinh phí tháo dỡ, vận chuyển, dựng lại các công trình kia trước ngày 30.6.2006 để trình UBND huyện.

Ông Nông Đức Hiến, 30 năm tuổi Đảng (hiện là Bí thư chi bộ bản Dạ, xã Sơn Phú) là người biết rõ mọi chuyện trong thời gian “nước sôi lửa bỏng” ấy: Bản Dạ ở trên núi cao, nước hồ thủy điện không ngập đến các ngôi nhà sàn trong bản, bản chỉ là nơi đón nhận toàn bộ các công trình công cộng của xã “di vén” đặt lên đó. UBND huyện Na Hang có quyết định giao cho xã xây dựng kế hoạch, di dời các công trình công, mọi việc phải xong trước ngày 30.6.2006. Mọi việc vô cùng gấp rút. Ý thức trách nhiệm rất cao việc Chính phủ giao cho địa phương, huyện có văn bản lệnh cho xã làm, mình đương kim là chủ tịch, thì phải xắn tay áo lên làm thôi. Huyện bảo huy động người, tháo dỡ bạt ngàn các công trình, vận chuyển núi đồ thô ấy vượt núi non lên khu vực lỵ sở tạm thời của xã để dựng lại. Đường sá thì xấu khủng khiếp, toàn xe Zin như xe thời đánh Mỹ ở đường Trường Sơn mới đi nổi.

Ông chủ tịch xã nằm dưới đáy hồ
Trước những thành tích và cống hiến của mình đã được các cấp, các ngành ghi nhận, Lý bảo cái mà dù thế nào mình cũng phải lấy lại - ấy là danh dự.

Huyện giao việc, Nông Văn Lý lo lắng đến mất ăn mất ngủ, rồi anh ta tính: Người ở đâu, tiền ở đâu, kế hoạch di dời ở đâu? Dự toán kinh phí đâu? Chưa có. Tôi hỏi Lý: “Anh là chủ tịch thật, anh có trách nhiệm là đáng quý. Nhưng họ giao cho anh vượt sông lớn mà không cho thuyền bè. Không có thì anh phải báo cáo lại chứ. Không lẽ anh cứ mình trần vượt sông hoặc bồng bế bà con vượt sông, đến lúc chết đuối cả chùm, anh không chỉ bị tù tội mà còn ân hận cả đời”.

Nông Văn Lý trợn mắt, nói oang oang: “Tôi bán hết mấy đàn bò, gà, lợn; đứng tên cá nhân vay tiền ngân hàng để lo việc chung, họ còn tìm cớ cách chức và dọa khởi tố tôi. Chứ mà tôi không làm gì, ngồi đó nhìn nước dâng lên ngập hết thì có mà tôi bóc lịch (đi tù) rồi! Lúc họ yêu cầu tôi di dời, thì nước hồ đã lên cao, chỉ cách cái nền trụ sở xã có 4m thôi”.

Tuy không có tiền gửi về, không có văn bản chính thức được duyệt chi như thế nào trong việc thuê người dân tháo, vận chuyển, lắp, sửa, dựng mới các nhà công vụ cho cả một cái xã di dời khỏi lòng hồ; nhưng Nông Văn Lý và cán bộ của mình cũng có căn cứ khác để yên tâm làm việc, ấy là các văn bản kiểm kê, các hồ sơ dự toán (lập năm 2006) về mức tiền Chính phủ sẽ chi trả cho những phần việc quan trọng kia. Bởi hội đồng kiểm kê của huyện đã lên xã làm việc cả mấy tháng trời, đã có văn bản đưa Lý xem đàng hoàng.

Trở lại câu chuyện của tháng 6.2006. Chỉ 5 ngày sau khi có lệnh của huyện, Chủ tịch Lý đã huy động 27 người ở bản Dạ, rồi nhiều người ở bản người Tày, người Dao khác (như Nà Mu, Nà Là) cùng làm suốt ngày đêm. Anh Hà Văn Chung - người bản Dạ - nhớ y nguyên không khí làm việc những ngày đó: “Có khi 15 giờ chiều mới được ăn trưa. Có khi 22 giờ đêm mới được ăn cơm tối. Bấy giờ làm gì đã có đường như bây giờ, đi lại kinh khủng lắm. Cán bộ di dân toàn đi tàu thuyền vào xã thôi”.

Chị Dương Thị Ngơi - vợ Nông Văn Lý - thì khóc: “Nhà tôi suốt mấy tháng trời, như cái nhà ăn của xã, của huyện. Có những ngày 8 mâm ăn uống, có khách, đến bữa chả nhẽ không mời. Tiền túi chúng tôi đem ra phục vụ việc chung, không ai trả một xu nào. Gà vịt, rau cỏ ở nhà hết, tôi phải đi “cắm” (mua chịu) của dân bây giờ còn chưa trả nổi. Bán 2 đàn bò 17 con được 30 triệu, vay cả tiền ngân hàng để trả công cho bao nhiêu con người. Bây giờ, hằng ngày người dân kéo đến đòi nợ gia đình tôi, tôi không biết phải lấy tiền đâu để trả cho họ”.

Tình ngay lý gian

Sau khi đọc kỹ hồ sơ vụ việc và trước khi lên Tuyên Quang, PV Báo Lao Động có liên lạc với ông Phạm Ninh Thái - Chủ tịch UBND huyện Na Hang. Quả là ông Thái có cách ứng xử với báo chí rất cầu thị, ông lập tức triệu tập Trưởng phòng Nội vụ Chẩu Xuân Khoanh và 2 phó ban Di dân tái định cư Na Hang (gồm các ông Lê Duy Vũ và Bùi Quang Phượng) lên trụ sở UBND huyện làm việc với chúng tôi. Bên nội vụ nói về việc bãi nhiệm Nông Văn Lý. Bên di dân giải trình về những khó hiểu trong việc gây ra công phẫn trong người dân về việc trả tiền công “tiền hậu bất nhất” (quá thấp) cho những người quá nhiệt tình trong việc giúp cả hệ thống công trình công cộng của xã Sơn Phú “chạy giặc nước”. Ông Thái cũng tự đề xuất: Sẵn sàng đối thoại với Nông Văn Lý, xem anh ta “tâm tư” điều gì.

Sau khi PV Báo Lao Động mời Nông Văn Lý vượt đèo dốc từ bản Dạ ra huyện gặp mặt, sau các cuộc đối thoại thì sự việc càng trở nên “nóng” hơn. Bởi hai đồng chí Phó ban Di dân tái định cư huyện Na Hang đều không đưa ra được lời giải thích thỏa đáng cho việc “oan hay không oan” của việc bãi nhiệm Nông Văn Lý.

Ông chủ tịch xã nằm dưới đáy hồ
Bây giờ trạm xá xã đã xây kiên cố, song cái trạm xá cũ sau khi di vén vẫn được bà con giữ lại làm “chứng tích”.  

Tóm lại: Đang là người có công với bao nhiêu thành tích, bao nhiêu lời khen ngợi từ dân và cán bộ, thì Nông Văn Lý bỗng dưng bị mất chức. Người ta đã quyết liệt tìm lý do để Nông Văn Lý bị bãi nhiệm. Qua 2 lần bãi nhiệm mới xong. Trước khi bị bãi nhiệm, dù mang bao nhiêu thị phi về cái gọi là “sai nguyên tắc chi tiêu tài chính”, điều kỳ lạ là Nông Văn Lý vẫn tiếp tục trúng chức Chủ tịch UBND xã Sơn Phú với 98% số phiếu (năm 2011); bởi thật sự bà con tín nhiệm Lý. Đến lúc cán bộ về thanh - kiểm tra, Lý nhận mình có sốt sắng, đơn giản hóa thủ tục nên vi phạm cái mà các vị gọi là “nguyên tắc tài chính”. “Nhưng nếu tôi sai tí ti như vậy, thì thử hỏi huyện có sai không?” - Lý hỏi. Ông cán bộ Ủy ban Kiểm tra huyện bảo: “Cái này thì... ai sai tôi chưa biết, tôi chỉ biết bây giờ tôi kỷ luật anh về cái sai của anh đã”.

Là người Tày cả đời trung thực, thật thà; đến mức, ông Thái - Chủ tịch UBND huyện và ông Khoanh - Trưởng phòng Nội vụ huyện - khi làm việc trực tiếp với chúng tôi đều thở dài, đại ý: Nông Văn Lý, “bác” ấy rất thật thà. Bác ấy có nhiều cái “tình ngay lý gian”. Bác ấy không tham ô, tham nhũng gì cả. Sai phạm của bác ấy là chi tiêu sai nguyên tắc tài chính, tức là lấy tiền về trả trực tiếp cho dân thay vì nhập vào tài chính xã rồi mới chi ra bằng văn bản có cô kế toán thủ quỹ gì đó...

Trước câu hỏi của chúng tôi: “Tại sao huyện để Nông Văn Lý lăn xả vào làm mọi việc cho công tác di dân, mà không hướng dẫn, chỉ đạo, nắn chỉnh anh ta ngay từ đầu để sau này khỏi phải... kỷ luật?”; đại diện Ban Di dân tái định cư huyện Na Hang cho biết: Huyện đã có Quyết định 205, thành lập một tổ công tác để kiểm kê, dự toán việc di dời kể trên, nhưng “hình như cái tổ ấy không hoàn thành trách nhiệm hay sao ấy” (một cán bộ nói); “giao tổ công tác lập dự toán nhưng tổ đó không làm hay sao ấy”, “phải kiểm kê đầu đi và đầu đến của các công trình, có thể là người lập dự toán kinh phí họ có trình độ yếu quá chẳng hạn” (vị cán bộ khác nói). Mọi rắc rối bắt đầu từ việc “không làm hay sao ấy” này.

Theo Đỗ Doãn Hoàng

Lao động