Bài 2: Phía sau việc ông chủ tịch xã “chìm dưới đáy hồ”
Đau không kém Lý là anh Nông Văn Thưởng - một gã ba toa (làm nghề giết mổ, bán thịt lợn) kiêm… Chủ nhiệm HTX - anh này bấy giờ đương kim là Phó bản nên hăng hái không kém Chủ tịch Lý trong việc dốc sức tổ chức di dời công trình chạy nước.
Anh Thưởng buông con dao, rủ rỉ: “Tôi và anh Lý thuê bà con các bản trong xã làm quần quật hơn một tháng trời. Mình lấy tiền nhà trả công cho họ để chờ tiền nhà nước gửi về “bù” vào sau. Ai ngờ khi trả tiền, cán bộ trả ít quá, không đủ trả nợ cho bà con, thế là từ bấy bà con cứ đến cửa hàng của tôi xách thịt về ăn, bảo là trừ nợ dần”. Vì sao có thảm cảnh ấy?
Sau 6 năm, bỗng bị bới tội
Thứ nhất, chúng tôi đã điều tra kỹ, việc Nông Văn Lý và những người có trách nhiệm thuê dân làm việc gấp rút chạy nước cho các trụ sở công của xã là có thật. Sổ sách ghi chép còn nguyên, nhân chứng còn nguyên. Trở lại các văn bản kiểm kê, các hồ sơ dự toán (lập năm 2006) về mức tiền Chính phủ dự toán chi trả cho những phần việc quan trọng kia.
Theo Lý, hội đồng kiểm kê của huyện đã có văn bản đưa Lý xem đàng hoàng. Nhưng bấy giờ không có điện lưới, không có máy phô tô (dĩ nhiên), Lý chỉ xem cái bản kiểm kê đó rồi cán bộ mang đi mất. Theo Lý, người ta đã giấu bỏ cái văn bản đầu tiên (năm 2006) kiểm kê, thống kê phần việc khổng lồ phải làm trong công cuộc di dời trụ sở công của xã Sơn Phú đi.
Bằng chứng là, 16.8.2012, “Chủ tịch Lý” đã có văn bản gửi “ông Lộc Kim Liễn - Phó Bí thư huyện ủy Na Hang, gửi các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ xã Sơn Phú”, nội dung rành mạch: “Theo văn bản quy định, việc thanh quyết toán di chuyển công sở phải thực hiện từ năm 2006; nhưng huyện không chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm việc này. Suốt các năm 2007-2008-2009, tôi đã báo cáo đề nghị nhiều lần, dân cũng có đơn đề nghị lên huyện, tỉnh, nhưng cũng không được giải quyết”.
Văn bản viết tiếp: “Theo quy định, hồ sơ thanh quyết toán phải có biên bản kiểm kê gốc ngày 26-27 tháng 5.2006; có bản dự toán gốc theo mục 4 của công văn số 467/UBND-VX ngày 31.5.2006, để làm căn cứ đối chiếu sai lệch. Hồ sơ đó chứ không phải bộ hồ sơ đã lập lại sau 2 năm (năm 2008), do Ban di dân làm”. Ông Lý “đề nghị cơ quan chức năng tìm, yêu cầu cung cấp biên bản kiểm kê và hồ sơ dự toán gốc kể trên để làm cơ sở thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho minh bạch”.
Đề nghị ấy sau 2 năm không ai trả lời. Bây giờ PV Lao Động trực tiếp yêu cầu cung cấp, đại diện huyện Na Hang cũng từ chối thẳng thừng: Không biết có văn bản đó. Không tiếp nhận văn bản đó. “Vì mãi sau này phần việc này mới được giao cho ban di dân tái định cư, trước kia là cơ quan khác làm!”.
Hơn 50 triệu đồng mua… đinh vít để dựng vài gian nhà
Thứ hai: Khi đối thoại với cán bộ hữu trách ở UBND huyện Na Hang, chúng tôi yêu cầu cho xem văn bản kiểm kê đầu tiên đối với việc di dân; như đã viết, họ không trình ra được, hoặc không dám trình ra (như cách nói của Lý). Vì tài liệu đó cho thấy rõ: số lượng công việc, số lượng tiền cần thanh toán cho việc di dời các công trình bị giảm quá nhiều so với “thống nhất” lúc đầu.
Lại thêm: năm 2006, việc di dời các công trình diễn ra, họ đến kiểm kê, toàn những cơ quan có chuyên môn nhất thực hiện. Họ đã đưa ra con số cụ thể. Song đến năm 2008, người ta mới đưa ra, mới duyệt được cái dự toán kinh phí để xuất tiền chi cho Lý, để Lý đem về trả cho dân của mình. Vậy là dự toán được duyệt khi nước đã ngập vĩnh viễn được những 2 năm, tức là hơn 700 ngày!
Thử hỏi: chúng ta nên tin vào cái kiểm kê và dự trù kinh phí của năm 2006, khi nước chưa ngập - hay là tin vào văn bản “được duyệt” của 2 năm sau đó? Đấy là chưa kể, với các công trình cũ, “để là cái áo, dỡ ra là đống giẻ rách”. Dỡ mỗi tòa nhà gỗ là bao nhiêu gỗ mục, mái hỏng, cột gẫy, dui mè dập nát, Lý đã cùng bà con mình vá víu, thay mới nhiều hạng mục để trạm y tế, 2 trường học, trụ sở ủy ban có thể mọc lên vững vàng trên nơi ở mới, thì cớ làm sao kinh phí cho công việc này lại... giảm được(?!)
Chỉ ví dụ công trình trường cấp 2 khổng lồ, ban đầu, toàn bộ kinh phí dỡ, di dời, lắp mới là 84 triệu đồng; lúc thi công xong, Lý và bà con còn làm thêm nhà vệ sinh, bể nước, bàn ghế, giường tủ, làm thêm 2 căn nhà để “kiện toàn” cho các cháu học (cũng là do nhiều hạng mục đã hỏng, hoặc lúc dỡ ra mới phát hiện ra hỏng mục); thế nhưng, không những không tính thêm xu nào thì thôi; đằng này: 2 năm sau, khi “quyết toán” cho công trình 84 triệu ban đầu ấy, số tiền người ta thực trả cho Lý và bà con là: 41 triệu đồng?
Nhiều công trình lớn, cả cái trường học nhiều gian, công sức “khênh” nó lên đỉnh núi dựng lại người ta chỉ “duyệt” cho vài triệu đồng. Bà con đâm đơn đi kiện, vì họ bỏ công làm ngày làm đêm mà chưa được 20.000 đồng/ngày; mấy tháng quần quật, chỉ được hơn 2 triệu đồng/người. Lý bảo, kinh khủng hơn: nhiều hạng mục, số tiền bị “teo” so với dự toán ban đầu lên tới 80%!
Khi chúng tôi đưa phân tích trên ra trước buổi làm việc; ông Vũ và ông Phượng đã trình ra một núi giấy tờ, rồi... nói thật: Tại văn bản dự toán năm 2006 và trước đó (kiểm kê) chưa được duyệt, mà anh Lý lại căn cứ vào cái đó để xắn tay áo lên làm. Huyện trình, rồi Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang phải duyệt. 2 năm sau, đến năm 2008 mới có văn bản được duyệt này, chúng tôi chỉ biết chi tiền theo những cái được duyệt thôi.
Nông Văn Lý trợn mắt: thế năm 2006, trước cái hạn phải di dời xong toàn bộ theo lệnh của huyện; không lẽ tôi phải đợi các vị thêm 700 ngày nữa để duyệt văn bản, duyệt kinh phí chính thức ngoài sở rồi thì mới... di dời ư? Sau 700 ngày nước ngập thì còn di dời cái gì nữa, nói thế mà cũng nói được ư! Các công trình khổng lồ của huyện nó tự mọc cánh bay từ đáy hồ kia lên trên đỉnh núi này và tự chắp nối lại thành những tòa nhà được ư? Công sức, mồ hôi và cả máu của chúng tôi đấy anh ạ.
Vô lý hơn, khi chúng tôi lục lại chồng hồ sơ năm 2006, các cán bộ liên quan đã lập... bát nháo đến mức: hai chuyên gia hàng đầu về di dân tái định cư của huyện là ông Vũ, ông Phượng cũng phải lắc đầu ngán ngẩm “không thể hiểu nổi”. Khi chúng tôi chỉ khoản tiền hơn 50 triệu đồng dự trù mua... đinh vít ở cho một văn bản đi thống kê kinh phí cho việc di dời trường học làm bằng gỗ, “thế này là như thế nào hả anh?”, các cán bộ đành bó tay xin chuyển sang... chủ đề khác. Họ bảo, cán bộ làm cái kiểm kê đó không biết làm, hoặc “không làm gì hay sao í”.
Họ quay sang nói về việc Nông Văn Lý đã rất được việc, rất khổ sở khi lăn vào trọng trách chỉ đạo “chạy giặc nước”, “lần nào ra gặp chúng tôi anh ấy cũng kêu khổ vì sao tiền chưa chuyển về, lấy gì trả công xá cho dân”. Họ nói về việc cán bộ huyện mình “không biết làm dự toán”, “những chi phí này (ví dụ đinh vít 50 triệu đồng) không biết lấy ở đâu ra”, “cách lập dự toán này không đúng” (trích nguyên văn các phát biểu tại buổi làm việc).
Và, câu chuyện lại chuyển sang một hướng khác, giữa lúc nước sôi lửa bỏng đó, Nông Văn Lý đã xuất hiện như một anh hùng. Giữa bao nhiêu khó khăn và các điểm “lỗi hệ thống” do cán bộ quan liêu, làm ẩu, thì Nông Văn Lý đã sơ suất do quá chân chất miền rừng. Lỗi của Lý là ở chỗ, khi ai đó làm điều “nhập nhằng”, nhẽ ra cần một sự im lặng cam chịu nào đó thì anh ta lại liên tục lên huyện đòi tiền về trả cho dân, liên tục có văn bản lên cấp trên.
Thế là người ta bị dồn đến lối cùng, người ta “đành” tìm cách để anh ta... phải im lặng: ấy là đưa ông Chủ tịch xã hăng hái, lắm chiến công kia xuống đáy hồ thủy điện Tuyên Quang. Từ bấy, chỉ còn lại một Nông Văn Lý suốt đời ở nhà sàn ám khói, đầu hói lúc nào cũng mướt mải mồ hôi, chất phác như trai bản xách chim họa mi xuống chợ huyện chọi chơi vậy thôi.
Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao động