1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ông Chủ tịch tỉnh thích công nghệ “hết đát”

Mặc cho Chính phủ đã có quy định cấm xây mới các nhà máy xi măng lò đứng, ông Đoàn Bá Nhiên - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, vẫn ký quyết định nhập về công nghệ cũ này. Lãnh đạo tỉnh này còn cho phép mua 9 xe ô tô vượt định mức gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước.

Người dân ở thành phố Lạng Sơn không ai không tỏ thái thái độ bất bình về việc xây dựng thêm một nhà máy xi măng lò đứng (XMLĐ) mới - gọi là Nhà máy xi măng Hồng Phong (đặt tại xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 15 km), trong khi Nhà máy xi măng Lạng Sơn hoạt động ngay trong thành phố đã quá thời gian khấu hao nhiều năm, gây ô nhiễm rất nặng nề.

Hơn nữa, kể từ cuối năm 1999, Hiệp hội xi măng đã có khuyến cáo các địa phương không xây dựng thêm các nhà máy XMLĐ do công nghệ làm xi măng này đã cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Chính phủ cũng đã có quy định dừng việc đầu tư xây dựng mới các nhà máy XMLĐ. Nhưng sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn (ông Đoàn Bá Nhiên) ký quyết định phê duyệt, tháng 9/2005, Công ty xi măng và xây dựng công trình Lạng Sơn đã nhập khẩu 100% dây chuyền, thiết bị XMLĐ công suất 8,5 vạn tấn/năm về. 

Nhận thấy đây là việc làm bất thường (Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép di chuyển Nhà máy xi măng Lạng Sơn ra khỏi thành phố, không cho xây mới), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Bộ Công an đã vào cuộc và khẳng định: “Máy móc nhập về công suất nhỏ, chất lượng thấp nhưng giá cả cao không phù hợp với hợp đồng đã ký kết”. Cục này cũng khuyến cáo: “Nếu đưa vào công trình sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước”.

Tuy nhiên, ngày 10/2, khi đến làm việc tại Nhà máy xi măng Hồng Phong, chúng tôi vẫn thấy việc xây dựng nhà máy vẫn được triển khai. Ông Phạm Thanh Sơn, Giám đốc công ty thừa nhận có việc thay đổi thiết bị, máy móc theo dự án đã được phê duyệt nhưng lại lấy lý do là để phù hợp với điều kiện thực tế tại công trình. 

Ông Sơn khẳng định đây là dây chuyền “hoàn toàn mới” mà khi công ty này đặt làm, phía đối tác Trung Quốc mới sản xuất nhưng cũng cho biết thêm là phía bạn chỉ sản xuất cho Việt Nam vì Trung Quốc đã cấm sản xuất thiết bị này(!). Vấn đề đặt ra là sau này, nếu dây chuyền, máy móc của Nhà máy xi măng Hồng Phong có chạy được nhưng đến lúc hỏng hóc sẽ lấy gì thay thế thì ông Sơn không trả lời được. 

Chúng tôi cũng đã nhìn thấy tại công trình, một số thiết bị chính của nhà máy đã nhập về gần 1 năm nhưng phơi nắng, phơi mưa ngoài trời, chỉ được che bằng mấy tấm vải bạt. Lật tấm che lên thì thấy máy có nhiều chỗ bị han gỉ, bong tróc cho dù lớp sơn ở nhiều chỗ có vẻ còn mới. Thông tin này được một cán bộ hải quan Lạng Sơn khẳng định sau đó: “Đây là máy cũ sơn lại!”

Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vẫn cho rằng, việc cho phép nhập khẩu dây chuyền, thiết bị trên là “hiệu quả nhất trong các phương án cả về giá và tính đồng bộ”. Nhưng ông Nhiên cũng thừa nhận sai phạm của chủ đầu tư là đã tự ý thay đổi thiết bị, phụ tùng theo thiết kế được duyệt. Ông Nhiên cũng cho biết, tỉnh đã có chỉ đạo để xử lý kỷ luật với chủ đầu tư.

Được biết, Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng đã kiểm tra và khẳng định việc ông Nhiên ký quyết định cho phép nhập khẩu dây chuyền XMLĐ trên trong khi không xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, không báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy... là việc làm sai trái và gây hậu quả lớn. Hàng chục tỉ đồng đầu tư có nhiều khả năng bị lãng phí do Lạng Sơn đã đầu tư một nhà máy sản xuất xi măng lò quay công suất 91 vạn tấn/năm và có một số nhà máy xi măng khác...

Được biết, cơ quan chức năng đang xem xét khởi tố vụ án đối với việc nhập dây chuyền, thiết bị XMLĐ tại Công ty xi măng và xây dựng công trình Lạng Sơn.

Các cơ quan kiểm tra đã làm rõ việc lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép mua 9 xe ô tô vượt định mức trên 1,53 tỉ đồng so với quy định của Thủ tướng tại Quyết định 122/1999/QĐ-TTg. Trong việc này, Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng đã đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của ông Đoàn Bá Nhiên.

 

Một việc làm “kỳ khôi” khác vẫn đang gây dư luận bức xúc tại tỉnh Lạng Sơn là ông Nhiên còn ký một quyết định yêu cầu các dự án đầu tư xây dựng trong tỉnh “đều phải sử dụng các loại sản phẩm cửa nhựa và các sản phẩm nhựa do Công ty xây dựng và sửa chữa nhà Lạng Sơn sản xuất”. Các sản phẩm của công ty này gần như không bán được trên thị trường và trên thực tế khi sử dụng đã nhanh chóng hư hỏng.

 

UBND tỉnh Lạng Sơn còn cho phép ứng vốn dự án “Kiên cố hóa trường học” cho công ty này hơn 4 tỉ đồng, một việc làm trái Luật Ngân sách. Cho đến ngày 28/12/2005, công ty này mới hoàn trả vốn tạm ứng trên được 630 triệu đồng.

 

 Theo Mạnh Quân
Thanh Niên