1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ở Thủ đô, cả làng nói tiếng lóng

Không tận mắt chứng kiến người làng trò chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ “độc nhất vô nhị”, hẳn tôi sẽ vẫn tưởng nơi đây cũng bình thường như biết bao làng quê khác.

Ông Nguyễn Ngọc Đoán - một thợ cối đang giải thích một số từ lóng cho cậu cháu nội. Ảnh: Nhã Khanh
Ông Nguyễn Ngọc Đoán - một thợ cối đang giải thích một số từ lóng cho cậu cháu nội. Ảnh: Nhã Khanh

Cách trung tâm Hà Nội 40km, làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội) nằm nghiêng mình hiền hòa, cổ kính bên dòng sông Nhuệ. Và nếu như không tận mắt chứng kiến người làng trò chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ “độc nhất vô nhị”, hẳn tôi sẽ vẫn tưởng nơi đây cũng bình thường như biết bao làng quê khác.

“Mật ngữ” của những chàng thợ cối

Anh Nguyễn Văn Tuyên (Trưởng thôn Đa Chất) dẫn tôi đến nhà ông Nguyễn Ngọc Đoán, người thợ cối lành nghề lâu năm và cũng là một trong những người am hiểu nhất về tiếng lóng ở làng. Năm nay đã bước sang tuổi 77, ông Đoán tóc bạc phơ như đạo sĩ, tươi cười tiếp chúng tôi. Rót chén nước, ông bảo: “Nhát thít mận!”. Thấy tôi ngơ ngác, anh Tuyên quay sang giải thích: “Ý ông bảo là mời chúng ta uống nước!”. Chưa hết, tôi lại được chứng kiến một màn trò chuyện đầy “bí hiểm” giữa hai người.

- Ông Đoán: Thít chưa? (Ăn chưa?)

- Anh Tuyên: Thít rồi, dơi thít chưa? (Ăn rồi, ông ăn chưa?)

- Ông Đoán: Hôm nay được bệt thít êm (Hôm nay có nhà vừa mời ăn cỗ)

- Anh Tuyên: Lái nhát dơi lõng vụ tõi vai trên tõi sưỡn (Cô này về làng tìm hiểu tiếng lóng ông ạ!)

Đến đây, thấy ông Đoán quay sang tôi cười gật gù, và nếu ông không giải thích cho tôi hiểu đoạn hội thoại trên thì tôi cứ tưởng ông… không biết nói tiếng Việt. Hóa ra, khi có khách lạ, người dân Đa Chất thường nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ mà chỉ người làng mới hiểu.

Ông Đoán bảo, xưa kia làng Đa Chất nằm giữa vùng chiêm trũng, quanh năm mất mùa, nghèo đói triền miên nên ngoài nghề nông, đàn ông trong làng có thêm nghề đóng cối xay lúa bằng tre. Trong quá trình làm nghề, những người thợ đóng cối đã sáng tạo ra ngôn ngữ riêng để sử dụng khi đi “kiếm cơm thiên hạ”. Chẳng hạn, khi thợ chính muốn người thợ giúp việc đi chặt tre bổ củi thì sẽ nói “xảo sởn quần ớt, quất ông lông đi”.

Khi thấy người thợ phụ làm sai, thợ cả sẽ nhắc “mày xấn táo rồi, bệt ngáo kìa” (mày làm lỗi rồi, nhà chủ họ trông thấy kia kìa). “Thợ đóng cối làm việc ở nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, cần phải có cách xã giao tốt. Để có thể vừa tự bảo vệ mình, vừa không mất lòng thiên hạ, lại giữ được nếp làng, thế nên chúng tôi giao tiếp với nhau chủ yếu bằng tiếng lóng” - Người thợ cối lành nghề kể lại.

Gia đình mấy đời làm nghề đóng cối nhưng ông Đoán và hầu hết người làng đều không biết ông Tổ nghề cối xay tre Đa Chất là ai, cũng không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra và sử dụng tiếng lóng, thậm chí trong làng cũng không có một không gian thờ Tổ nghề như các làng nghề thủ công truyền thống khác. Ngay cả anh Tuyên, là Trưởng thôn Đa Chất, nhưng từ khi sinh ra, lớn lên, từng theo cha đi khắp nơi tứ xứ để đóng cối nhưng anh cũng chỉ biết tiếng lóng thông qua truyền khẩu.

Ông Đoán mang ra cuốn sách “Văn hóa dân gian làng Đa Chất” của tác giả Chu Huy – Nguyễn Dấn (Sở VH- TT Hà Tây – 2007). Đây gần như là tài liệu duy nhất có ghi lại cách phát âm được phiên âm của hơn 200 từ lóng thông dụng ở làng Đa Chất. Những từ lóng hầu hết được gom nhặt lại từ các già làng, thợ cối thế hệ ông Đoán.

Chỉ vào cuốn sách, ông Đoán giải thích rằng ví dụ để giục nhau làm việc nhanh lên, họ nói: “Xấn nhẹn lên”; hay như câu “Xấn lăn cho choáng” (Làm nhanh cho đẹp), “Xấn rỉa cho choáng” (chẻ dăm nhỏ ra cho đều mới đẹp). “Có thít êm, xấn cho rỉa” (ý là chủ nhà cho ăn cơm ngon đấy, làm cho đẹp vào); “Không thít êm, xấn xí” (không có cơm ngon đâu làm ẩu thôi).

Tiếng lóng làng Đa Chất được nói theo cách cấu tạo câu tiếng Việt bình thường, ghép các từ lại với nhau, cũng có chủ ngữ- vị ngữ. Ví dụ: “Nhát choáng quá!” (Cô gái xinh quá!), “Dơi nhát thít mận thu” (Mời bà ấy uống nước) “. Có thể nói cả câu tiếng lóng hoặc nói xen lẫn từ tiếng Việt. Ví dụ: “Anh ra tớp cho tôi cái vẫy” (Anh ra lấy cho tôi cái quạt nan), “Xì nhát tớp một cái gành thuôn” (Bà đi lấy một đĩa xào nữa). Thường, người dân dùng rải rác các từ lóng trong câu chuyện, khiến người ngoài làng không thể hiểu nổi.

Đến những năm 70-80, cùng với sự xuất hiện của vật dụng hiện đại, dân làm cối tiếp tục sáng tạo ra những từ lóng như: “Sưỡn mố” (ô tô, xe máy, xe đạp); “Bệt” (tàu thủy); “Sưỡn nhật” (đồng hồ)…

Tiếng lóng gắn với nghề làm cối năm xưa. Vậy khi nghề này không còn nữa, liệu tiếng lóng có còn cần thiết trong cuộc sống của người làng? Khi được hỏi câu này, ông Đoán bật cười: “Có chứ! Lên tàu xe, tôi thấy có kẻ gian nhăm nhe móc túi, muốn hô lên báo cho người làng đi cùng nhưng sợ bị kẻ gian trả thù nên sẽ dùng tiếng lóng “Ón, ón mẹ móm nó tớp hách”, có nghĩa “này này cẩn thận kẻo nó móc túi đấy!”.

Nói về tính ứng dụng của tiếng lóng, ông Nguyễn Quang Khương (làng Đa Chất) cũng hào hứng kể: “Hồi chống Pháp, đã có những lúc người làng tôi dùng tiếng lóng để báo cho anh em trong làng trốn chạy khỏi sự vây bắt của kẻ thù. Sau này, tiếng lóng không chỉ giúp cho thợ cối trò chuyện với nhau khi đi làm nghề mà còn thực dụng trong đời sống hàng ngày. Tôi nhớ hồi trẻ, cùng anh bạn sang làng bên tán gái, nhiều khi ưng một cô nào đó, hai thằng lại kín đáo trao đổi với nhau bằng tiếng lóng. Rồi khi nhà có khách lạ, vợ tôi muốn hỏi chồng có mời cơm không, mua gì về đãi… thì cũng đều dùng tiếng lóng”.

“Lúc ở nhà thì không sao nhưng lúc có khách, hay đi ra ngoài xã hội mới thấy tầm quan trọng của tiếng lóng. Có lần tôi sang làng bên mua thịt lợn số lượng lớn, vì không có kinh nghiệm nên nhờ người làng đi cùng, khi thấy thịt không ngon, người kia bảo “Nhào chẩm” hoặc “Nhào quến” tức là lợn chết đấy, lợn không ngon... Trong trường hợp đó mà không dùng tiếng lóng, rất dễ xảy ra xích mích, đánh nhau giữa chợ ”- Anh Nguyễn Văn Thành, một người dân ở làng thế hệ sau ông Đoán, vẫn còn giữ được vốn tiếng lóng chia sẻ.

“Chúng em muốn học nhưng...”

Việc truyền dạy tiếng lóng ở làng Đa Chất chủ yếu là truyền khẩu, thực hành trong các ngữ cảnh cụ thể. Trước đây chủ yếu dạy trong nhóm thợ làm cối, thợ cả dạy cho thợ phụ, người đi trước dạy cho người đi sau. Phần lớn học bằng cách nghe nhiều, biết, nhớ, hiểu và sử dụng. Học trên đường đi, học khi đi ngủ.

Nhiều người thợ cối thế hệ ông Đoán đã dần mất đi, những người còn sống cũng quên đi nhiều khiến vốn từ lóng đang dần mai một. Trưởng thôn Đa Chất cho biết, hiện nay những người thợ cối còn nói được sành sõi tiếng lóng có khoảng 5 người. Số còn lại là những người có thể nghe, hiểu và nói được một số tiếng lóng nằm từ độ tuổi 45 trở lên. Phụ nữ và trẻ em trong làng cũng biết nhưng chủ yếu là những ngôn ngữ thông dụng trong sinh hoạt gia đình. Đặc biệt, trẻ em Đa Chất sinh ra sau khi nghề cối đã mất, khoảng chục năm trở lại đây, hoàn toàn không biết tiếng lóng, thậm chí còn không biết sự tồn tại của tiếng lóng và nghề cối của làng.

Khi được hỏi, Nguyễn Nhật Bằng (Học sinh trường THPT Phú Xuyên B, Hà Nội) gãi đầu gãi tai bảo: “Chúng em cũng biết tiếng lóng nhưng chủ yếu vài câu để trêu đùa nhau thôi, nghe mọi người nói chỉ làng mình mới có thì cũng tự hào và muốn học lắm nhưng không có chương trình nào cả, mà học truyền miệng thì rất khó nhớ, em thấy còn khó hơn học tiếng Anh”.

Nhận thấy thứ tiếng độc đáo này đang mai một, Sở VH-TT Hà Nội đã tiến hành khảo sát hiện trạng, nhận diện giá trị, tư liệu hóa di sản và lập hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL đưa tiếng lóng làng Đa Chất vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

GS.TS Trần Trí Dõi (Khoa Ngôn ngữ học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhận định: “Có thế thấy ngôn ngữ lạ của Đa Chất hết sức đa dạng và phong phú”. Trong một điều kiện có thể, trong những dịp hội hè của làng Đa Chất nên thể hiện lại một phần nào tiếng lóng này để coi đó như một đặc sản của riêng”.

“Cả xã Đại Xuyên có 6 làng, nhưng chỉ Đa Chất là có ngôn ngữ lạ”- Ông Dương Ngọc Hổ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên, phụ trách mảng văn hóa của toàn xã cho biết. Ông cũng chia sẻ, sắp tới đây, để tiếng lóng phổ biến hơn, trong các cuộc họp chi bộ ở thôn có thể sẽ sử dụng… cả tiếng lóng.

Là những người trong cuộc, từng bôn ba gắn bó với nghề đóng cối và xem tiếng lóng như hành trang không thể thiếu trong mỗi chuyến đi, ông Đoán cùng những người thợ cối năm xưa đã tập hợp nhau lại tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu bằng tiếng lóng.

Theo Thanh Hương

Tiền Phong