1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thừa Thiên Huế:

Ở nơi Tết cũng như... ngày thường!

(Dân trí) - Bên cạnh không khí rộn ràng, tấp nập đón Tết của phố thị là một cái Tết yên ắng đến lạ của làng vạn đò thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cuộc sống nghèo khó, túng quẫn

Chúng tôi có dịp ghé làng vạn đò vào những ngày cuối cùng của năm Đinh Dậu để xem họ chuẩn bị cho năm mới như thế nào. Con đường dài, quanh co dẫn chúng tôi đến một khu làng nằm mấp mé bên bờ sông Bồ khuất sau những bờ cát trắng với vỏn vẹn 24 hộ dân cuối cùng còn sinh sống trên những con đò cũ đã xuống cấp.

Có mặt tại xóm vạn đò, chúng tôi bắt gặp cảnh người dân ở đây đang lau dọn đò của mình và phơi áo quần khi trời đang hửng nắng sau cái mưa lạnh dài ngày vừa qua. Họ cười chào tôi với nụ cười thân thiện và niềm nở, những đứa trẻ con ở nơi đây vẫn vô tư chơi đùa trên bờ để không làm phiền bố mẹ dọn dẹp.

Trên một con đò nhỏ, chật hẹp là bóng dáng gầy gò của một bà cụ đã ngoài 80 tuổi. Đó là cụ Lê Thị Lồng, hầu như cả cuộc đời của cụ đã gắn bó với con đò này. Cụ Lồng kể: “Tui ở đây cũng hơn nửa đời người, chừ con cháu cũng lớn hết rồi. Ở đây cực khổ lắm cô ơi, việc làm lúc có lúc không, kiếm được vài đồng ăn qua ngày là may lắm rồi. Năm vừa rồi trời mưa lạnh, chưa có năm mô lạnh như năm ni, lụt bão liên miên cho nên gia đình tui có làm chi được mô. Nằm ngủ mà lạnh quá không ngủ được cứ thao thức mãi, nửa đêm phải canh nhau tát nước khỏi đò cả sợ chìm đò…”

Xóm vạn đò cuối cùng còn sót lại trên sông Bồ, xã Hương Vinh, Thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Xóm vạn đò cuối cùng còn sót lại trên sông Bồ, xã Hương Vinh, Thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Được biết hộ của cụ Lê Thị Lồng thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Trong 24 hộ ở đây chỉ có 2 hộ thuộc diện cận nghèo. Ngày ngày người dân nơi đây chỉ biết làm thuê làm mướn, có người đến 50 tuổi vẫn không có giấy khai sinh. Con cái của họ khá lắm chỉ học hết cấp 1 là nghỉ vì gia đình không đủ tiền cho con đi học, nhiều đứa trẻ mù chữ, không được đến trường. Cuộc sống cơ cực nay lại càng khốn khổ.

Chiếc đò cũ kĩ, chật hẹp này là nơi sinh hoạt của cụ Lê Thị Lồng cùng 6 thành viên trong gia đình
Chiếc đò cũ kĩ, chật hẹp này là nơi sinh hoạt của cụ Lê Thị Lồng cùng 6 thành viên trong gia đình

Cạnh con đò của cụ Lồng sinh sống là con đò của chị Võ Thị Bé 35 tuổi. Trên chiếc đò chỉ vỏn vẹn 10m2 nhưng đó lại là không gian sinh hoạt của 7 con người là 2 vợ chồng chị Bé và 5 người con gái của anh chị. Chị Bé tâm sự: “Tụi tui ưa có đứa con trai mà đẻ mãi ra toàn con gái, chừ 5 o con gái rồi mà vẫn mong muốn có được thằng con trai…”

Chị Bé chia sẻ thêm: “Tui sống trên đò ri từ bé tới chừ rồi, sống ở xóm vạn đò nên cũng cưới chồng ở đây luôn. Thuyền ni là của ông nội để lại, chừ ông nội mất rồi tụi tui vẫn sống ở đây. Ban ngày thì chồng đi làm cát thuê cho họ, ban đêm thì 2 vợ chồng đi bủa lưới đánh cá, ngày kiếm được khoảng 70.000 đồng.”

Với số tiền ít ỏi mà họ kiếm được, đến ngay cả bữa ăn hằng ngày cũng đã khó khăn. Trên những con đò nhỏ với những tấm bạt cũ kĩ che phủ, ngoài những vật dụng nấu ăn, sinh hoạt hằng ngày cũng chẳng có gì giá trị. Cái Tết đối với họ dường như xa xỉ.

Người dân phơi áo quần của cả gia đình vừa mới giặt xong khi trời vừa hửng nắng
Người dân phơi áo quần của cả gia đình vừa mới giặt xong khi trời vừa hửng nắng

Tết cũng như ngày thường

Không khí nơi đây vẫn như vậy, vẫn ảm đạm và yên bình khi mà cái Tết đang cận kề. Không một cành mai, bông cúc hay cũng chỉ đơn giản là dăm ba gói mứt, gói kẹo. Trên những chiếc đò cũ kĩ, ngoài những vật dụng sinh hoạt hằng ngày thì không còn thứ gì giá trị.

Khi được hỏi đã chuẩn bị gì cho dịp Tết sắp tới, bà Trần Dung (47 tuổi) tuổi tâm sự: “Tui cũng chưa chuẩn bị chi cả cô ơi. Bình thường thì còn có người thuê làm việc này việc kia, đến Tết họ nghỉ hết, tụi tui cũng không có việc chi làm thành ra cũng không có tiền mà ăn. Chỉ mong sống được cho qua ngày chứ Tết cũng không khác chi ngày thường là mấy”.

Người dân xóm vạn đò đón Tết bằng cách chùi rửa những chiếc đò của mình
Người dân xóm vạn đò đón Tết bằng cách chùi rửa những chiếc đò của mình

Nhìn những đứa trẻ vô tư chơi đùa trên bờ cát, chúng tôi không khỏi thương cảm và xót xa. Các em còn quá nhỏ và ngây thơ để hiểu được cảm giác Tết là gì. Em Lê Thị Lài (11 tuổi) khao khát: “Cháu ước Tết ni có được quần áo mới để đi chơi, được ăn nhiều bánh kẹo và được nhiều tiền lì xì để đưa cho mẹ mua đồ ăn cho gia đình”.

Cái Tết của những người dân nơi đây chỉ đơn giản là dọn dẹp nơi sinh hoạt của mình. Đôi khi còn vất vả hơn vì phải lo toan tất cả mọi việc từ kiếm tiền, giặt giũ, cho đến chăm lo bữa ăn cho gia đình… Và còn đó biết bao nhiêu khó nhọc đang đè nặng trên đôi vai của người dân nơi đây. Họ đã trải qua hàng chục cái Tết lênh đênh trên sông nước, lênh đênh như chính số phận của họ.

Một em bé hồn nhiên ngồi trên bờ chơi đùa để bố mẹ dọn dẹp. Không khí Tết đã cận kề nhưng tại đây dường như những gì liên quan tới sắm sửa, đồ mới, thức ăn, kẹo mứt vẫn thiếu thốn
Một em bé hồn nhiên ngồi trên bờ chơi đùa để bố mẹ dọn dẹp. Không khí Tết đã cận kề nhưng tại đây dường như những gì liên quan tới sắm sửa, đồ mới, thức ăn, kẹo mứt vẫn thiếu thốn

Bà Trần Thị Nở (57 tuổi) chia sẻ: “Năm ni lạnh quá, tụi tui chỉ mong có được có được cái nhà trên đất liền để con cái có chỗ trú mưa trú nắng. Tui già rồi chịu được chứ mấy đứa nhỏ thấy hắn chịu lạnh, chịu rét mà thương lắm”.

Được biết UBND xã Hương Vinh đã có dự án cấp đất cho bà con xóm vạn đò từ rất lâu nhưng đến hiện nay, người dân nơi đây vẫn chưa nhận được thêm thông tin gì về việc này.

Được lên bờ là ước mơ, khao khát của tất cả những người dân vạn đò nơi đây. Hằng ngày họ vẫn mong chờ có được một chỗ ở an toàn vững, chãi trên đất liền để được đón một cái Tết đoàn viên ấm cúng bên gia đình và con cháu. Để không còn cảnh Tết không nhà và thoát khỏi số phận lênh đênh bến nước.

Bạch Châu – Đại Dương