1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TT-Huế:

Ồ ạt trộm cát, xâm hại vịnh đẹp thế giới

(Dân trí) - Tình trạng lấy cát từ khu vực bờ biển kéo dài từ Chân Mây cho đến vịnh đẹp thế giới - Lăng Cô (huyện Phú Lộc) - đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp khi nhiều vùng gò cát đã bị lấy gần hết cát và bị san phẳng.

Ồ ạt khai thác cát trái phép

Giữa năm 2009, vịnh Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế) trở thành thành viên câu lạc bộ vịnh đẹp thế giới, mở ra triển vọng lớn về khai thác thế mạnh du lịch biển phía nam tỉnh TT- Huế, tạo động lực đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa vùng kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Tuy nhiên, thời gian qua lại xảy ra tình trạng lấy cát lén lút ở dọc khu vực này, kéo dài từ xã Lộc Vĩnh (gần cảng quốc tế nước sâu Chân Mây) cho đến thị trấn Lăng Cô (nơi có vịnh đẹp thế giới Lăng Cô) của huyện Phú Lộc. Mục đích nhằm phục vụ các công trình đang xây dựng trong và ngoài huyện Phú Lộc.

Qua khảo sát ngày 14/2 tại thôn Phú Hải 1, xã Lộc Vĩnh, nơi khu rừng dẻ nguyên sinh sát biển đã xuất hiện nhiều đường mòn mở từ đường nối liền với các gò cát cao và ra đến tận biển. Đây là dấu tích của các xe khai thác cát trái phép. Sau một vài tháng, gò cát đã biến mất; thậm chí một số vũng, hố sâu do việc tận thu khai thác cát trái phép đã xuất hiện gây ảnh hưởng đến nền địa chất của dải bờ biển.

Ồ ạt trộm cát, xâm hại vịnh đẹp thế giới - 1
Cát bị lấy cắp tại đường ra biển xã Lộc Vĩnh
Ồ ạt trộm cát, xâm hại vịnh đẹp thế giới - 2

Những đồi cát bị xẻ thịt

Ở khu rừng dẻ phía trong thuộc thôn Phú Hải 2 với diện tích hàng trăm hecta, theo quan sát của PV, một số nơi dẻ đã bị chặt phá đi kèm với việc xuất hiện nhiều hố sâu - kết quả của việc lấy đất san lấp trái phép.

Phía thị trấn Lăng Cô, tại khu vực cuối đường Nguyễn Văn Đạt dẫn ra bờ vịnh Lăng Cô, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã huy động cả máy xúc, máy ủi xẻ nát đồi cát và lật tung cây rừng tự nhiên để lấy đất san lấp. Hàng nghìn khối đất cát bị lấy đi làm tăng nguy cơ xâm thực biển vào tận đường phố. Những ngày triều cường sóng to, nước biển mang theo vô số rác rưởi vào tận đường này.

Tình trạng “băm nát” bờ biển không chỉ diễn ra tại Lăng Cô, Lộc Vĩnh mà còn lấn sang cả khu Mũi Doi, đầm Lập An. Hàng chục ngôi nhà dân ở vùng giải tỏa đầm Lập An sát chân đèo Phú Gia đang xây mới với nguồn đất san nền lấy từ cát biển khai thác trái phép.

Ở vùng Thổ Sơn (xã Lộc Tiến, địa bàn giáp ranh với Lăng Cô và Lộc Vĩnh), 1 công sở lớn đang được triển khai xây dựng với hạng mục đắp nền trên mặt đất ruộng lúa rộng lớn bằng vật liệu san lấp lấy từ nguồn cát biển.

Ồ ạt trộm cát, xâm hại vịnh đẹp thế giới - 3
Mặt nền công sở tại khu vực xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) sử dụng vật liệu san lấp từ cát biển

Ồ ạt trộm cát, xâm hại vịnh đẹp thế giới - 4
 
Đã có những hố sâu, hiện tượng sụt lún

Ngay cả chủ đầu tư các resort, khách sạn cao cấp ven biển tại vùng này cũng là đối tượng “tiếp tay” cho vấn nạn khi cho san lấp toàn bộ những đụn cát để tạo đường thông thoáng nhìn ra biển. Thay vì nương vào thiên nhiên để kiến tạo lên các kiến trúc hợp với cảnh quan, họ lại phá bỏ nên vào mùa gió chướng, cát và gió thay phiên tấn công các resort. Kết quả, cây ăn quả, cây tạo cảnh tại resort cũng không sống nổi.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư sau một thời gian “ôm” dự án du lịch, vì những lý do khác nhau, để mặc cho các khu đất “vàng” ven vịnh đẹp Lăng Cô, Lộc Vĩnh biến thành “mỏ” đất vật liệu san lấp dồi dào, miễn đóng phí tài nguyên, dành để bán cát cho nhiều đơn vị xây dựng và người dân.

Chính quyền bất lực?

Chính tình trạng khai thác vô tội vạ này đã làm cho dải bờ biển Chân Mây - Lăng Cô bị biến đổi nghiêm trọng. Nhiều đụn cát chắn gió ven biển biến mất, thảm thực vật bản địa bị cạo sạch, cây chắn gió thưa dần và tình trạng sa mạc hóa bờ biển ngày càng tiến nhanh. Nhiều nơi không còn đụn cát nên tình trạng cát bay, cát nhảy “tấn công” các hộ dân là chuyện thường xảy ra. Đường bờ biển bị biến dạng, xâm thực, tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm, ảnh hưởng các khu dân cư, đất sản xuất bên trong. Và quan trọng hơn là Vịnh đẹp thế giới Lăng Cô sẽ bị xâm hại lớn bởi tác động thiên nhiên khi không còn những lá chắn như trên.

Tuy tình trạng khai thác cát trái phép kéo dài từ vài năm trở lại đây, nhưng kết quả xử lý rất "khiêm nhường". Một số biện pháp như đào hào sâu chia cắt đường vận chuyển, cử người ra canh gác ở các vùng điểm nóng, vận động nhắc nhở... được áp dụng nhưng có vẻ không mang lại hiệu quả.

Ngày 16/2, ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh sau khi nghe PVDân trí trao đổi về khu vực rừng dẻ phía trong (thôn Phú Hải 2) bị đào đất, cho biết xã đã giao thôn quản lý; nếu có tình trạng khai thác này là do một số người dân đã lén lút đào trộm đi bán. Ông Ga nói sẽ cho kiểm tra và xử lý (!).

Ồ ạt trộm cát, xâm hại vịnh đẹp thế giới - 5
Xe múc, xe ben ngang nhiên chở cát ở dọc khu vực biển Chân Mây-Lăng Cô. (Ảnh: Minh Nhân)

Về tình trạng đoạn bờ biển bị xe cát ra múc trộm, ông Ga cho biết đất đó đã thuộc về 1 công ty đầu tư làm resort. Theo quy định của địa phương, các công ty khai thác vật liệu xây dựng không được phép lấy cát biển nên địa phương đã cử người ra canh gác ở các chòi dựng sát biển. Tuy nhiên vì thời điểm cuối năm 2011, gió đã thổi văng hết chòi canh nên lực lượng canh gác bị ảnh hưởng, hạn chế.

Trao đổi thêm với ông Ga rằng có thông tin từ trong người dân là xe chở cát trái phép phải nộp cho xã vài chục ngàn đồng/xe, ông Ga khẳng định xã hoàn toàn không chủ trương việc này.

Theo ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, tình trạng vi phạm về khai thác đất san lấp ven biển diễn ra lâu nay, nhưng do xảy ra chủ yếu vào các ngày nghỉ nên không quản lý nổi. “Cũng do các khu vực khai thác cát trái phép là đất đã giao cho các nhà đầu tư du lịch nên chúng tôi khó tiếp cận. Thời gian đầu họ còn lập hàng rào khoanh vùng lô đất, cho người đến bảo vệ, nhưng sau này thì thả nổi. Thậm chí, họ còn ngấm ngầm cho các đơn vị san lấp vào đây khai thác cát làm vật liệu. Chúng tôi đã kiến nghị doanh nghiệp du lịch phối hợp quản lý đất đai, sử dụng đất đúng mục đích được giao, nhưng chưa có kết quả”, ông Giảng phân trần.
 
Ồ ạt trộm cát, xâm hại vịnh đẹp thế giới - 6

Một đụn cát nhìn ra biển Lăng Cô đã bị san phẳng tự bao giờ.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan chức năng phải gấp rút vào cuộc chấn chỉnh tình trạng trên, đừng để đến khi vịnh đẹp thế giới bị “băm nát” mới hành động.

Theo Nghị quyết 12e của HĐND tỉnh TT- Huế ban hành tháng 7/2009, vùng cát trắng, đất đồi ven biển huyện Phú Lộc không nằm trong phạm vi quy hoạch toàn tỉnh về đất làm vật liệu san lấp cho đến năm 2015. Tuy nhiên, dưới những gì đang diễn ra thì dải cát trắng ven vịnh biển Lăng Cô, Lộc Vĩnh vẫn đang là một “ngoại lệ” khi liên tục bị xâm hại vì nhiều mục đích lợi ích khác nhau của các cá nhân, tổ chức. 


Đại Dương