1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Nuôi tôm trên cát: Hiểm họa môi trường ở Quảng Trị

Sau hơn 3 năm triển khai, dự án nuôi tôm trên cát tại tỉnh Quảng Trị (dự án ATI) đã thất bại. Một vấn đề bức xúc đặt ra: Sẽ giải quyết như thế nào hậu quả môi trường do dự án gây ra?

Dự án ATI được UBND tỉnh Quảng Trị cho thuê từ 2000 đến 2228 ha đất thuộc vùng cát ven biển của huyện Hải Lăng, gồm 5 xã: Hải Ba, Hải An, Hải Khê, Hải Dương và Hải Quế, thời hạn 50 năm, để xây dựng khu nuôi tôm nước lợ.

 

Chủ đầu tư đã san ủi trên 200 ha để xây dựng khu nuôi tôm. Riêng xã Hải Ba có 300 ha thuộc dự án thì gần 100 ha đã san ủi nay bắt đầu trở thành hoang mạc.

 

Hiện trạng khu nuôi tôm ở Hải Ba sau nhiều vụ liền kém hiệu quả trông thật bề bộn. Giữa mênh mông cát trắng, nhiệt độ mùa hè lên tới gần 40 độ C,  mùi bốc lên từ những tấm bạt nhựa bị rách nát, bị đốt cháy rất khó chịu…

 

Đó là hiện trường mà dự án nuôi tôm trên cát của Cty TNHH Công nghệ Việt Mỹ bỏ lại. Chuyện trước đây ít ai ngờ tới. Nó đã phản ánh cụ thể về một cách làm tạm thời, một sự đầu tư  tạm bợ và một hiện trạng khác xa so với những gì mà chủ đầu tư đã “vẽ ra bằng lời” trước lúc đặt chân đến vùng cát Quảng Trị. 

 

Dự án không mang lại hiệu quả là nguy cơ đối với nhà đầu tư. Nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường là hậu họa đối với người dân. Do không tuân thủ quy trình sản xuất và bảo vệ môi trường như đã cam kết, nên chỉ sau một vụ nuôi, môi trường trở nên báo động.

 

Dòng kênh tự nhiên đi qua thôn Thuận Đầu mà Cty TNHH Công nghệ Việt Mỹ dẫn nước thải không qua xử lý đổ ra biển cứ vào cuối vụ nuôi lại quạnh đỏ do nhiễm mặn. Ông Mai Văn Cai, chủ tịch UBND xã Hải An cho hay: toàn thôn Thuận Đầu có 7 giếng nước đã bị nhiễm mặn, chuyện trước đây chưa từng xảy ra.

 

Ông Võ Trực Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Trị, xác nhận: kết quả kiểm tra mẫu nước cho thấy nước giếng của nhiều hộ dân ở Thuận Đầu bị nhiễm mặn là có thực, nhưng chưa thể kết luận nguyên nhân vì cần phải khoan thăm dò để có cơ sở khoa học đủ sức thuyết phục. 

 

Việc khoan thăm dò là cần thiết và sẽ được tiến hành trong nay mai khi có nguồn kinh phí cho phép. Vậy là, trong  lúc chờ đợi cơ quan chức năng tổ chức khoan thăm dò, chờ kết luận, rồi chờ giải quyết,  hàng chục hộ gia đình ở Thuận Đầu hàng ngày vẫn phải đi xa hàng cây số để lấy nước sinh hoạt.

 

Hiện tại Cty TNHH chăn nuôi CP Thái Lan, đơn vị tiếp quản cơ sở hạ tầng từ dự án ATI, đang lặng lẽ thực hiện chiến thuật thu gọn sản xuất, cách làm hoàn toàn trái ngược với không khí “giăng trống mở cờ” và ồ ạt của Cty TNHH Công nghệ Việt Mỹ đã áp dụng trước đây.

 

Điều này cũng đồng nghĩa trên 100 ha cát đã san ủi ngổn ngang trên địa bàn Hải Khê và Hải Ba sẽ tiếp tục bị hoang hóa, và rồi sẽ là nạn cát bay, cát nhảy,  cát lấp…

 

Nói như ông Hà Huy Tiếp, Chủ tịch Hội CCB xã Hải Khê thì:  “Sự thiệt hại của Cty TNHH Công nghệ Việt Mỹ dẫu sao vẫn tính được bằng tiền, bằng những con số thống kê cụ thể; còn hậu quả về môi trường lâu dài mà dự án đã gây ra và để lại trên vùng cát buộc người dân phải gánh chịu thì lại không tính được như thế”.

 

Theo Tiền phong