Nước vui, lá khát - Muôn mặt của tử thần ma túy trong thế giới học đường
(Dân trí) - Mặc dù không tạo "cơn lốc" như những năm về trước nhưng ma túy tổng hợp hiện nay đang âm thầm, len lỏi, tấn công vào trường học ở Quảng Ninh dưới những cái tên hấp dẫn, gây tò mò và kích thích...
Khi ma túy tấn công học đường
Theo lực lượng phòng chống tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh, những năm gần đây, qua công tác đấu tranh phát hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới, với các hình thức sử dụng phong phú, đa dạng, từ hút, hít, uống đến ngậm. Những "tử thần" này mang nhiều "khuôn mặt" với nhiều tên gọi khác nhau như trà sữa, nước vui, đông trùng hạ thảo, lá khát, cỏ Mỹ…
Với những tên gọi hấp dẫn, lôi cuốn, gây tò mò, kích thích, thậm chí tưởng như vô hại, các loại ma túy tổng hợp trên trở thành "ma lực" đối với giới trẻ, nhất là các em học sinh, sinh viên và để lại hậu quả khôn lường.
Đơn cử như vụ việc 13 học lớp 10 của trường THPT Hoành Bồ, TP Hạ Long có biểu hiện rối loạn chức năng buộc phải nhập viện vào ngày 25/10 vừa qua; qua test nhanh phát hiện có tới 5 học sinh dương tính với chất THC (một loại chất có trong cây cần sa).
Cơ quan công an sau đó đã làm rõ, số học sinh rơi vào tình trạng trên là do cùng nhau sử dụng một loại thực phẩm chức năng có dạng thanh (giống kẹo dẻo) có nguồn gốc từ Mỹ, được chiết xuất từ cây cần sa và chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Theo phân tích của các chuyên gia, THC là chất có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của con người, khi vào cơ thể có thể gây ảo giác, ảnh hưởng đến tim mạch, phổi, hệ tiêu hóa…
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, khi đã bị cuốn vào vòng xoáy ma túy, sẽ có nhiều học sinh bỏ học giữa chừng, sống buông thả và trượt dốc từ đó.
Đ.H.T. (15 tuổi, ở TP Cẩm Phả) vốn có ngoại hình xinh xắn, gia đình khá giả nhưng do bố mẹ mải làm ăn nên thiếu sự quản lý gắt gao. Sau một vài lần được bạn bè cho dùng thử ma túy đá, T. đã sa đà và trở thành con nghiện lúc nào không hay. T. từng phải nhập viện cấp cứu do sử dụng ma túy tổng hợp quá liều nhưng ra viện vẫn không từ bỏ được sự cám dỗ chết người này và một thời gian sau T. đã bỏ học.
T.H.A. (14 tuổi, ở TP Hạ Long) cũng đã nghiện cỏ Mỹ sau vài lần được đám bạn cho dùng thử; sau đó A. bỏ học, bỏ nhà, sống bầy đàn với nhóm bạn xấu.
Vài năm trước, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh qua kiểm tra một cơ sở kinh doanh karaoke thuộc TP Cẩm Phả, phát hiện tại một phòng hát có tới 5 học sinh THPT trong số 25 đối tượng đang thác loạn có hành vi sử dụng các loại ma túy tổng hợp.
Trước đó, người dân Quảng Ninh từng bàng hoàng, đau xót trước vụ việc một nam sinh của một trường cao đẳng dạy nghề trên địa bàn tỉnh trong cơn "ngáo đá" đã nhảy từ tầng 4 xuống và tử vong.
Không chỉ sa đà, nghiện ngập, nhiều học sinh để có tiền mua ma túy phục vụ cơn nghiện của bản thân đã bước chân vào con đường phạm tội.
Theo tài liệu từ cơ quan công an, cuối năm 2020, Công an TP Uông Bí đã bắt, khởi tố Trương Việt Nam và Trương Thanh Lâm (cùng SN 2003, cùng là học sinh một trường THPT trên địa bàn) về hành vi tổ chức cho Trần Nhật Linh (SN 2006), học sinh một trường THCS trên địa bàn thành phố sử dụng trái phép ma túy.
Trước đó, Công an thị xã Quảng Yên cũng từng bắt quả tang Phạm Hữu Công (SN 2002), học sinh một trường THPT trên địa bàn thị xã đang có hành vi mua bán trái phép ma túy.
Theo một điều tra viên thuộc lực lượng Phòng chống tội phạm về ma túy công an tỉnh, với tác động trực tiếp lên hệ thành kinh trung ương, làm suy kiệt sức khỏe, giảm khả năng nhận thức, mất kiểm soát hành vi, đối tượng sử dụng ma túy không chỉ để lại nỗi đau về thể chất, tinh thần cho bản thân, gia đình mà còn gây hệ lụy cho xã hội.
Cũng theo điều tra viên này, qua công tác đấu tranh cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh, sinh viên rơi vào vòng xoáy ma túy, trong đó có nguyên nhân do nhận thức của thanh niên nói chung và học sinh, sinh viên về hậu quả, tác hại của ma túy còn hạn chế. Thậm chí nhiều em còn cho rằng, ma túy tổng hợp không gây nghiện, dẫn đến có xu hướng sử dụng các loại ma túy tổng hợp dạng đá, ketamine, thuốc lắc…trong các dịp liên hoan, tổng kết, sinh nhật… chỉ để cho vui.
Học sinh ngoan cũng có thể trở thành nạn nhân?
Theo nhận định của Công an tỉnh Quảng Ninh, tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy liên quan đến học sinh, sinh viên vẫn có diễn biến phức tạp. Qua công tác đấu tranh phát hiện nhiều đối tượng là học sinh phạm tội tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Trong khi đó, việc phòng chống ma túy tổng hợp tấn công học đường rất khó khăn do nhiều bạn trẻ coi đây là một trào lưu, thể hiện đẳng cấp, chất chơi mà không quan tâm tới tác hại của loại ma túy này.
Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự quan ngại về thực trạng trên. Chị T.L.A. (ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long) cho biết, gia đình chị rất hoang mang lo lắng trước những thông tin về các loại ma túy mới bởi con trai chị hiện là học sinh cấp 3, độ tuổi rất dễ bị tác động, lôi kéo. Trong khi ma túy xâm nhập vào học đường với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chị A. cũng bày tỏ mong muốn gia đình cùng nhà trường cần có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giám sát học sinh.
Theo ngành giáo dục tỉnh, ma túy tổng hợp với những cái tên tưởng chỉ là một loại thực phẩm, hấp dẫn, vô hại nhưng thực tế tác hại khôn lường. Do đó, không chỉ phụ huynh mà nhà trường cũng rất lo lắng. Nhất là khi các đối tượng xấu với phương thức thủ đoạn tinh vi rất khó nắm bắt, bất cứ học sinh nào cũng có thể trở thành nạn nhân, kế cả học sinh ngoan.
Thời gian qua, ngành cũng đã chỉ đạo các nhà trường đưa việc cảnh báo tác hại của các loại ma túy vào trương trình ngoại khóa để các em học sinh nhận diện, phòng tránh. Tuy nhiên thời gian học sinh học văn hóa là chủ yếu nên quan trọng nhất vẫn là các em tự nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức để chủ động bảo vệ bản thân.
Xác định cuộc chiến chống ma túy, nhất là ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường là cuộc chiến không khoan nhượng. Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, của thanh thiếu niên trong ngăn chặn, phòng ngừa tệ nạn này đối với Công an tỉnh Quảng Ninh sẽ là một bước đi hiệu quả trong xây dựng địa bàn an toàn, "nói không với ma túy".
Trong thời gian qua, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng 3 kế hoạch về việc phối hợp tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma túy trong trường học trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Công an nhiều địa phương thời gian qua cũng đã tổ chức các buổi tuyên truyền trong trường học thuộc địa bàn.
Đơn cử, Công an phường Tân An, thị xã Quảng Yên đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật, trong đó chú trọng biện pháp phòng chống tệ nạn ma túy cho các trường học, trong đó có trường THCS Tân An.
Với phương châm hành động "Coi công tác phòng ngừa là chủ yếu, lấy gia đình làm điểm tựa, lực lượng công an là nòng cốt…", Trường THPT Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) quyết tâm nói không với ma túy.
Tại TP Móng Cái, thời gian qua, với việc đổi mới cách truyền đạt theo hướng tuyên truyền miệng gắn với hình ảnh trực quan sinh động, sử dụng hiệu ứng tác động trực tiếp từ các video clip ghi lại hình ảnh biểu hiện của người sau sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy đá… do Công an thành phố phối hợp với các trường tổ chức cũng đã mang lại hiệu quả cao.