13 học sinh dương tính với ma túy vì ăn "kẹo": Kiểm soát kiểu gì?

Văn Hiền

(Dân trí) - Chiều ngày 25/10, khi đọc được thông tin 13 học sinh lớp 10 dương tính với ma túy ở trường THPT Hoành Bồ (TP Hạ Long) nhiều phụ huynh, học sinh và cả giáo viên đều lo lắng "mất ăn, mất ngủ".

Vào lúc 7h45 ngày 25/10, trong giờ chào cờ đầu tuần, một học sinh lớp 10 có biểu hiện ngộ độc như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay. Tiếp đó, có thêm 12 học sinh có biểu hiện tương tự. 

Ngay khi phát hiện sự việc, Ban Giám hiệu nhà trường đã cùng tổ y tế đã sơ cứu và chuyển các học sinh này đến Bệnh viện Đa khoa Hạ Long. Sau khi làm test nhanh, 13 học sinh đều có kết quả dương tính với ma túy (THC-cần sa).

13 học sinh dương tính với ma túy vì ăn kẹo: Kiểm soát kiểu gì? - 1
Sản phẩm các em học sinh ăn không phải là kẹo mà thực tế là thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ nước ngoài được chiết xuất từ cây cần sa (Ảnh: Cổng TTĐT TP Hạ Long).

Nếu sự việc không xảy ra, biết đâu người đó lại là mình... 

Dù đã được học, lắng nghe rất nhiều kiến thức về phòng chống ma túy tại các buổi ngoại khóa và giờ học trên lớp. Nhưng em Hoàng Gia Bảo (học sinh lớp 10A3, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hạ Long) cũng thừa nhận đôi khi mình cũng chưa đủ tỉnh táo để phân biệt được những hiểm họa từ "ma túy xâm lấn học đường" này.

Gia Bảo chia sẻ: "Ở trường cứ vào các giờ chào cờ đầu tuần thường sẽ có các hoạt động ngoại khóa từ các thầy cô tổ chuyên môn với chủ đề "phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội học đường". Trong sân trường hay cổng trường cũng có rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu nói lên sự nguy hiểm và tác hại của ma túy.

Theo tìm hiểu của em, ma túy rất đa dạng về thể loại và được biến hóa rất tinh vi. Nếu sự việc hôm nay không được phơi bày, thì đâu ai biết trước ngày mai người đó lại là em hoặc một bạn khác".

13 học sinh dương tính với ma túy vì ăn kẹo: Kiểm soát kiểu gì? - 2
Các học sinh đang được điều trị tại bệnh viện và đã hồi phục. (Ảnh: Cổng TTĐT TP Hạ Long).

Theo Gia Bảo, nhiều bạn học sinh luôn có phương châm sống: "Vui có chừng - Dừng đúng lúc" thì cũng có không ít bạn từng ngày tiếp tay, làm lan truyền tệ nạn xã hội ra cộng đồng. Những người cả tin, sống ăn chơi, đua đòi để rồi cũng trở thành nạn nhân của ma túy xâm lấn vào học đường. Không ý thức được hậu quả mà mình gây ra đã tạo nên một "lỗ hổng đen" vào thế hệ trẻ mà chỉ biết hưởng lợi cho riêng mình. Những con người ích kỉ như vậy đáng phải chịu vô số những hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật và sự cắn rứt giày vò của tòa án lương tâm.

Em Nguyễn Thu Phương (học sinh lớp 12, Trường THPT Hiệp Hòa số 3, Bắc Giang) thì cho rằng: "Đây là trường hợp khá là nghiêm trọng và gây hoang mang trong dư luận, cần phải có sự kiểm tra chặt chẽ hơn từ gia đình, nhà trường, các cơ quan chức năng".

13 học sinh dương tính với ma túy vì ăn kẹo: Kiểm soát kiểu gì? - 3

Em Nguyễn Thu Phương: "Vụ việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến các bạn học sinh, phụ huynh mà còn ảnh hưởng đến vấn nạn ma túy xâm lấn, len lỏi vào tận học đường". (Ảnh: NVCC)

"Trên các trang mạng xã hội, em cũng từng thấy nhiều đối tượng rủ rê và lôi kéo bạn học cùng lớp mời dùng thử kẹo thuốc lá, bùa lưỡi hay khô gà. Tìm hiểu rõ ngọn ngành em mới biết đó chính là ma túy, lợi dụng sự nhận thức chưa rõ ràng, lòng ham muốn thể hiện mà nhiều bạn đã lao vào thử để rồi mới ngã ngửa ra đó chính là ma túy", Thu Phương kể.

Sau sự việc đáng tiếc xảy ra đối với 13 học sinh tại trường THPT Hoành Bồ, Thu Phương mong muốn: "Các cơ quan chức năng cần siết chặt trong việc giám sát, quản lý thực phẩm tiêu dùng, điều tra rõ ràng để tránh hoang mang dư luận và làm cho môi trường học đường thật trong sạch. Các bạn học sinh thì cần nâng cao hiểu biết, hạn chế và không nên mua hay sử dụng các loại hàng hóa , bánh kẹo không rõ nguồn gốc để tránh gặp phải trường hợp như các bạn học sinh trên. Nếu đã không may gặp phải trường hợp nguy hiểm vì sử dụng ma túy thì đây chính là bài học cảnh tỉnh để tránh.

Nếu bản thân em trong tình huống trên thì em sẽ hỏi rõ bạn xem kẹo mua từ đâu, nếu là loại kẹo không có nguồn gốc thì cần xem rõ các thành phần trên bao bì và sẽ không ăn, hoặc nếu có ăn phải và có các triệu chứng đau đầu, buồn nôn thì ngay lập tức báo cho thầy cô và người thân".

Phụ huynh lo lắng

Chị Hoàng Dương Hồng (Phụ huynh em Hoàng Gia Bảo) thấy vô cùng lo lắng, sợ vô tình trong hoàn cảnh nào đó một loại ma túy khác cũng được biến hóa thành thứ gì đó đến tay con trai mình và nhiều học sinh khác.

Chị Hồng đã cùng rất nhiều phụ huynh khác không khỏi bất an khi nhận thông tin trên. Quá đáng trách và cũng đáng thương cho những em học sinh trên, chỉ vì chưa nhận thức được sự nguy hiểm của ma túy và làm chủ bản thân.

"Bảo vệ con trẻ trước hiểm họa ma túy là trách nhiệm của toàn xã hội, nòng cốt là gia đình và chính những bậc làm cha, làm mẹ. Gia đình cần phải sẵn sàng phối hợp với nhà trường theo sát con em mình, tránh để các cháu tiếp xúc với ma túy. Vì thế, việc huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo vệ con em trước hiểm họa ma túy là giải pháp khả thi nhằm đẩy lùi ma túy học đường ra khỏi môi trường sư phạm", chị Hồng nói. 

Để có hiểu biết đúng đắn về ma túy và tác hại nguy hiểm của ma túy, có cách tuyên truyền đúng đắn cho con em. Chị Hồng và nhiều phụ huynh đã cùng mua một bộ tài liệu chính thống về phòng chống ma túy học đường có tên "Kỹ năng phòng, chống ma túy" cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ, học sinh cấp THCS, THPT" đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định. 

13 học sinh dương tính với ma túy vì ăn kẹo: Kiểm soát kiểu gì? - 4
Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" gồm 4 cuốn: Cho học sinh trung học cơ sở; Cho học sinh trung học phổ thông: Cho cha mẹ học sinh; Cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Anh Nguyễn Tiến Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm rằng: "Việc định hướng bồi dưỡng kiến thức về phòng chống ma túy để  con em mình không sa vào tệ nạn ma túy vẫn tốt hơn là giải quyết hậu quả. Đầu tiên, chúng ta phải làm gương tốt trong lối sống, cách ứng xử, tránh để xảy ra xung đột trước mặt trẻ con. Nếu gia đình hòa thuận sẽ tạo cho trẻ ổn định về mặt tâm lý, hình thành nhân cách tốt cho trẻ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có những giải pháp đúng đắn để định hướng cho đứa trẻ ngay từ khi còn ở tuổi vị thành niên. Thẳng thắn nêu ý kiến của mình về cái gì ''tốt'' cái gì ''xấu''. Phải xây dựng được mối liên kết chặt chẽ của lòng tin và sự thương yêu. Tăng cường lòng tự tin, tính tự lập của con. Song hành với việc quan tâm đến con cái để kịp thời uốn nắn, ngăn chặn những thói hư tật xấu của chúng thì việc khen ngợi, khuyến khích con em mình làm những việc tốt cũng rất cần thiết vì nó sẽ tạo ra cho con hưng phấn và lòng tự tin, quên đi những cảm giác bị ràng buộc, mất tự do, ngăn chặn những ''bột phát'' của con".

Theo anh Thành, phụ huynh đừng quá nuông chiều con, cũng đừng quá lo lắng khi thấy con có những biểu hiện khác lạ, hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, cố gắng gần gũi, quan sát, kiên trì lắng nghe để hiểu con hơn. Cha mẹ hãy là người bạn lớn, là chỗ dựa vững chắc cho con thay vì là nguyên nhân khiến con sa ngã và hủy đi tương lai, tiền đồ sáng lạn của con mai này.

"Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn từ gia đình - nhà trường - xã hội"

Cô Nguyễn Thị Thu Hương (Hiệu trưởng của một trường học trên địa bàn huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) cho rằng: "Nhà trường là một đầu nối quan trọng trong việc phòng ngừa và đẩy lùi sự xâm lấn của ma túy vào môi trường học đường".

"Muốn phòng, chống ma túy trong học đường thì cần  phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Với gia đình là tế bào của xã hội, đó chính là nơi tổ chức giáo dục, theo dõi, giám sát để phòng, chống ma túy, sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng các loại ma túy. Muốn làm được điều đó, phụ huynh cần phải liên hệ giáo viên chủ nhiệm để theo dõi lịch học tập, rèn luyện của các con ở trường.

Nhà trường cũng cần thường xuyên tổ chức và thực hiện các chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy với các hình thức đa dạng như tọa đàm, hoạt động ngoại khóa tuần, tháng để lồng ghép việc giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy đối với học sinh. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phòng bị một số kĩ năng cơ bản để học sinh bảo vệ được bản thân trước nguy cơ xâm nhập ma túy vào học đường, những phương thức lôi kéo học sinh sử dụng ma túy của tội phạm ma túy và hướng dẫn cách phòng tránh", cô Hương chia sẻ,

Thầy Vũ Mạnh Tiến (Giáo viên cấp 3, tại Quốc Oai, Hà Nội) nêu ra 3 lời khuyên cho các bậc phụ huynh nếu phát hiện con đã và đang sử dụng ma túy.

"Thứ nhất, tâm lý đầu tiên, phụ huynh cần thẳng thắn trao đổi và tâm sự cùng con. Tìm ra nguyên nhân và những người lôi kéo con sử dụng ma túy, thông thường các con sẽ phủ nhận hoàn toàn vào việc mình sử dụng ma túy, hoặc đưa ra những lý do biện minh. Luôn luôn phải nhấn mạnh với con về việc cha mẹ sẽ đồng hành với con, giúp con vượt qua trạng thái tinh thần. Hãy thực sự là chỗ dựa cho con, chứ không nên là nơi khiến con sợ hãi.

Thứ hai, cha mẹ cần nghiêm khắc để con biết hành động của mình là sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nghiêm khắc ở đây không phải là dùng đòn roi hay khiến con xấu hổ trước mọi người. Cần lắng nghe tâm sự của con, biết nguyên nhân sâu xa và định hướng cách giải quyết cho con tự nguyện nghe theo, chứ không vội vã ép buộc con, dễ dẫn đến con có những suy nghĩ tiêu cực.

Thứ ba, sau khi phát hiện con sử dụng ma túy, cha mẹ cần thường xuyên giám sát con nhưng cũng không quá kiểm soát. Phải thật bình tĩnh, chứ không nên trách phạt con. Đồng thời, tạo ra những khoảng không gian để nghe con tâm sự, từ đó gần gũi, chia sẻ với con về vấn đề ma túy".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm