1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nước mắt ngày đặc xá

(Dân trí) - Con đường nhỏ gập gềnh, bên cạnh làng nghề điêu khắc đá bụi trắng xoá không cản nổi dòng người ngược xuôi đổ về trại giam Ninh Khánh, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Tất cả đều chung tâm trạng hồi hộp, bồn chồn pha chút âu lo trước giờ đón người thân ra trại.

Suốt bao năm qua, nhiều gia đình thiếu đi sự quan tâm săn sóc của người chồng và cả bàn tay ân cần vun đắp cuộc sống của người vợ. Bởi đơn giản họ đã sai lầm, họ là những phạm nhân. Hình ảnh mẹ đón con, bà đón cháu, vợ đón chồng và đặc biệt nhất là những trẻ thơ đón bố, đón mẹ mừng khôn xiết khiến chúng tôi cũng thấy nao lòng.

Ánh mắt của những đứa trẻ nói lên phần nào sự mong chờ để có được hơi ấm và bàn tay nâng niu che chở. Một em nhỏ không kìm nổi cảm xúc và sự hồn nhiên trẻ thơ gọi bố trong tiếng nức nở: “Bố ơi về với con và đừng đi như thế nữa”.
 
Nước mắt ngày đặc xá - 1

Các phạm nhân đặc xá đang làm thủ tục ra trại. (Ảnh: Vietnamnet)

Ngày 17/1 trại giam Ninh Khánh (Bộ Công an) đã tổ chức lễ công bố Quyết định đặc xá năm 2009 của Chủ tịch nước cho 267 phạm nhân, trong đó có 70 phạm nhân nữ. Không khí trang nghiêm nhưng không kém phần vui tươi bởi những màn ca múa nhạc của các chiến sĩ công an gửi tới chia tay phạm nhân.

Từng hồi pháo tay vang rền phía dưới hội trường, một phần là để tán thưởng bài hát, nhưng phần khác thể hiện niềm vui, lòng biết ơn đối với các vị quản giáo đã dày công đưa họ về với chính mình.

Phó Giám thị trại giam Ninh Khánh Đặng Xuân Thụ chia sẻ: “Đau xót lắm, có những người rất tốt, rất thông minh năng động nhưng chỉ một lát bồng bột đánh mất đi nhiều cơ hội trong cuộc đời”.

Nhiều người hành động sai trái, lúc tỉnh tâm bớt giận mới thấy ân hận và mong được làm lại từ đầu - đấy là phần lớn những ý kiến trả lời với chúng tôi trong cuộc gặp gỡ vội vàng và xa lạ.

Một điều trớ trêu, không phải ai bước vào “cổng tù” cũng có hoàn cảnh éo le, nghèo khổ. Mà thay vào đó nhiều người có cuộc sống sung túc, những quan chức, những cán bộ, những vị thành niên khi tuổi đời còn rất trẻ với nhiều điều hứa hẹn phía trước. Nhưng rồi, họ là ai nhưng khi đã dính vào vòng lao lý thì pháp luật không buông tha, cũng chỉ vì đảm bảo công bằng và chân lý cho xã hội.

Anh P.N. S quê ở Thái Bình tâm sự: Ai làm thì người đấy phải chịu, tôi làm thì không thể để người khác chịu, cuộc đời thật khốn khổ khi bị cách ly xã hội, khi mình được làm người lương thiện nhưng mình lại đánh mất nó. Mong rằng sẽ làm lại cuộc đời và không bị xã hội kỳ thị.

Còn anh T, ở Nam Định nói: Lúc hung hăng, rượu chè làm mất tính người, còn trong những ngày vất vả, cô đơn sau cánh song sắt mới thấy khát khao sự tự do và giờ đây luôn tự răn mình: “không bao giờ cho phép sống buông thả, bừa bãi và ngoài vòng pháp luật”.

Đau hơn và bất hạnh hơn khi những người mà tuổi đời của họ lẽ ra phải là “cây đại thụ” của dòng họ, làm gương, dạy dỗ con cháu, đằng này lại “chôn vùi” những giây phúc cuối cuộc đời vào chốn lao tù. Phạm nhân H.V. M, 70 tuổi, quê Hải Phòng, phạm tội giết người đã thụ án 7 năm. Do cải tạo tốt nên đợt này được đặc xá trước thời hạn 4 năm 7 tháng.

Ông M nói: “Tuổi đã già không còn cơ hội nhiều để làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, tôi vẫn làm và làm được ngày nào thì tốt ngày đấy. Nếu cuộc đời cho tôi trẻ lại lại lần thứ hai thì tôi sẽ không bao giờ phạm tội bởi sau những ngày cô đơn trống trải tuổi già”.

Hiện nay, trại giam Ninh Khánh có 3.400 phạm nhân - đang từng ngày rèn luyện, thi đua để trở thành những công dân tốt. Các phạm nhân được học chữ, học văn hoá, học nghề... Và cơ hội đang rộng mở cho những người biết ăn năn, hối cải, hoàn lương để chung sống cùng cộng đồng và làm lại cuộc đời.

Theo TTXVN