1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ông Mai Văn Dâu, Lương Quốc Dũng trước ngày đặc xá

Kỳ ngộ nơi không ai muốn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu và nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Lương Quốc Dũng cùng ở một buồng giam. Đợt đặc xá này, họ đều có tên trong danh sách đề nghị…

Ông Mai Văn Dâu, Lương Quốc Dũng trước ngày đặc xá - 1

Niềm hạnh phúc được trở về với gia đình đang đến với hai ông Mai Văn Dâu và Lương Quốc Dũng.
 
Ít ngày nữa, Chủ tịch nước sẽ ký quyết định đặc xá Tết Kỷ Sửu cho các phạm nhân cải tạo tốt, đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Cũng như hơn 15.000 phạm nhân có tên trong danh sách do Hội đồng Tư vấn đặc xá đề nghị, ông Mai Văn Dâu và ông Lương Quốc Dũng nóng lòng chờ đợi "ngày đặc biệt".

Chung buồng giam trong khoảng hơn một lốc lịch (từ cuối 2007), ông Mai Văn Dâu và ông Lương Quốc Dũng "hữu duyên" trở thành tri kỷ. Trước đó, ông Dâu có thời gian ở Trại Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) sau phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Cuối năm 2007, ông Dâu được chuyển ra Bắc, cải tạo tại Trại Thanh Xuân. Khi đó, ông Lương Quốc Dũng đã thụ án ở trại này hơn 3 năm, chưa tính thời gian tạm giam tại Trại B14 (Thịnh Liệt, Thanh Trì). Ông Dâu và ông Dũng ở cùng buồng có hơn 20 người, thuộc Đội cải tạo số 25.

Những người ở cùng buồng với hai ông cũng thuộc thế hệ "cây cao bóng cả", nay vào đây với nhiều tội trạng khác nhau. Cách xếp người như thế cũng phù hợp tâm lý, đặc điểm các nhóm phạm nhân bởi dù trên khía cạnh nào, họ khó "cụng lưng" với mấy tay tù hình sự, nghiện ma túy hay những người vị thành niên đua xe, đánh nhau gây thương tích. Bởi vậy, phòng của ông Dâu, ông Dũng thinh lặng hơn, họ kín tiếng và nhã nhặn hơn thường lệ.

Công việc cũng có phần nhẹ nhàng, không xách xô pha trộn bê tông, không cắt đan giày da, bao bì hay cuốc đất trồng rau mà mỗi người được giao chăm sóc cây cảnh hoặc những việc phù hợp tuổi tác. Có lẽ, phong cách gần với cây cảnh, gần với thiên nhiên giúp tâm lý giảm căng thẳng. Nhiều cây cảnh trước trại uốn hình rồng, hình phượng hay kiểu tỉa ngọn xoắn ốc là tác phẩm của ông Lương Quốc Dũng, ông Mai Văn Dâu.

Từng có tin phao rằng, phạm nhân có chức vụ, quyền hạn một thời, nếu vào trại cũng mỗi người một buồng, mùa đông được chăn ấm, đệm êm, muốn tắm có bình nóng lạnh, mùa hè có tủ lạnh, ăn uống theo kê đơn, sở thích, thậm chí cả điều hòa nhiệt độ. Kỳ thực, đó là sự… tưởng tượng!

Ở trại giam, các phạm nhân không phân biệt hệ, loại nào đều hưởng tiêu chuẩn như nhau: được bố trí mỗi người một chiếu cá nhân, các chiếu đặt trong buồng giam kê theo hai hàng, mỗi hàng khoảng 12 chiếu. Giường là lớp bê tông ốp gạch có độ cao 40cm so mặt nền, giữa có hành lang hẹp. Mùa đông, trại phát mỗi người chiếc chăn bông cá nhân, một số quần áo ấm dùng chung mẫu theo quy định của Bộ Công an. Mấy hôm nay rét đậm, các phòng giam đóng kín cửa trong, cửa ngoài, gió lạnh không thể lọt vào. Ông Dâu, ông Dũng cũng đều thực hiện theo quy định chung như vậy.

Tôi hỏi nếu người nhà muốn mang đệm êm chăn ấm vào cho phạm nhân thì sao? Trung tá Phạm Văn Thân, Phó Giám thị nói, chỉ chấp nhận một số loại chăn theo quy định chứ không có chuyện đưa cả đệm vào trại vì giam giữ phải đảm bảo bình đẳng, công bằng, không thể người này có đệm ấm, người kia lại không. Duy nhất nơi có đệm là "buồng hạnh phúc", nơi dành cho chồng hoặc vợ phạm nhân đến thăm, thời gian, số lượt tuân theo quy định chung.

"Trời rét, phạm nhân muốn tắm nước ấm thì đăng ký, những người ăn kiêng, ăn theo bệnh lý cũng thực hiện theo chế độ riêng" - Trung tá Thân nói. Các buồng có thêm những phích nước nóng để uống. Rét vậy nhưng giờ giấc nghiêm ngặt, cứ tới 22h là đi ngủ, sáng 6h có kẻng báo thức, phạm nhân phải dậy làm vệ sinh cá nhân, gấp chăn ngay ngắn, để theo hàng dọc, nếp gấp vuông góc như viên gạch. Phòng nào cũng gọn gàng, ngăn nắp, hai dãy chiếu đều xếp chăn phía trên đến mức các mép chăn cùng nằm trên một đường thẳng.
Từ khi rời Trại Thủ Đức ra Thanh Xuân, ông Dâu được xếp cùng phòng với ông Dũng. Sự kỳ ngộ chốn tù dần dần biến hai người thành tri kỷ, dẫu rằng tuổi đời ông Dâu hơn ông Dũng gần một giáp. Hai người xưng anh em thân mật, lấy cơm ăn cùng nhau, kể cả chăm sóc cây cảnh cũng cùng nhau chăm một cây. Mắc bệnh huyết áp nên ông Dâu ăn kiêng hơn.

Cứ 19h, sau bữa cơm, cả hai chăm chú xem thời sự (mỗi buồng giam của phạm nhân đều lắp 1 tivi), rồi bàn chuyện xã hội, chuyện báo chí, thỉnh thoảng vào cuối giờ chiều lên thư viện đọc báo. Nhưng không vì vậy không khí rôm rả tăng nhiệt bởi những câu chuyện đùa cũng chỉ như mây khói, hai người vẫn mang bản tính trầm lặng, tư duy kín kẽ và thủ thỉ hơn là bộc bạch ồn ào.

Ông Dâu bị bệnh cao huyết áp từ lâu, những ngày ở trại ông thường được nhân viên y tế theo dõi, cho ăn uống theo bệnh lý, nhiều hôm nằm hẳn ở trạm xá, được các y tá chăm sóc thuốc thang và thức ăn uống theo chế độ. Tại trạm xá này, tôi cũng nhận thấy nhiều người tuổi tác cỡ như ông Dâu hoặc hơn kém một chút, vì những bệnh lý khác nhau nhưng có người nằm ở đây nhiều hơn ở buồng giam. Nhiều người có cả sách, báo để phía gối, lúc khỏe hơn lại mở ra đọc. Phía đầu giường đều ghi tên tuổi, chẩn đoán bệnh, quy trình điều trị, y sỹ, bác sỹ trực... trông cũng không khác gì bệnh xá loại khá ngoài xã hội.

Ông Lương Quốc Dũng dường như nội tâm hơn. Trung tá Hoàng Văn Pha (cán bộ quản giáo trực tiếp buồng giam có ông Dâu, ông Dũng) nói, kín kẽ cũng là tâm lý của người cải tạo loại án như trường hợp ông Dũng. Ngày ông Dâu chưa về Trại Thanh Xuân, ông Dũng đã có 3 Tết ở đây. Có lần giao thừa ông ngồi lặng lẽ tới gần sáng.

Tìm hiểu, tôi biết ông có những thế sự rất riêng, không dễ gì chia sẻ. Ở tù, người ta sợ nhất sự cô đơn. Nhưng trong trại, nhiều người tìm cánh phù hợp môi trường mới, gác lại nỗi sợ hãi thời gian. Sự chia sẻ từ gia đình, từ người thân phần nào làm vợi nỗi trống trải, còn lại thường ngày là những người bạn quanh mình.

Ông Lương Quốc Dũng luôn chứng tỏ khả năng thích nghi và vượt lên hoàn cảnh. Ông cũng là thương binh hạng 1/4 (cựu chiến binh chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972) nên vết thương xưa lúc trái gió trở trời cũng khiến ông đau đáu. Với ông Dâu rất có niềm tin ngày đoàn tụ gia đình. Vợ ông trở thành niềm ai ủi và động lực, điểm tựa tinh thần lớn nhất cho ông. Bà đều đặn đến thăm chồng theo quy định của trại.

Ở trại, cứ 22h là giờ ngủ của các phạm nhân nhưng các buồng giam và hành lang bên ngoài luôn phải sáng điện (theo quy định chung). Ban đầu, thứ ánh sáng về đêm ấy khiến họ khó chợp mắt, lâu dần cũng thành quen.

Trung tá Pha hơn 50 tuổi đời nhưng có tới 33 năm "tuổi trại". Anh bảo, những người có tuổi tác vào đây ban đầu thường dằn vặt về quá khứ, về những ngày giữ địa vị ngoài xã hội. Nhưng dần dần, họ cũng quen môi trường mới, ý thức bản thân mình nên ít kêu ca, phàn nàn, họ cũng rất tôn trọng quản giáo. Vì vậy, việc quản lý những người này thường không phải nhắc nhở gì nhiều, có khi chỉ cần gợi ý một chút là họ đủ hiểu, tự bảo ban nhau chấp hành tốt.

Trung tá Pha cũng kể rằng, khi đã ở trại khoảng vài tháng trở lên, những công việc thường nhật như chăm sóc cây cảnh, bồn hoa cũng khiến họ đam mê và đây là lúc không phải họ nghĩ nhiều về quá khứ. Đổi lại, họ lấy những thú vui này xoa dịu lòng mình. Buồng giam nào cũng có ô cửa thông gió, cả khi đóng kín cửa vẫn lọt sáng từ thiên nhiên. Đó là nơi có thể ngắm trăng. Quản trại đã lâu nhưng Trung tá Pha nói hiếm khi thấy ông Dâu, ông Dũng ghi chép kiểu như nhật ký vào sổ sách, trừ những lúc cần ghi thư cho người thân, gia đình...

Lại nói về ông Lương Quốc Dũng, nghệ thuật chăm sóc cây cảnh như thứ tài lẻ và ham mê đặc biệt của người đàn ông quá ngũ tuần này. Hai lần đặc xá trước, thời hạn đã đủ nhưng đối chiếu tiêu chuẩn xét lại khiến tên ông nằm ngoài do rơi vào trường hợp không được đặc xá. Lần này, cái Tết nữa đang đến rất gần. Không muốn hình ảnh mình xuất hiện trên báo chí lúc này là lý do khiến chúng tôi cũng không thể có tấm hình nào mới nhất của 2 ông. Nhưng tôi biết niềm vui đang đến với cả 2 ông, từng ngày, từng ngày...


Theo Đ.Trường - K.Qúy
Công an nhân dân